Lem Nhem Thủy Sản Miền Bắc Chỉ Dừng Ở Mô Hình Và Phòng Thí Nghiệm
Thực tế, tỉnh nào ở phía Bắc cũng có trại và trung tâm giống thủy sản làm nhiệm vụ nuôi cá bố mẹ để SX cá giống thương phẩm cung cấp cho địa phương. Và miền Bắc cũng là địa bàn của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đơn vị h àng đầu nghiên cứu, SX cá bố mẹ. Vậy, tại sao thủy sản miền Bắc vẫn nhếch nhác hàng thập kỷ qua?
GIỐNG TỐT NHƯNG... KHÔNG BÁN ĐƯỢC!
Ngành thủy sản phía Bắc muốn phát triển, đầu tiên phải có được con giống tốt, chất lượng cao. Đã nói đến giống thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Viện 1, trụ sở tại TX Từ Sơn, Bắc Ninh) là đơn vị cao nhất đang làm nhiệm vụ này. Viện 1, tiền thân là Trạm Nghiên cứu cá nước ngọt, được thành lập từ năm 1963, với mục đích nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt và điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản nước ngọt. Trải qua 50 năm phát triển, Viện 1 vượt qua nhiều khó khăn và trở thành một Viện đa chức năng về lĩnh vực nghiên cứu - khuyến ngư - đào tạo trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi.
Phó Viện trưởng thường trực Viện 1 Nguyễn Hữu Ninh nhấn mạnh, hiện Viện 1 là đơn vị cung cấp cá bố mẹ lớn nhất tại phía Bắc. Bình quân, mỗi năm Viện chuyển giao cho các địa phương hàng triệu con giống bố mẹ từ nước mặn, nước ngọt đến nước lạnh. Trong đó, cá rô phi đơn tính 20 - 30 triệu con, chép lai 3 máu 15 - 16 triệu con, tỉ lệ nuôi sống các giai đoạn đạt trên dưới 80%. Bên cạnh đó, Viện 1 cũng đã nghiên cứu chuyển giao thành công nhiều loại thủy sản nước ngọt, mặn, lạnh như trôi, chép, trắm, mè, cá song chấm, song chuột, cá giò, cá nhụ, chim vây vàng, cá hồi… Về nhuyễn thể và giáp xác có ngao Bến Tre, hàu Thái Bình Dương, tôm chân trắng bố mẹ…
Nhìn vào thành quả nghiên cứu của Viện 1 từ năm 2005 đến nay, cho thấy bộ sản phẩm đa dạng, phong phú đủ đáp ứng nhu cầu của các tỉnh phía Bắc về giống thủy sản. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc cái gì Viện 1 cũng làm được tại sao giống thủy sản Trung Quốc lại đang “làm mưa làm gió” ngoài thị trường như vậy? Ông Ninh thừa nhận, đúng là giống thủy sản của Trung Quốc đang áp đảo trên thị trường, nguyên nhân do hệ thống trại giống ở các địa phương hiện nay đã quá cũ kỹ và lạc hậu.
“Trước đây, khi có chương trình chuyển giao khoa học công nghệ cho các tỉnh, Viện 1 đã đi một loạt các địa phương xây dựng mô hình và chuyển giao cá bố mẹ, lúc đó thị trường giống thủy sản vô cùng sôi động. Tuy nhiên, từ khi hết chương trình hỗ trợ, hơn 10 năm nay các địa phương hầu như không nơi nào nhập cá bố mẹ của Viện (trừ một số tỉnh có tiềm lực kinh tế như Hà Nội, Quảng Ninh). Chính vì vậy, cá bố mẹ tại trại giống thủy sản các tỉnh hiện cũ kỹ lạc hậu lắm rồi. Thậm chí, nhiều nơi còn lấy cá thịt để cho đẻ nên các giống cá của ta mới ngày một bé đi và dịch bệnh nhiều như vậy”, ông Ninh trăn trở.
