Lão nông 'biến' vườn sầu riêng thường thành sầu riêng Thái
Sầu riêng là loại cây trồng khó tính, nhưng một lão nông tại tỉnh Đăk Nông đã cải tạo được vườn sầu riêng thường thành sầu riêng Thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Vườn sầu riêng đang cho thu hoạch của ông Thiện. Ảnh: Đinh Lâm.
Vườn sầu riêng hơn 100 cây của gia đình ông Hồ Đức Thiện ở thôn Đức Ái, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil (Đăk Nông) trồng xen trong rẫy cà phê 1,9 ha từ năm 1999.
Thời điểm đó, ít người trồng sầu riêng và giống cũng khá hiếm. Để có giống, ông đã tìm đến các vườn sầu riêng ở Đăk Lăk mua quả về ăn rồi lấy hạt ươm giống trồng.
Ông Thiện chia sẻ: "Hồi đó, tôi lựa chọn giống bằng cách thấy quả sầu riêng nào to, đẹp thì mua về, cả gia đình cùng ăn xem chất lượng thế nào. Nếu sầu riêng có cơm ngon thì lấy hạt ươm rồi mang vào rẫy trồng".
Sầu riêng sau 4 năm trồng, sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, nhưng tỉ lệ quả ít, hiệu quả kinh tế không cao. Ông Thiện đọc báo thấy có vườn sầu riêng ở Bến Tre, 1ha thu được 150 triệu đồng.
Thời điểm đó, 150 triệu đồng là nguồn thu nhập mơ ước của nhiều hộ dân làm nông nghiệp. Chính vì thế, năm 2009, ông quyết định đến tham quan vườn cây ở Bến Tre để tìm hiểu cách làm và nhận thấy giống là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế của vườn sầu riêng.
Từ đó, ông mày mò tiến hành ghép chồi để cải tạo vườn sầu riêng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông đã may mắn ghép chồi thành công ở cây đầu tiên. Thế nhưng, những cây sau đó lại thất bại.
Từ đó, ông lại tính đến thời điểm ghép, thời điểm lấy chồi, cách chăm sóc sau quá trình ghép, yếu tố quyết định sự phát triển của cây...
Sau những thất bại và với kinh nghiệm có được, ông Thiện bắt tay ghép cải tạo vườn sầu riêng giống địa phương đang cho thu hoạch bằng giống sầu riêng Thái hạt lép. Do sầu riêng trồng xen trong rẫy cà phê, nên ông chọn giải pháp ghép cải tạo trên cao để phía dưới cho cà phê phát triển.
Ông Thiện chia sẻ, khi tiến hành ghép chồi nên chọn thời điểm đầu mùa mưa, vì khi đó chồi ghép và bo ghép của sầu riêng đều đủ nước. Chồi ghép bọc sao cho không để nước vào mắt ghép để tránh điểm ghép bị thối.
Điều quan trọng nữa là phải tìm chồi ghép phù hợp và chọn giống cây trồng chất lượng, mang nhiều ưu điểm vượt trội để ghép cải tạo. Cây sầu riêng thụ phấn chéo, do vậy nên để lại 1 cành để tăng khả năng đậu quả của mỗi cây.
Cách lấy chồi ghép và thời điểm ghép sẽ quyết định đến thành công của cả quá trình ghép. Ảnh: Đinh Lâm.
Hiện nay, vườn sầu riêng của gia đình ông Thiện đang cho thu hoạch năm thứ 10, mỗi vụ khoảng 4 tấn quả. Với giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng/kg, ông đã thu về gần 200 triệu đồng mỗi vụ.
Trong vườn của gia đình ông Thiện, ngoài sầu riêng, còn có bơ, cà phê, mỗi loại cây khai thác 1 tầng không gian để tăng nguồn thu nhập trên diện tích. Sầu riêng thu tầng không gian cao, cà phê thu tầng thấp để giảm rủi ro trong thời điểm giá cả liên tục biến động bất lợi cho người sản xuất.
Theo ông Thiện, sầu riêng là loại cây thường xuyên bị bọ xòe tấn công, vì thế cần tính toán thời điểm để loại trừ thứ côn trùng gây hại này.
Ngoài ra, cần phải hạn chế cắt cành, vì điểm cắt sẽ thu hút bọ xòe tấn công vào thân và chết cây. Sầu riêng không chịu được nắng chiếu trực tiếp vào thân, nên cần có sự che chắn, đặc biệt là che hướng nắng buổi chiều để tránh mục thân...
Có thể bạn quan tâm
Công ty TNHH Đầu tư & phát triển VINA GREEN Thanh Hóa vừa tổ chức hội thảo đầu bờ về "Ứng dụng máy cấy điện ắc quy" tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Đến thăm mô hình trồng mít của anh Nguyễn Duy Dự ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy, Thái Bình chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Trồng 1 sào (360m2) ổi lê Đài Loan, trừ hết chi phí vật tư, sau thu hoạch còn lãi 15 triệu đồng/năm, hiệu quả cao gấp 6-7 lần so với canh tác lúa.