Giá / Tin nông nghiệp

Làm phân than sinh học từ mọi phế liệu nông - lâm nghiệp

Làm phân than sinh học từ mọi phế liệu nông - lâm nghiệp
Tác giả: Minh Tuấn
Ngày đăng: 11/10/2017

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, tác giả đề tài sản xuất phân bón biochar (than sinh học) từ vỏ trấu cho biết, có thể tạo phân biochar từ mọi thứ có nguồn gốc thực vật, cơ hội làm phân than sinh học ở khắp mọi nơi, miễn là ở đó có phế liệu nông lâm nghiệp.

Theo TS. Nghĩa, trong phạm vi đề tài, việc sử dụng trấu tạo ra phân biochar, nguyên liệu có rất nhiều, rất sẵn ở đồng bằng sông Cửu Long với mục đích nâng cao giá trị ngành trồng lúa. Biochar thực hiện bằng nguyên liệu trấu cho các thông số rõ ràng và thu được kết quả khá tốt trong thực hành sản xuất, nhất là trong hoa màu, cây ăn trái và đặc biệt cho sản xuất rau. Đề tài làm biochar cũng đã sử dụng các chất liệu hữu cơ khác để đối chứng và cũng đã cho kết quả khá tin cậy. "Trong thực tiễn, việc tạo than sinh học cho dù có sự khác nhau ở nguyên liệu đầu vào, sản phẩm cuối cùng là giống nhau", tiến sĩ chuyên ngành phân bón kết luận như vậy. Chất hữu cơ, nguyên liệu đầu vào của than sinh học đang nói ở đây bao gồm tất tần tật những gì có nguồn gốc thực vật như thân, cành, lá cây các loại, rơm rạ, thân và cùi bắp, cỏ các loại, vỏ hạt cà phê, đậu đỗ, mùn cưa, phoi bào, dăm gỗ vụn... Có thể mở rộng phạm vi áp dụng đề tài sản xuất phân bón từ vỏ trấu cho phù hợp với nguồn nguyên liệu có ở các địa phương, các nông hộ, từ đồng bằng, trung du tới miền núi. Điều quan trọng là ở thiết bị gia nhiệt và cách "om" sao cho các vật chất hữu cơ nói trên biến thành than đen trong khi còn giữ nguyên xác chứ không bị cháy đến mức nhuyễn ra như bụi trắng và không có tác dụng tốt nữa. 

Về ưu điểm của biochar, ông Nghĩa giải thích: "Với cấu trúc carbon xốp đạt mức nano tồn tại bền vững, biochar có tác dụng tăng độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt với các loại đất nghèo, đất có độ pH thấp". Biochar có thành phần chủ yếu là carbon, nên khả năng ngậm nước là tuyệt vời. Một kg than sinh học có thể "uống" tối đa 400 ml nước và nếu để ngoài tự nhiên một tuần lễ rồi đem cân lại cho thấy trọng lượng còn 1.350 g. Nước được chứa trong hàng trăm lỗ li ti/mm2 than sinh học và lượng nước từ bay đi mất rất ít, điều đó giúp đất trồng giữ nước cho cây ổn định sức khỏe và thực hiện tốt các quá trình phát triển. 

Theo ông Võ Tuấn Toàn, giám đốc Công ty phân bón Biffa, than sinh học kết hợp với phân cơ bản, bổ sung dưỡng chất cho đất sẽ làm tăng hiệu quả tối ưu trong trồng trọt. Carbon hữu cơ sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật trong đất, tạo môi trường cần thiết cho cây hấp thụ dinh dưỡng. Phân bón có thành phần than sinh học ngăn chặn sự phát triển của nấm bệnh tấn công bộ rễ, loại bỏ nguy cơ cây chết yểu. TS. Nguyễn Thu Hà, Viện thổ nhưỡng nông hóa cho rằng, bón than sinh học vào đất sẽ giúp hấp thụ các chất ô nhiễm như kim loại nặng, các độc tố khác của đất tự nhiên, tồn dư qua quá trình bón phân vô cơ và thuốc trừ sâu bệnh trong đất. Các nhà khoa học đã chứng minh bón biochar có thể làm tăng tuổi thọ của vi sinh vật trong đất, dẫn đến lưu trữ carbon cao hơn, yếu tố này cần thiết trong việc cân đối sinh thái đối với mọi loại cây trồng, nhất là đối với trồng rau quả.

Nguyên lý "ủ nóng" phế thải sản phẩm trồng trọt thành than sinh học như sau: tiến hành nhiệt phân ở nhiệt độ 400 - 5000C trong điều kiện yếm khí, các chất hữu cơ  bị "cháy âm", biến thành màu đen và trở thành than sinh học. Về thực hành, tùy thuộc vào mô hình sản xuất than sinh học, liên quan đến nguồn nguyên liệu có được mà áp dụng các phương pháp khác nhau. Ở quy mô trang trại, hợp tác xã, có thể xây lò bằng gạch, có nắp đậy kín tích hợp với ống thông hơi. Ở quy mô gia đình, áp dụng các lò ủ nhỏ hàn kín bằng tole, ống khói phía trên nóc, có lỗ châm lửa dưới đáy. Bên trong lò là các hộp chứa nguyên liệu làm than sinh học đặt trong ổ rơm, lá cây, khi đốt sẽ tạo nhiệt cho lò.

Sử dụng phân bón biochar không những giảm chi phí trong quá trình chăm sóc cây trồng còn tạo ra nếp sống mới theo ý nghĩa: "Sạch môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tạo ra sản phẩm an toàn".


Có thể bạn quan tâm

Chàng kỹ sư công nghệ thông tin thành công với nghề… nuôi lươn Chàng kỹ sư công nghệ thông tin thành công với nghề… nuôi lươn

Anh La Hữu Lộc là kỹ sư công nghệ thông tin đã bỏ công việc làm ở Singapore về Việt Nam thực hiện ước mơ nuôi lươn, mỗi năm lãi hơn 600 triệu đồng.

11/10/2017
Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 10 - 16/10) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 10 - 16/10)

Tại các tỉnh phía Bắc: Rầy tiếp tục hại trên các giống nhiễm, khả năng gây cháy ổ nhỏ nếu không phòng trừ kịp thời. Sâu đục thân 2 chấm gây bông bạc

11/10/2017
Nhiều lợi ích từ canh tác nông nghiệp hữu cơ Nhiều lợi ích từ canh tác nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, tuy nhiên, điều đáng buồn là những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao lại chưa có

11/10/2017