Giá / Tin nông nghiệp

Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp nguồn nhân lực nền tảng cơ giới hóa

Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp nguồn nhân lực nền tảng cơ giới hóa
Tác giả: Thanh Sa
Ngày đăng: 29/07/2016

Tại hội nghị đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, nếu Việt Nam không xây dựng ngành cơ khí nông nghiệp đủ mạnh thì khó mong hoàn thành chương trình cơ giới hóa.

Nặng nợ nông dân

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí Công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Ủy viên Ban thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, muốn phát triển ngành nông nghiệp hiện đại phải thực hiện cơ giới hóa (CGH) ngành nông nghiệp. CGH ngành nông nghiệp là con đường sống còn của hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

CGH không thể bắt chuớc hay nhập khẩu máy móc, thiết bị ở đâu về được, bởi nó không phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và đặc điểm canh tác từng vùng miền của Việt Nam. Đất nước nào cũng phải tự tìm con đường riêng cho mình, không thể rập khuôn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ làm được việc này?

Chắc chắn không ai khác ngoài những người làm cơ khí nông nghiệp (CKNN). Với thực trạng trình độ CGH của Việt Nam đang thấp so với khu vực và lực lượng làm công tác CKNN còn thiếu và không đồng bộ, do đó, nếu tập trung và phải làm là nâng cao trình độ CGH, thì hệ thống đào tạo ngành CKNN phải nâng cao hơn cả về số lượng và chất lượng.

Nếu như trước đây, cả nước có 5 trường đại học đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngành CKNN, thì hiện nay chỉ còn hai khoa Cơ khí thuộc hai trường đại học Nông lâm TP.HCM và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong bốn năm liên tiếp 2008, 2009, 2010 và 2011, số thí sinh thi vào ngành CKNN rất ít, việc tuyển sinh không đạt được các chỉ tiêu, đặc biệt năm 2011, không có thí sinh nào đăng ký học ngành CKNN.

Thế mạnh của các trường ĐH Nông lâm chính là những ngành liên quan đến nông - lâm - ngư. Thế nhưng, trong những mùa tuyển sinh các năm trên, dù tuyển tới 2 nguyện vọng với điểm chuẩn gần như bằng điểm sàn nhưng nhiều ngành thuộc khối Cơ khí Nông lâm, Lâm nghiệp vẫn không đủ chỉ tiêu.

Hiện thị trường Việt Nam có 67% máy nông nghiệp là nhập khẩu, ngành cơ khí trong nước chỉ đáp ứng 33%, nhưng chất lượng thiếu ổn định và công suất nhỏ. Còn phần lớn người vận hành máy nông nghiệp không qua đào tạo, không có chứng chỉ, bằng cấp.

Một bài toán tính riêng cho sản xuất lúa, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống mức 5 - 6%, sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6% cho 44 triệu tấn lúa của cả nước hay sẽ tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 50%.


Việt Nam cần có thêm chính sách khuyến khích tự chủ ngành cơ khí nông nghiệp

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, danh sách những ngành nghề đang “khát” nhân lực hiện nay có hàng loạt các ngành cơ khí nhưng đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động). Vì vậy nhu cầu đào tạo ngành Cơ khí và CKNN là rất lớn khi trình độ và yêu cầu của CGH nâng lên.

Xốc lại

Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 ghi: Điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành, nghề để đến năm 2020 đạt tỷ lệ như: Khoa học cơ bản 9%; Sư phạm 12%; Công nghệ - kỹ thuật 35%; Nông - Lâm - Ngư 9%; Y tế 6%; Kinh tế - Luật 20% và các ngành khác 9%.

Tuy nhiên những năm qua chưa có định hướng phát triển nhân lực của đất nước, chưa phù hợp với đòi hỏi nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 2010 số lượng sinh viên vào nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm 31,09% và nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp lại rất thấp, chỉ có 8,69%. Do đó, cần đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Ngành cơ khí nói chung và cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông thôn nói riêng ít hấp dẫn vì lương không cao, làm việc cực nhọc, học tập vất vả... Sản xuất nông nghiệp hiện nay với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa nhanh sẽ đối mặt với thiếu hụt lao động.

Tuy nhiên, muốn phát triển ngành cơ khí nông nghiệp trước hết cần phải chú trọng đào tạo kỹ sư, nhưng hiện nay, các trường đại học đã ngưng đào tạo (ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm Huế, ĐH Thái Nguyên...), hoặc rất khó khăn và không ổn định về việc tuyển sinh ngành này (ĐH Nông Lâm TP.HCM và Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Do đó, một chính sách học bổng hợp lý từ ngân sách thông qua điều tiết chung từ nhiều nguồn khác nhau ở tầm vĩ mô của quốc gia là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Thế Hà - chuyên viên tư vấn đầu tư (Cty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ) cho rằng, ngành cơ khí nông nghiệp Việt Nam nhiều năm nay “mắc nợ” nông dân. Cty Bùi Văn Ngọ sẵn sàng cấp học bổng cho sinh viên học ngành cơ khí nông nghiệp để sáng chế máy nông nghiệp phục vụ nông dân. “Phải đột phá, cơ giới hóa cần phải có những người chuyên nghiệp”, ông Hà chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Những người nuôi con mọn ở cao nguyên Mộc Châu Những người nuôi con mọn ở cao nguyên Mộc Châu

“Nông nghiệp Mộc Châu là một vùng kinh tế năng động của tỉnh Sơn La. Để đáp ứng nhu cầu của nông dân, nhưng năm gần đây, lực lượng khuyến nông cũng vất vả, bận rộn giống như những người nuôi con mọn…” – anh Lê Đăng Dũng-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mộc Châu (Sơn la), tâm sự.

29/07/2016
Thành tỷ phú từ 3 công ruộng Thành tỷ phú từ 3 công ruộng

Nhắc đến nông dân (ND) là nhắc đến sự truân chuyên, nhắc đến người trồng lúa thì còn vất vả hơn. Ấy vậy mà, ở mảnh đất Đồng Tháp trù phú đã xuất hiện một tỷ phú từ chính cái nghề tưởng như rất khó khăn này...

29/07/2016
Gà Đông Tảo không đủ cung cấp cấp cho thị trường Gà Đông Tảo không đủ cung cấp cấp cho thị trường

Anh Trí cho biết, mặc dù hiện nay nhiều người nói thị trường gà Đông Tảo đã bão hòa bởi nhiều trang trại nuôi được gà Đông Tảo nhưng trang trại anh vẫn không đủ gà cung cấp.

29/07/2016