Giá / Mô hình kinh tế

Lận Đận Cây Sen

Lận Đận Cây Sen
Tác giả: 
Ngày đăng: 12/06/2013

Trước đây, diện tích cây sen ở 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) lên đến gần 300 hécta. Song hiện nay diện tích trồng sen còn lại rất ít và nhiều vùng trồng sen có nguy cơ bị xóa sổ.

Khoảng 3 năm trước, về xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), xã An Phước (huyện Long Thành) vào đầu mùa mưa, mọi người dễ dàng bắt gặp những ruộng sen trổ bông, tỏa hương thơm ngát. Không ít người dân Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh tìm về đây chỉ để ngắm những ruộng sen bạt ngàn đang trổ bông và thưởng thức món quê dân dã.

* Thời hoàng kim

Cây sen có mặt ở vùng đất Long Thành, Nhơn Trạch từ năm 1997. Thời điểm đó, có một doanh nghiệp đứng ra bao tiêu đầu ra cho hạt sen với giá cao, nhiều nông dân chuyển đổi cây lúa sang trồng sen. Sang năm 2002, công ty này ngưng mua hạt sen, nông dân vẫn trồng sen lấy ngó sen bán cho các mối lớn trong và ngoài tỉnh. Khi ấy giá ngó sen bán tại ruộng khoảng 16-18 ngàn đồng/kg nên thu nhập từ trồng sen cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Ngoài thu ngó sen, người dân còn tận dụng thu thêm được hạt, hoa để bán và nuôi cá ngay dưới ruộng sen. Những ruộng sen lớn chủ yếu nằm ở 2 xã Phú Hội và An Phước.

Ông Phạm Văn Dương, ấp Đất Mới, xã Phú Hội, kể: “Những năm trước, hơn 2 hécta ruộng của gia đình được tôi trồng sen và thả cá. Sen khi đó có giá, gia đình tôi kiếm được gần 100 triệu đồng/hécta/năm”. Theo ông Nguyễn Khánh Ly, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, thời điểm sen có giá, nơi nào trồng lúa chuyển đổi được, nông dân đều chuyển sang trồng sen vì thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đồng thời, trồng sen vào mùa mưa không lo ngập lụt. Nhưng hiện tại, đầu ra của cây sen khó khăn, đi kèm với sâu bệnh khiến nông dân phải bỏ dần cây sen.

* Bỏ sen, theo lúa

Một số nông dân từng trồng sen ở các xã Phú Hội, An Phước cho biết, giá hạt sen, ngó sen hiện chỉ còn 7 - 8 ngàn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với trước. Bên cạnh đó, 2 - 3 năm nay, sen bị bệnh thối lá, thối gốc làm năng suất giảm mạnh, lợi nhuận từ trồng sen chỉ còn 20 - 25 triệu đồng/hécta/năm. Ngoài ra, trồng sen đòi hỏi nhiều nhân công thu hái hàng ngày, trong khi thanh niên trong xã đa số đi làm công nhân, rất khó kiếm nhân công hái. Vì vậy, nông dân đành chuyển lại trồng lúa.

“Cách đây 3 năm, nhiều người dân trong xã chuyển từ đất lúa 1-2 vụ sang trồng sen lấy ngó và nuôi cá, thu nhập trên 100 triệu đồng/hécta/năm, cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Không hiểu sao, 2 - 3 năm lại đây đầu ra của cây sen hạn chế, nhiều hộ không bán được hàng đành quay lại trồng lúa” - ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch Hội nông dân xã An Phước, chia sẻ. Ông Lợi cũng cho biết thêm, quay lại trồng lúa đời sống của nông dân cũng chẳng khấm khá hơn, vì mấy năm nay giá lúa thấp. Nhưng người dân vẫn quay lại cây lúa do lúa không bán được còn có thể trữ lại, còn hạt sen, ngó sen đến thời điểm thu hoạch giá rẻ mấy cũng phải bán.

Ông Nguyễn Văn Trung, ở ấp Đất Mới, xã Phú Hội nói: “Gần 2 hécta sen của gia đình tôi vụ này đành phá bỏ để trồng lúa, nuôi vịt. Trồng lúa, nuôi vịt tuy chỉ lời được gần 10 triệu đồng/hécta/vụ nhưng vẫn còn cao hơn trồng sen”. Tìm hiểu qua một số thương lái chuyên mua ngó sen mới biết, nhu cầu tiêu thụ ngó sen, hạt sen ở TP. Hồ Chí Minh gần đây giảm mạnh, trong khi nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây đưa về khá nhiều nên giá giảm một nửa.

“Trước đây, vùng Phú Hội nổi tiếng nghề trồng sen. Diện tích trồng sen của cả huyện khi ấy hơn 200 hécta, nay chỉ còn gần 60 hécta và hầu hết không hiệu quả. Những diện tích còn để lại trồng sen đều là vùng trũng không thể trồng lúa. Nếu tìm được mô hình khác hiệu quả hơn chắc cây sen sẽ bị xóa sổ” - ông Lâm Ngọc Trao, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch, tiếc nuối.


Có thể bạn quan tâm

Độc Đáo Mô Hình Nuôi Gà Tre Thương Phẩm Theo Hướng An Toàn Sinh Học Độc Đáo Mô Hình Nuôi Gà Tre Thương Phẩm Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Ở Tiền Giang phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh, nhưng nuôi gà tre theo qui mô trang trại an toàn sinh học của cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt, ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo là một mô hình chăn nuôi độc đáo đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.

12/06/2013
Hiệu Quả Từ Câu Lạc Bộ Nuôi Trồng Rong Sụn Ở Ninh Hải (Bình Thuận) Hiệu Quả Từ Câu Lạc Bộ Nuôi Trồng Rong Sụn Ở Ninh Hải (Bình Thuận)

Nhận thấy một số hộ dân nuôi trồng rong sụn đạt hiệu quả kinh tế cao, tháng 7-2012, Hội Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận mở lớp nuôi rong sụn cho 33 hội viên nông dân ở địa phương.

12/06/2013
Nỗi Lo Dịch Cúm Gia Cầm Ở Bình Định Nỗi Lo Dịch Cúm Gia Cầm Ở Bình Định

Từ giữa tháng 3 đến nay, dịch cúm gia cầm (DCGC) đang tái phát trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện các địa phương đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, đây là điều kiện thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát tán, lây lan ra diện rộng do tình trạng vịt chạy đồng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo ngại nhất là sự chủ quan của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

12/06/2013