Giá / Tin thủy sản

Lo ngại về sụt giảm của thị trường cá tra Mỹ và EU

Lo ngại về sụt giảm của thị trường cá tra Mỹ và EU
Tác giả: Trung Chánh
Ngày đăng: 01/12/2017

Lượng xuất khẩu cá tra vào Mỹ và EU liên tục sụt giảm gần đầy. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Sự sụt giảm sản lượng cá tra vào thị trường Mỹ và EU hiện đã được bù đắp bởi dự tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc-Hồng Kông và Brazil... Thế nhưng, nhiều lời cảnh báo về sự sụp đổ ngành hàng này đã được đưa ra, nếu thị trường Mỹ và EU không được phục hồi.

Phát biểu khai mạc hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong xu hướng mới” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 29-11, ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, chiếm hơn 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Tuy nhiên, gần đây, xuất khẩu sang hai thị trường nêu trên liên tục sụt giảm. “Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU từ 24% tỷ trọng toàn ngành năm 2012 đã giảm xuống 15% năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất sang EU giảm xuống còn 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành”, ông Công dẫn chứng.

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, tính đến cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU đạt hơn 170 triệu đô la Mỹ, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 290 triệu đô la Mỹ, giảm 9,3%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc-Hồng Kông trong khoảng thời gian này đạt hơn 335 triệu đô la Mỹ, tăng 42,3% so với cùng kỳ; sang Brazil đạt gần 85 triệu đô la Mỹ, tăng 68,3%.

Nhờ tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc-Hồng Kông và Brazil đã giúp đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra đến hết tháng 10-2017 đạt gần 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết hiệp hội lo lắng với tình hình hiện nay. “Thị trường Trung Quốc đang gia tăng và chiều hướng gia tăng vẫn sẽ tiếp tục, nhưng không phải không có điều lo lắng”, ông nói. Tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc là do các nhà nhập khẩu nơi đây tin tưởng cá tra Việt Nam được quản trị chất lượng tốt, bắt nguồn từ lượng xuất khẩu cao sang thị trường EU và Mỹ trong những năm qua. “Nhưng, một khi chúng ta làm mất hai thị trường này (Mỹ và EU), thì đối với thị trường Trung Quốc, tôi e rằng cũng sẽ mất theo”, ông cho biết.

Một vấn đề khác, theo ông Dũng, đó là việc duy trì xuất khẩu tốt ở thị trường EU và Mỹ sẽ là đối trọng giúp cân bằng trong xuất khẩu của ngành. “Khi chúng ta bị suy yếu ở hai thị trường này, chắc chắn trong thương mại quốc tế sẽ có vấn đề ngay”, ông cho biết và dẫn chứng trong buôn bán, nếu một khách hàng mà chiếm đến 40-50% thị phần xuất khẩu, thì mức độ rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều so với 3-4 khách hàng chiếm 50% thị phần", ông cho biết.

Vậy làm sao khôi phục việc xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU để tạo thế đối trọng với thị trường Trung Quốc-Hồng Kông?

Ông Jean Charles Diener, Giám đốc OFCO kiêm chuyên gia tư vấn chiến lược xuất khẩu vào thị trường EU nói rằng, trước khi tính đến giải pháp, thì phải hiểu nguyên nhân câu chuyện sụt giảm xuất khẩu cá tra bắt đầu tư đâu.

Theo ông Jean Charles Diener, thứ nhất, do đã có sự sai lầm trong chiến lược bán hàng ngay từ đầu; thứ hai, khi gặp khủng hoảng sụt giảm, thì dữ liệu dùng để phân tích, tìm ra giải pháp xử lý lại thiếu.

Từ vấn đề nêu ra, theo ông Jean Charles Diener, cần phải cải thiện chiến lược bán hàng vì sai lầm về chiến lược bán hàng từ lúc đầu là nguyên nhân dẫn đến vấn đề như ngày nay. “Mỗi thị trường có những mảng, lĩnh vực khác nhau, có siêu thị, nhà hàng, các chuỗi nhà hàng, suất ăn công nghiệp, bữa ăn chế biến sẵn trong siêu thị..., nên cần phải có chiến lược tiếp cận thích hợp”, ông gợi ý.

Một vấn đề khác được ông gợi ý cần phải cải thiện là khâu mạ băng trong chế biến. “Sản phẩm tiêu chuẩn xuất khẩu từ Việt Nam nhìn thì rất đẹp, nhưng nếu bỏ phần mạ băng thì 1 kí lô gam cá phi-lê chỉ còn lại 600 gam và nếu loại bỏ tiếp phần xử lý tăng trọng nữa, thì 1 kí lô gam cá chỉ còn 400 gam thôi. Rõ ràng, sản phẩm này không phải là sản phẩm tốt nên rất dễ mất thị trường”, ông cho biết.

Ngoài ra, theo ông Jean Charles Diener, cần phải hiểu và tôn trọng thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu vào và phải nâng cao chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm. “Chúng ta đã bán cá tra đi khắp thế giới, đã khai thác được tất cả thị trường nên không còn nơi mới nào để đi nữa”, ông cho biết thêm và gợi ý phải chú trọng tạo dựng hình ảnh, lấy lại niềm tin thị trường, chứ không thể kinh doanh theo kiểu khai thác, phá hủy và đi tìm thị trường mới để khai thác tiếp được.


Có thể bạn quan tâm

F3 Challenge: Thức ăn không bột cá F3 Challenge: Thức ăn không bột cá

F3 Challenge (thức ăn không có thành phần bột cá) được phát động vào tháng 5/2016 nhằm tìm ra hãng sản xuất có lượng tiêu thụ thức ăn F3 lớn nhất

01/12/2017
Hiểu đúng thị trường để khai thác hiệu quả Hiểu đúng thị trường để khai thác hiệu quả

Đối với Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ) là một thị trường lớn với nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng như: gạo, thủy sản, hoa quả nhiệt đới, cao su

01/12/2017
Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống

Các loại thủy sản truyền thống như mè, trôi, trắm, chép... được xác định là những loài nuôi nhiều ở nước ta và được sản xuất giống nhân tạo

01/12/2017