Cũng theo ông Ninh, các giống cá của Trung Quốc chưa hẳn đã tốt hơn của Viện 1, nhưng do được lái buôn quảng cáo nên bán chạy? Mặt khác, cá Trung Quốc giá rẻ nên buôn bán dễ thu được lợi nhuận cao, và đây cũng là 1 nguyên nhân khiến cá giống SX trong nước không cạnh tranh được. Ngoài ra, còn có nguyên nhân mà chúng tôi đã nói ở bài 1 là cá giống của ta ra sau cá giống của Trung Quốc tới 1 tháng.
Chính vì vậy, tại Viện 1 bao nhiêu năm qua luôn xảy ra nghịch lí, mỗi năm Viện có hẳn 50 tỉ đồng kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học và thực tế cũng cho ra đời rất nhiều giống cá, quy trình, kĩ thuật tốt, nhưng chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm hoặc chuyển giao cho một số tỉnh phục vụ khuyến nông làm mô hình mà không tiếp cận được thị trường thương mại. Hết đề tài này đến đề tài khác đều đi theo lối mòn cũ mà chưa tìm ra lối thoát.
LÀM Ở VIỆN CHỈ ĐỂ ĐI HỌC?
Việc mỗi năm chỉ thu được vài tỉ từ tiền bán giống và cá bố mẹ sẽ dẫn đến thu nhập của cán bộ công nhân viên Viện 1 thấp. Đặc biệt, sẽ thiếu kinh phí để quay vòng tái đầu tư cho nghiên cứu. Mà một khi thu nhập không đảm bảo được cuộc sống khó đòi hỏi tinh thần làm việc tuyệt đối của cán bộ trong Viện. Nhưng lạ là dù lương bổng lèo tèo vài ba triệu/tháng, nhưng ông Nguyễn Hữu Ninh khẳng định, cán bộ của Viện không có ai bỏ việc mà chỉ chuyển công tác sang các đơn vị khác trong Bộ. Từ đó, ông Ninh cho rằng, rất có thể cán bộ của mình chấp nhận lương thấp để đi học thạc sĩ, tiến sĩ, chờ có cơ hội chuyển sang làm việc ở những nơi thu nhập cao hơn.
Dẫn chứng cho việc này, ông Ninh chia sẻ, tổng số viên chức, lao động của Viện 1 hiện là 365 người (1/3 là biên chế). Trong đó, 74 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ (chiếm 20%), trên 70,4% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên có thể giao dịch bằng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) trong quan hệ công tác. Thực tế, 10 năm qua, Viện 1 cung cấp hàng chục cán bộ cho các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT như Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối và đặc biệt là Tổng cục Thủy sản…
Phải khẳng định, Viện 1 đang sở hữu đội ngũ lãnh đạo thuộc diện trẻ nhất trong các Viện trực thuộc Bộ NN-PTNT hiện nay, khi Viện trưởng mới chỉ sinh năm 1970, các Phó Viện trưởng còn trẻ hơn, đều là thế hệ giữa và cuối 7x. Vậy, với đội ngũ cán bộ đầy nhiệt huyết như vậy, chẳng lẽ lại bó tay để Viện 1 đì đẹt mãi như vậy? Phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Ninh thú thật: “Thế hệ lãnh đạo của Viện 1 hiện nay mới tiếp nhận công việc nên chưa làm được gì nhiều. Viện cũng đang có kế hoạch thay đổi cơ chế, chính sách mong bứt phá lên nhưng cảm thấy cứ bí bách và vướng mắc ở đâu đó. Nhưng theo tôi, nếu ngăn chặn được cá giống lậu của Trung Quốc chắc chắn giống trong nước sẽ phát triển”.
