Giá / Tin thủy sản

Long An: Giá cá tăng, người nuôi phấn khởi

Long An: Giá cá tăng, người nuôi phấn khởi
Tác giả: Mai Hương
Ngày đăng: 30/03/2018

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá cá tăng, người nuôi rất phấn khởi vì có thu nhập ổn định.

Người nuôi phấn khởi vì cá được giá

Giá cá ở mức cao

Anh Nguyễn Phước Tài (ngụ ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nuôi cá trê, cá rô hơn 3 năm nay. Hiện, anh có 7 ao nuôi với diện tích 2,5ha. Anh Tài cho biết: “Bình quân mỗi ao nuôi có diện tích từ 0,3-0,5ha. Tôi thả 200kg cá rô giống/ao và thu hoạch trên 4 tấn/ao. Với giá bán cá rô hiện nay là 32.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 40-45 triệu đồng/ao. Nuôi cá trê lãi còn cao hơn. Bình quân mỗi ao nuôi cá trê có diện tích 0,5ha, sau 4 tháng thả nuôi, tôi thu hoạch 7 tấn/ao. Giá cá trê hiện nay là 47.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 300 triệu đồng/ao”. Thấy nuôi cá đạt hiệu quả, anh Tài cải tạo thêm 1 ao nuôi mới với diện tích 0,5ha.

Anh Nguyễn Đờ Rô (ngụ ấp 1, xã Long Thạnh) cũng “bén duyên” với nghề nuôi cá hơn 4 năm nay. Hiện, anh  có 2 ao cá rô nuôi được 40 ngày tuổi, khoảng 15 ngày nữa thu hoạch. Anh Rô nói: “Nuôi cá rô lợi nhuận không bằng cá trê nhưng hiệu quả hơn vì số ngày nuôi ngắn, ít rủi ro, dễ tiêu thụ. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ao nuôi, tôi lãi 40 triệu đồng. Giá bán cá tăng từ đầu năm đến nay, người nuôi rất phấn khởi!”.

Ngoài nuôi cá thịt, anh Rô còn ươm cá bột giống để nuôi cho ao nhà, số còn dư, anh bán cho người dân trong xã. Hiện, cá giống cũng rất hút hàng.

Nuôi cá khép kín

Theo cán bộ Khuyến nông xã Long Thạnh - Nguyễn Tấn Mạnh, hiện, trên địa bàn xã có 100 hộ nuôi thủy sản với diện  tích trên 20ha, gồm các loại: Lươn, ếch, cá lóc, cá trê, cá rô,... Hiện nay, giá bán cá thịt tăng nên người nuôi rất phấn khởi. Thời gian qua, để chăn nuôi đạt hiệu quả, xã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Xã vừa thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Long Thạnh, có 7 thành viên tham gia với diện tích 9ha và trên 20ha nuôi vệ tinh ở trong và ngoài xã. Tất cả thành viên đều nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc HTX Thủy sản Long Thạnh - Cao Phú Khánh thông tin: HTX phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản thực hiện các bước để được chứng nhận VietGAP.

Cán bộ Khuyến nông - Nguyễn Tấn Mạnh cho biết thêm: Người nuôi cá tại xã Long Thạnh ít dùng kháng sinh, đa số đều chuyển sang công nghệ biofloc. Đây là công nghệ mới giúp các vi sinh vật hữu ích trong ao phát triển, thúc đẩy quá trình phân hủy các chất dinh dưỡng nên người nuôi cá không cần thay nước trong suốt quá trình nuôi. Ngoài ra, nhờ áp dụng công nghệ này, cá lớn nhanh hơn, ít nhiễm bệnh và lượng thức ăn cho cá cũng giảm. Vì chi phí đầu tư thấp nên người nuôi có lãi cao. Hiện tại, Long Thạnh từng bước hình thành chuỗi nuôi thủy sản khép kín, trong đó, Giám đốc HTX Thủy sản Long Thạnh - Cao Phú Khánh giữ vai trò chủ đạo từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Anh Khánh có cơ sở lai tạo cá giống từ đàn cá bố mẹ ra cá bột. Bình quân mỗi tuần, anh xuất 2 lô giống cá bột (từ 3-4 triệu con/lô) và chuyển đến các thành viên khác trong HTX để nuôi thành cá giống con.

Ngoài lai tạo cá giống, anh Khánh còn cung cấp thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên HTX cũng như nhiều hộ nuôi vệ tinh tại khu vực Đức Hòa, các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Khi người nuôi muốn bán cá, lươn hay ếch thành phẩm, anh đều thu mua để bỏ mối cho các vựa cá ở chợ Tân An và chợ Bình Điền, TP.HCM.   

Nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín, anh Khánh xây dựng nhà sơ chế các loại cá để tiêu thụ sản phẩm từ người nuôi và cung cấp cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Anh Khánh chia sẻ: “Hiện tại, thủy sản trong HTX đều nuôi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dùng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết thủy sản đều bỏ mối qua các chợ nên giá cả chưa như mong muốn. Tôi đang gấp rút hoàn thành nhà sơ chế nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín, tạo đầu ra bền vững cho thủy sản, tránh tình trạng ép giá khi bán ra chợ”. 

Hiện nay, thị trường rất chuộng cá đồng nuôi. Vì vậy, anh Khánh dự tính mở rộng số người nuôi vệ tinh để tăng sản lượng đầu ra, cung cấp cho các chợ cũng như bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Nghệ An: Độc chiêu săn cua đá kiếm tiền triệu mỗi ngày Nghệ An: Độc chiêu săn cua đá kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thời gian này, ngư dân ở vùng biển Quỳnh Lưu, Hoàng Mai đang vào vụ săn bắt cua đá với những chiếc bẫy hết sức đơn giản, nhưng có thể thu về tiền triệu mỗi ngày

30/03/2018
Philippines: Định hướng sản xuất và phát triển ngành tôm Philippines: Định hướng sản xuất và phát triển ngành tôm

Nhờ chiến lược thống nhất sản xuất và tăng trưởng, ngành tôm của Philippines đang dần lớn mạnh và có nhiều tín hiệu lạc quan để mở rộng sản xuất

30/03/2018
Sấy thủy sản bằng năng lượng mặt trời kết hợp bơm nhiệt Sấy thủy sản bằng năng lượng mặt trời kết hợp bơm nhiệt

Đó là sản phẩm do TS Trần Đại Tiến, thuộc Bộ môn Kỹ thuật điện lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang thiết kế.

30/03/2018