Giá / Tin thủy sản

Loại và lượng thức ăn cho ấu trùng cá bớp

Loại và lượng thức ăn cho ấu trùng cá bớp
Tác giả: NH Tổng Hợp
Ngày đăng: 01/04/2020

Cá bớp (Rachycentron canadum Linnaeus, 1766) là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế và được nhiều người ưa chuộng. Với nguồn dinh dưỡng dồi dào, giàu protein, ít cholesteron và đặc biệt cung cấp Omega 3, iot, canxi rất tốt cho sức khỏe. Cá bớp được ví như “vua” trong cá loại hải sản ở nước ta và được xem là đối tượng có thị trường tiêu thụ rộng lớn. 

Nghiên cứu so sánh hiệu quả của Copepoda và Artemia trong ương nuôi ấu trùng cá bớp.

Việc phát triển mở rộng diện tích nuôi cá bớp đòi hỏi một số lượng lớn cá giống. Tuy nhiên, lượng cá khai thác trong tự nhiên ngày càng ít dần đi (Nguyen, 2016). Do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, người ta đã tiến hành nuôi thương phẩm loài cá này với quy mô lớn. Giống là một khâu rất quan trọng trong chuỗi sản xuất, có ý nghĩa rất lớn quyết định sự thành công của vụ nuôi. Trước đây, giống cá bớp chủ yếu là khai thác ngoài tự nhiên, do đó có số lượng ít, kích thước cá không đồng đều, thường bị xây xát do đánh bắt dẫn đến chất lượng giống không đảm bảo cũng như việc thả giống không chủ động (Dang, 2017). Do đó, việc nghiên cứu sản xuất giống cá bớp nhân tạo trên thế giới (Nancy & ctv., 2001) nói chung và ở Việt Nam nói riêng được quan tâm từ rất sớm. Ở Việt Nam hiện có một số cơ sở đang sản xuất ấu trùng cá bớp, tuy nhiên tỷ lệ sống của cá còn thấp (khoảng 3 - 5%) vì chưa có quy trình và chế độ cho ăn thích hợp (Nguyen, 2016). Chính vì vậy, việc thử nghiệm các khẩu phần thức ăn sống khác nhau trong quy trình ương nuôi để tìm ra khẩu phần và chế độ cho ăn tối ưu là rất cần thiết để góp phần nâng cao tỉ lệ sống, giảm chi phí sản xuất cũng như tăng tính ổn định, đáp ứng nhu cầu về con giống.

Phương pháp thí nghiệm

Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của 3 loại thức ăn và 3 mật độ thức ăn khác nhau đến việc ương ấu trùng cá bớp trong hệ thống bể composite tại Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận giai đoạn từ 6 - 25 ngày tuổi. 

Thí nghiệm xác định sự ảnh hưởng của 2 nhân tố loại và lượng thức ăn được thực hiện với 9 nghiệm thức là tổ hợp của 3 loại thức ăn (100% Copepoda, 100% Artemia và 50% Copepoda + 50% Artemia) và 3 mật độ thức ăn khác nhau (5 - 10 con/mL, 10 - 15 con/mL và 15 - 20 con/mL).

Mỗi nghiệm thức được thực hiện với 5 lần lặp lại tại cùng thời điểm, tổng cộng có 45 lô thí nghiệm. Thể tích mỗi bể là 100 L. Cá bớp trong các nghiệm thức thí nghiệm được thả với mật độ 5 con/L.

Kết quả

Kết quả sau đợt ương cho thấy các chỉ tiêu về môi trường trong các nghiệm thức đều được giữ ổn định trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng cá bớp. 

Các loại và lượng thức ăn khác nhau cho sự tăng trưởng khác nhau về trọng lượng, loại thức ăn có thành phần 100% Artemia và mật độ thức ăn 15 - 20 con/mL cho mức tăng trưởng cao nhất về trọng lượng và loại thức ăn 100% Copepoda và lượng thức ăn 5 - 10 con/mL cho mức tăng trưởng về trọng lượng thấp nhất. Tuy nhiên, khi thay đổi đồng thời loại và lượng thức ăn sống thì không có sự khác biệt về tăng trưởng về trọng lượng. 

Loại và lượng thức ăn sống có ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của ấu trùng cá bớp giai đoạn 6 - 25 ngày tuổi. Tỉ lệ sống của ấu trùng cá bớp cao nhất ở mật độ 15 - 20 con/mL và thấp nhất ở mật độ thức ăn 5 - 10 con/mL. 

Ấu trùng cá bớp ăn các loại thức ăn khác nhau có tỉ lệ sống khác nhau. Loại thức ăn 100% Copepoda cho tỉ lệ sống cao nhất và 100% Artemia cho tỉ lệ sống thấp nhất. Tuy nhiên, khi thay đổi đồng thời loại và lượng thức ăn sống thì không có sự khác biệt về tỉ lệ sống của chúng. 

Do vậy, mật độ thức ăn 15 - 20 con/mL là tốt nhất và mật độ thức ăn 5 - 10 con/mL là kém nhất cho sự phát triển của ấu trùng cá bớp. Trong các loại thức ăn, loại thức ăn có thành phần 100% Artemia cho kết quả cao nhất và loại thức ăn có thành phần 100% Copepoda cho kết quả kém nhất về sự phát triển của ấu trùng cá bớp giai đoạn 6 - 25 ngày tuổi. Tuy nhiên, cần tính toán chi phí và cách thức cho ăn hợp lý cho từng giai đoạn phát triển của ấu trùng cá để đạt hiệu quả cao nhất.


Có thể bạn quan tâm

Sử dụng Bacillus để ức chế vi khuẩn Vibrio Harveyi gây bệnh trên tôm nuôi Sử dụng Bacillus để ức chế vi khuẩn Vibrio Harveyi gây bệnh trên tôm nuôi

Nghiên cứu tác dụng của Bacillus dạng đông khô và vi bọc đối với việc chống lại vi khuẩn V. harveyi gây bệnh trên tôm nuôi.

01/04/2020
Kích thích tăng trưởng và miễn dịch cá chạch bùn Kích thích tăng trưởng và miễn dịch cá chạch bùn

Nghiên cứu đánh giá tác động của Chitosan đến tăng trưởng và miễn dịch của cá chạch bùn, đồng thời góp phần tận dụng nguồn phụ phẩm tôm góp phần phát triển

01/04/2020
Nuôi trồng thủy sản Trung Quốc bắt đầu phục hồi trở lại khi hạn chế coronavirus được bãi bỏ Nuôi trồng thủy sản Trung Quốc bắt đầu phục hồi trở lại khi hạn chế coronavirus được bãi bỏ

Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc và quốc gia nói chung, có lẽ không thể phục hồi ngay được sau khi dịch coronavirus bùng phát

01/04/2020