Hiện Hà Nội là địa phương thường xuyên nhập cá bố mẹ từ Viện 1 bổ sung hàng năm, còn các địa phương khác phần lớn là “có nào dùng thế”. Trao đổi với anh Phạm Minh - cán bộ kỹ thuật Trại SX Giống thủy sản và Dịch vụ Thanh Trì (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội), chúng tôi được biết cá bố mẹ của Viện 1 mặc dù chất lượng rất tốt nhưng không có người mua là đúng vì giá rất đắt, cá bột cá hương nước ngọt đã mấy nghìn đồng/con, cá giống xấp xỉ 300.000 đồng/kg nên không phải nơi nào cũng có tiền để mua bổ sung hàng năm.
Mà cá bố mẹ chỉ sau vài vụ không thay thế sẽ bị thoái hóa, cận huyết. Ngay như Hà Nội, có điều kiện kinh tế là vậy, song mỗi năm cũng chỉ hỗ trợ cho Trại giống Thanh Trì 200 triệu đồng để duy trì thay thế mới 15 - 20% cá bố mẹ. Với chi phí giống cộng chi phí TĂCN, nhân công lớn như vậy, rất ít trung tâm, trại giống ở các tỉnh theo được. Đó chính là nguyên nhân khiến giống thủy sản tại một số tỉnh miền Bắc hiện nay còi cọc, bệnh tật.
Còn anh Trương Văn Trị - Giám đốc Cty TNHH Giống thủy sản Hải Long (Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình) cho rằng, hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu tại các Viện, trường quá nhiều trong khi ưu đãi dành cho việc đưa các mô hình của các Viện vào thực tiễn SX lại không có. Chính vì vậy, dù các giống của Viện làm ra tốt đến đâu cũng chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm và mô hình, bởi Viện chỉ giỏi về chuyên môn không thể giỏi làm kinh doanh thương mại như DN được. Do đó, anh Trị đề xuất Nhà nước cần đầu tư cho DN nhiều hơn nữa vì kinh phí để xây dựng trại SX cá giống nước mặn rất lớn, lên tới vài chục tỉ đồng, nếu không có Nhà nước hỗ trợ rất khó để làm được quy mô và chất lượng cao.
+ Cũng có quan điểm về việc phải có DN vào cuộc, nguyên Viện trưởng Viện 1, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế thủy sản bền vững (Hội Nghề cá VN), TS Lê Thanh Lựu cho rằng đến giờ phút này phải nhìn nhận vào thực tế là bản thân các Viện mỗi năm có khoảng trên dưới 50 tỉ kinh phí dành cho nghiên cứu không phải là ít, nhưng lại không đủ để đầu tư chiều sâu cái mà mình muốn. Chính vì vậy, các Viện bây giờ phải gắn chặt với DN, để sau khi sản phẩm ra được thị trường mới có kinh phí để tái đầu tư nghiên cứu chiều sâu, chứ cứ trông chờ vào ngân sách, nghiên cứu khoa học của các Viện hiện nay cứ hết đề tài là lại bỏ tủ.
+ “Tháng 10 này Viện 1 sẽ tổ chức kỉ niệm 50 năm thành lập. Đáng lẽ, những dịp như thế này phải tổ chức mời các đơn vị trong Bộ NN-PTNT về chung vui. Nhưng do cơ sở vật chất của Viện lem nhem quá, bao nhiêu năm qua chẳng có thay đổi gì đáng kể nên chúng tôi chỉ dám tổ chức lễ kỉ niệm nội bộ và mời các thế hệ cán bộ, lãnh đạo cũ về dự thôi”, Phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Ninh ngậm ngùi.
Có thể bạn quan tâm
Ở Việt Nam, hiện nay lạc là một trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, đem lại thu nhập nhanh cho nông dân và là nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Khi thực hiện tiêu chuẩn tự nguyện như những tiêu chuẩn ShAD xây dựng thì “chi phí để tuân thủ các tiêu chuẩn nuôi tôm là bao nhiêu?” Đây là câu hỏi đặc biệt quan trọng với người nuôi tôm quy mô nhỏ, những người đang phải đối mặt với những khó khăn làm hạn chế lợi nhuận của họ.
Nông dân xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch ớt cao sản. Năm nay cây ớt trúng mùa, trúng giá nên ai cũng phấn khởi.