Liên Kết Trong Chăn Nuôi
Trong bối cảnh người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn vì con giống, thức ăn, thuốc thú y liên tục tăng giá nhưng thị trường đầu ra lại bấp bênh; nguy cơ dịch bệnh rình rập… thì mô hình liên kết chăn nuôi giữa Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam với một số chủ trang trại trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.
Theo chân anh Thái Quốc Khánh, Giám đốc HTX chăn nuôi Thống Nhất, huyện Cam Lộ đến thăm trang trại 1.500 con lợn/lứa do chính anh làm chủ, chúng tôi mới biết ở Quảng Trị đã có những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, hiện đại và chuyên nghiệp đến vậy.
Sau khi hướng dẫn cách nhúng chân qua bồn khử trùng, anh Khánh dẫn chúng tôi vào khu vực nuôi lợn là một dãy nhà được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và giới thiệu: “Để hợp tác được với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, trước hết tôi phải xây dựng trang trại theo đúng mô hình thiết kế của công ty về diện tích, cách bố trí các dãy, ô chuồng; có hệ thống quạt thông gió làm mát không khí vào mùa hè; máy phát điện để sưởi ấm vào mùa đông đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi luôn ổn định ở mức 270C.
Ngoài khu nhà điều hành, kho dự trữ thức ăn, trong khuôn viên trang trại còn có hệ thống xử lý chất thải hầm bioga dung tích 7.500 m3, thiết kế hiện đại đảm bảo xử lý tuyệt đối chất thải chăn nuôi… Tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để có hệ thống cơ sở hạ tầng này”.
Đổi lại, anh Khánh được Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp 1.500 con lợn giống/lứa; toàn bộ thức ăn, thuốc thú y trong quá trình nuôi; sau 4,5 - 5 tháng phải đảm bảo điều kiện trọng lượng 100 kg/con trở lên, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Trung bình mỗi con lợn hơi xuất chuồng anh Khánh được công ty trả 300 ngàn đồng/con. Ngoài ra, trong quá trình nuôi công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống theo dõi, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như phòng chống dịch bệnh cho trang trại. Đây được gọi là hình thức chăn nuôi gia công, một mô hình liên kết chăn nuôi lần đầu tiên có mặt ở Quảng Trị và chỉ trong một thời gian ngắn đã có 5 chủ trang trại ở huyện Cam Lộ thực hiện mô hình này.
Ông Hồ Văn Dương, nông dân xã Cam Thanh là người đầu tiên “bắt tay” với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P thực hiện mô hình này. Vốn là một nông dân có chí làm giàu, ông Dương được nhiều người biết đến với mô hình cá - lúa kết hợp chăn nuôi ra đời khá sớm ở vùng đất bạc màu xã Cam Thanh.
Tuy nhiên, với nguồn vốn tự có ông Dương nhận ra rằng thật khó mở rộng sản xuất nếu tự trang trải mọi khâu trong quy trình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Vì vậy, khi vào Đồng Nai học tập kinh nghiệm làm ăn, ông nhanh chóng tiếp thu mô hình liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp với nông hộ chăn nuôi.
Theo ông Dương thì mô hình chăn nuôi này rất phổ biến ở các tỉnh, thành miền Nam nhưng ở Quảng Trị thì chưa có nên ông phải tốn khá nhiều công sức để tìm hiểu, chủ động liên lạc và đàm phán để hợp tác với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Sau 2 năm thực hiện, ông Dương đã xuất chuồng 4 lứa lợn thương phẩm (1.000 con/lứa) cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P, tổng tiền gia công ông nhận được từ công ty là 1,2 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí nhân công, điện, ông Dương hưởng lợi nhuận bình quân 300 - 400 triệu đồng/năm.
Ngoài lợi nhuận về kinh tế thì sau khi chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung; liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi để sản xuất lợn thương phẩm, ông Dương cũng như các chủ trang trại ở Cam Lộ đều học thêm được nhiều kiến thức về chăn nuôi từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P, những người thường xuyên về hỗ trợ chuyên môn cho các trang trại như quy trình kỹ thuật nâng cấp con giống, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, môi trường… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lợn thịt theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp, góp phần định hướng sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Phấn đấu đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cấp chứng nhận mới cho 800 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân đều chưa thấy được lợi ích mà VietGAP mang lại. Do đó, sự tích cực tham gia chương trình VietGAP của không ít bà con đã giảm hơn trước...
Trong đó: Trung ương Hội ủy thác cho 17 hộ nông dân vay 500 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn nái ở thị trấn Hòa Thuận; Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ủy thác cho 19 hộ nông dân vay 140 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò tại hai xã: Hồng Đại, Tiên Thành; Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 73 hộ nông dân vay phát triển chăn nuôi nuôi trâu, bò, lợn nái, lợn thịt..., với tổng số tiền 519 triệu đồng.
Phía sau câu chuyện nuôi cá bông lau là tâm huyết của các kỹ sư nông nghiệp trẻ cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của quê hương.