Giá / Tin nông nghiệp

Lão nông mang tiếng gàn vì bỏ tiền ngoài ruộng

Lão nông mang tiếng gàn vì bỏ tiền ngoài ruộng
Tác giả: Hoàng Lê
Ngày đăng: 01/11/2016

Lúa gần thu hoạch, nhà nông lại canh cánh nỗi lo ốc bươu vàng phá hoại, mùa màng thất bát. Thế nhưng mấy năm gần đây, người dân xã Long An, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) có cách khắc chế loài ốc gây hại này bằng cách nuôi ba ba trong ruộng lúa. Người đi tiên phong trong việc này là ông Dương Văn Thắng.

Mang tiếng gàn vì bỏ tiền ngoài ruộng

Có trong tay 1,5ha ruộng trồng lúa, nhưng năm nào ông Thắng cũng chỉ kiếm được trên dưới trăm triệu đồng. Số tiền đó chỉ đủ trang trải chi phí, sinh hoạt và cho con cái học hành. Nhiều năm liền, lão nông này không thôi trăn trở làm cách nào để gia tăng thu nhập từ diện tích đất canh tác mà mình đang sở hữu. Trong một dịp tình cờ, ông Thắng nghe người bạn kể về cách nuôi ba ba trong ruộng lúa mang lại hiệu quả cao. Nghĩ là làm, ông Thắng liền bắt tay mua 1.000 con giống để thí điểm cách nuôi ba ba “độc lạ” này.

Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Thắng với mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa. Ảnh:  H.L

Mô hình nuôi baba trong ruộng lúa đã được ông Thắng chuyển giao cho nhiều hộ dân và một số hộ đã thành công. Nuôi ba ba trong ruộng lúa vừa làm sạch ốc bươu vàng, vừa cho ra hạt gạo an toàn lại cho thu nhập gấp mấy lần so với độc canh cây lúa…”. Ông Dương Văn Phước - Chủ tịch Hội ND xã Long An

Ông Thắng cho biết, nuôi ba ba trong ruộng lúa không tốn nhiều chi phí như nuôi thả ao, tận dụng ốc bươu vàng trên ruộng để làm thức ăn chính cho chúng. Tuy nhiên, để bắt tay vào việc nuôi ba ba theo mô hình mới, cần phải mua tôn bao quanh khu đất ruộng để ba ba không trèo được ra bên ngoài.

Ông Thắng kể: “Trước khi mua ba ba giống về thả, tôi mua tôn và gần 300 trụ bê tông về dựng vòng quanh ruộng lúa, ai nấy đều cười. Nhiều người “chọc” vợ chồng tui dư dả, tiền xài không hết nên đem bỏ ngoài ruộng chơi…”.

Do là người khởi đầu ở địa phương nuôi ba ba trong ruộng lúa nên ông Thắng lo lắm, gần như hàng ngày ông đều có mặt ngoài đồng để theo dõi sự phát triển của ba ba. Sợ ba ba thiếu hụt thức ăn, ông thường đi bắt ốc quanh cánh đồng để cho ba ba ăn thêm cho mau lớn. “Không giống cách nuôi thả ao, ba ba nuôi trên ruộng lúa chậm lớn hơn nhưng có điều nặng cân lắm do chắc thịt. Hơn 1 năm, tôi bắt lên cân thử thì có con đã nặng hơn 1kg. Nhiều người hiếu kỳ ra xem rồi bảo tui ba ba là loại “tiền biết bò, biết lớn” trong ruộng lúa...” - ông Thắng phấn khởi kể.

Kiếm hàng trăm triệu đồng

Nói về cách nuôi ba ba trong ruộng lúa, ông Thắng cho biết, để làm mô hình này, trước hết xung quanh ruộng lúa phải đào 1 cái mương nhỏ, giữa ruộng lúa làm một mương thông với ao để khi nước cạn ba ba tập trung về. Khi làm đất xuống giống lúa thì xả nước vào đồng để ba ba lội trong ruộng tìm thức ăn. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên chỉ với 1.000 con giống, năm đầu tiên ông Thắng đã thu lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Thắng cho hay, sau hơn 1 năm, bình quân trọng lượng ba ba đạt 1kg/con là có thể xuất bán. Giá cả cũng dao động tùy theo cân nặng của ba ba, loại I trọng lượng đạt 1,5kg có giá 300.000 đồng/kg, loại II trọng lượng 1kg có giá khoảng 200.000 đồng/kg, còn lại ba ba nhỏ hơn chưa đủ tiêu chuẩn thì nuôi gối lại đến khi đủ cân mới bán. “Nuôi ba ba này có lợi lắm, vừa gia tăng thu nhập vừa có thể giải quyết được nạn ốc bươu vàng xâm hại ruộng lúa, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo nên hạt gạo an toàn-thật là nuôi 1 con mà làm lợi bao nhiêu việc…” - ông Thắng tấm tắc.

Sau thành công từ đợt đầu tiên, ông Thắng mạnh dạn mua 2.000 con giống ba ba và tiếp tục thả trong ruộng lúa. Đến nay, ba ba đang vào vụ thu hoạch và theo dự tính của ông Thắng, năm nay có thể thu nhập gấp đôi, tức là khoảng 400 triệu đồng… 


Có thể bạn quan tâm

Vàng xanh của đất Văn Yên xuất ngoại Vàng xanh của đất Văn Yên xuất ngoại

Từ nhiều năm nay, quế đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Nhờ trồng quế, nhiều hộ gia đình nơi đây đã bước sang trang mới

01/11/2016
Bí ngô khổng lồ, 5 triệu/quả khách tranh nhau mua Bí ngô khổng lồ, 5 triệu/quả khách tranh nhau mua

Những quả bí ngô khổng lồ dù còn non, chưa đến kỳ thu hoạch nhưng đã nặng khoảng 20 kg đang được khách ồ ạt đặt mua với giá 5 triệu đồng/quả.

01/11/2016
Doanh nghiệp, nhà nông thiệt vì thuế phân bón: Mở mà không mở Doanh nghiệp, nhà nông thiệt vì thuế phân bón: Mở mà không mở

Mặt hàng phân bón đang có phản ứng ngược khi ngay cả DN trong nước lẫn người nông dân đều gặp bất lợi về giá thành sản phẩm so với phân bón nhập khẩu

01/11/2016