Giá / Mô hình kinh tế

Làng Nấm Được Tiếp Sức

Làng Nấm Được Tiếp Sức
Tác giả: 
Ngày đăng: 14/05/2012

Với 500 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay, các hộ trồng nấm ăn và nấm dược liệu xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Dự án sản xuất, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu do Hội ND tỉnh Thái Nguyên thực hiện ở xã Động Đạt. 17 hộ trồng nấm được vay vốn Quỹ HTND, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng trong 24 tháng.

Mở rộng sản xuất

Chúng tôi tới thăm cơ sở trồng nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Lý ở xóm Cây Châm - một trong những người đi đầu trong nghề trồng nấm ở huyện Phú Lương. Chị Lý cho hay: "Muốn đầu tư trồng nấm phải có nhiều vốn, khâu chuẩn bị phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao như nhà lạnh, lò hấp sấy, sàn ươm sợi.

Một số hộ trồng nấm chúng tôi đã liên kết với nhau, nhưng số vốn cũng chẳng đáng là bao. Được Quỹ HTND cho vay mỗi hộ 30 triệu đồng, lãi suất chỉ 0,8%/tháng, chúng tôi đã có tiền để đầu tư mở rộng cơ sở trồng nấm".

Cơ sở sản xuất nấm của gia đình chị Lý có diện tích 1.000m2, trước đây chị trồng hoa tuy lip nhưng khí hậu và đất đai không phù hợp nên chị chuyển sang trồng nấm linh chi, nấm sò, mộc nhĩ. Năm 2010, với giá bán 500.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 30.000 đồng/kg nấm sò, mộc nhĩ, trừ tất cả các chi phí, chị vẫn còn 200 triệu đồng.

"Cũng như các nông sản khác, giá nấm có lúc cao lúc thấp, nhưng trồng nấm không tốn diện tích và nếu chẳng may bị lỗ thì không nhiều như trồng hoa. Mùa đông là mùa ăn lẩu, có ngày gia đình tôi tiêu thụ tới 200kg nấm các loại" - chị Lý tiết lộ.

Anh Bùi Đức Vinh ở xóm Cây Châm - một trong những hộ tham gia tổ liên kết trồng nấm, cho biết: "Trước đây, nhà tôi làm ruộng và chăn nuôi. Thấy trồng nấm hiệu quả cao, vợ chồng tôi đăng ký vay Quỹ HTND tham gia tổ liên kết trồng nấm của xã. Tuy vụ đầu tiên lãi chưa nhiều nhưng tôi thấy trồng nấm không nhiều rủi ro như chăn nuôi".

Hợp tác trồng nấm

Chị Nguyễn Thị Nga - Tổ trưởng Tổ liên kết hộ ND trồng nấm, cho biết thêm: 17 hộ trồng nấm ở Động Đạt đã góp vốn, hình thành tổ liên kết. Tổng diện tích trồng nấm của các hộ là 12.000m2 với số vốn tự có là 320 triệu đồng cùng với 500 triệu đồng Quỹ HTND cho vay, các hộ đã đầu tư trang thiết bị, mua giống và nâng cao chất lượng trồng nấm.

Năm 2012, Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN) đầu tư cho Thái Nguyên 18 dự án, với tổng số vốn là 6,1 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/ tháng với thời gian vay từ 12 đến 36 tháng.

Anh Bùi Đức Phương - một thành viên trong Tổ liên kết trồng nấm - chia sẻ: "Trước đây cứ hết vụ cấy cày là tôi ra thành phố làm phụ hồ. Từ khi nhà tôi sản xuất nấm, nhất là được Quỹ HTND cho vay vốn, tôi không phải xa vợ con ra thành phố làm thuê nữa".

Ông Trần Văn Nguyên - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội tỉnh Thái Nguyên - bày tỏ: "Nguồn vốn từ Quỹ HTND của T.Ư Hội NDVN được ủy thác cho Hội ND tỉnh cho các gia đình hội viên vay để xây dựng các mô hình kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo, trong đó đầu tư dự án sản xuất nấm xã Động Đạt.

Với vốn vay ưu đãi này sẽ giúp các hộ nâng cao quy mô sản xuất và tổ chức sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, góp phần tạo nên những sản phẩm mang tính thương hiệu cho huyện Phú Lương".

Có thể bạn quan tâm

Ngậm Ngùi Vụ Tôm Trái Vụ Ngậm Ngùi Vụ Tôm Trái Vụ

Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm không thả nuôi tôm trái vụ để cải tạo ao đầm, nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới, bất chấp rủi ro dịch bệnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

14/05/2012
Bệnh Lạ Trên Tôm Hùm Ở Bình Ba Bệnh Lạ Trên Tôm Hùm Ở Bình Ba

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả phân tích 8 mẫu tôm hùm bị bệnh lạ tại thôn Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) cho thấy, 8 mẫu đều phát hiện có trùng lông ký sinh; 7/8 mẫu nhiễm mấm Fusarium (tác nhân gây bệnh đen mang), 5/8 mẫu nhiễm vi khuẩn Vibrio (tác nhân gây hoại tử gan tụy), không phát hiện thấy vi khuẩn ký sinh nội bào Rickettsia-like (tác nhân gây bệnh sữa).

14/05/2012
Sản Xuất Cá Giống Trong Tỉnh Cung Chưa Đủ Cầu Ở Dak Lak Sản Xuất Cá Giống Trong Tỉnh Cung Chưa Đủ Cầu Ở Dak Lak

Dak Lak được đánh giá là tỉnh nuôi trồng thủy sản phát triển nhất trong khu vực Tây Nguyên, với diện tích 9 nghìn ha. Năm 2012, sản lượng thủy sản Dak Lak đạt 14.450 tấn, lượng cá bột sản xuất 970 triệu con, nhưng số con giống sản xuất tại chỗ chỉ đạt 46 triệu con, mới đáp ứng được 59% nhu cầu con giống trong tỉnh.

14/05/2012