Lao Đao Nghề Nuôi Nhím
Cách đây vài năm ở Nam Định, nuôi nhím được coi là nghề “hái” ra tiền nên đã thu hút nhiều hộ nông dân không ngần ngại đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này.
Tuy nhiên, do việc nuôi nhím phát triển tự phát nên nhiều hộ chưa kịp “làm giàu” thì giá bán nhím xuống dốc thê thảm, khó tìm đầu ra. Đến nay, nuôi nhím thực sự trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ dân; một số hộ phải bán tháo để thu hồi vốn chuyển sang ngành nghề khác.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN và PTNT), thời điểm cao trào nghề nuôi nhím (năm 2009 và 2010), trên địa bàn tỉnh có trên 120 hộ nuôi. Nhiều hộ nuôi thu được lợi nhuận cao bởi thịt nhím là đặc sản nhu cầu nhiều nhưng nguồn cung hiếm, trong khi nhím dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bị dịch bệnh, không tốn nhiều chi phí xây dựng chuồng trại, thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là rau củ, ngô, khoai, sắn…
Nếu mua một đôi nhím giống có giá 18 triệu đồng, mỗi năm nhím mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con, sau 3 tháng có thể xuất chuồng bán nhím giống với giá 15-20 triệu đồng/đôi. Nếu nuôi thương phẩm, trong vòng 6 tháng nhím có trọng lượng từ 15-20kg/con, giá bán thịt từ 500-800 nghìn đồng/kg; một đôi nhím thương phẩm có giá từ 15-32 triệu đồng. Chỉ trong khoảng 6 tháng, người nuôi nhím không chỉ thu đủ vốn mà còn cho thu lãi. Và nếu nuôi tiếp từ 12-15 tháng sẽ có thêm cặp nhím bố mẹ...
Chính vì lợi nhuận nhiều và nhanh như vậy nên nhiều hộ ồ ạt nuôi. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây giá nhím giảm mạnh, từ 15-20 triệu đồng một đôi nhím giống, đến nay chỉ còn 1,2-1,6 triệu đồng, nhím thương phẩm hiện còn 150-200 nghìn đồng/kg. Anh Vũ Văn Quynh, xóm 14, thôn An Đạo, xã Hải An (Hải Hậu) đầu tư nuôi 30 đôi nhím bố mẹ từ năm 2010, sau khi bán nhím giống gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng.
Khi thị trường tiêu thụ nhím giống giảm, ông chuyển sang nuôi nhím thương phẩm và duy trì nuôi thường xuyên 10 đôi nhím bố mẹ và 40 con nhím thương phẩm. Ông cho biết, với giá nhím thương phẩm hiện nay, sau 6 tháng nuôi, mỗi con cho thu lãi 400-500 nghìn đồng. Mặc dù có mối tiêu thụ nhưng lãi từ nuôi nhím vẫn ngày càng ít dần. Năm 2008, anh Phạm Văn Tuấn ở thôn Trung, xã Nam Cường (Nam Trực) đầu tư mua 3 cặp nhím giống ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) và đã gây dựng được 9 cặp nhím sinh sản.
Anh cho biết, thời điểm “sốt nhím” anh bán được 5 đôi nhím giống với giá 15 triệu đồng/đôi (3kg/con), đến tháng 8-2011 anh bán 12 đôi nhím chỉ có giá 5 triệu đồng/đôi (4kg/con), thậm chí đến thời điểm này giá nhím giống xuống thấp bằng giá nhím thương phẩm mà còn không tìm được đầu ra. Tình trạng trên dẫn đến nhiều hộ nuôi nhím đang gặp bế tắc “bán cũng dở, để cũng không được” bởi nếu bán sẽ không đủ vốn, mà càng nuôi thì càng lỗ.
Còn đối với các hộ mới tham gia nuôi nhím thì thiệt hại nặng nề hơn. Nhiều hộ đã vay hàng trăm triệu đồng để đầu tư nuôi nhím giống với hy vọng sẽ nhanh chóng làm giàu từ con nuôi đặc sản. Năm 2011, anh Vũ Văn Kết ở thôn Thạch Cầu và anh Đỗ Văn Tá ở thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) đầu tư 50-70 triệu đồng để nuôi nhím, nhưng đến thời điểm này các anh vẫn chưa thu được lãi do giá nhím thương phẩm xuống thấp, thậm chí các hộ không cho nhím sinh sản do không có thị trường tiêu thụ.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do thời gian mới xuất hiện mô hình nuôi nhím đã cho hiệu quả kinh tế cao mà không tốn công nuôi nên hàng loạt các hộ đã đầu tư nuôi nhím ồ ạt mà không định hướng được đầu ra. Suy thoái kinh tế, thu nhập giảm nên người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không có đầu ra và điều kiện kinh tế để duy trì đã phải “bán tống, bán tháo” để vớt vát đồng vốn chuyển sang sản xuất ngành nghề khác.
Khó khăn về đầu ra của con nhím hiện nay cũng là bài học cho nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh về việc lựa chọn nuôi con gì. Đối với các cấp, các ngành chức năng cần có biện pháp định hướng, chỉ đạo khuyến cáo cần thiết trước các phong trào chăn nuôi tự phát của người dân, tránh những thiệt hại không đáng có như trào lưu nuôi một số loại con nuôi đặc sản trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.
Xác định cây chuối là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên những năm gần đây diện tích trồng chuối ở xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tăng lên rất nhanh. Cuối năm 2012, toàn xã trồng được 1.000 ha thì đến những tháng đầu năm 2013 nhân dân đã trồng mới thêm 62 ha, nâng tổng diện tích cây chuối trên địa bàn lên 1.062 ha.