Làm nông nghiệp sạch với mô hình "Ruộng lúa bờ hoa"
Hoa được trồng trên bờ ruộng tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt.
Mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” được thí điểm tại cánh đồng lúa của HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền) từ vụ Đông Xuân 2011-2012. Thực tế cho thấy, mô hình này giúp giảm sâu bệnh trên cây lúa, nông dân tiết kiệm được chi phí và bảo đảm sức khỏe. Do vậy, thời gian tới, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt sẽ nhân rộng mô hình.
Vụ Đông Xuân 2011-2012, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” trên 10ha lúa của HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền). Với mô hình này, trên bờ ruộng, nông dân trồng một số loại hoa có thể chịu hạn tốt, có sức sống cao, ít tốn công chăm sóc và có thể ra hoa quanh năm như: Trâm ổi, lạc dại, sao nhái, xuyến chi, mè... Khi cây ra hoa sẽ tạo môi trường sống hấp dẫn thu hút các loài ong. Sau khi ăn phấn, mật hoa, ong sẽ tìm đến trứng và ấu trùng của rầy nâu đẻ trứng. Ong non sẽ ăn trứng hoặc ấu trùng rầy nâu. Đây là biện pháp kiểm soát rầy nâu ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao.
Ông Huỳnh Văn Chín, ấp An Trung, xã An Nhứt, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt, một trong những nông dân tham gia mô hình cho biết: “Tôi trồng 2ha lúa. Từ khi trồng các loại hoa trên bờ ruộng, gia đình tôi gần như không còn phải dùng thuốc trừ sâu, qua đó tiết kiệm được gần 1 triệu đồng/ha/vụ. Năng suất lúa cũng tăng từ 5 - 5,6 tấn/ha lên 6,4 - 6,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng gần 3 triệu đồng/ha/vụ so với trước đó”.
Theo ông Huỳnh Trung Đông, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt, mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân. Khi tham gia mô hình, nông dân giảm sử dụng các loại thuốc trừ sâu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm các loại rác thải (chai, lọ thuốc trừ sâu) gây hại cho môi trường.
Dù mang lại hiệu quả, nhưng do nhiều nguyên nhân nên mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” chưa được nhân rộng, thậm chí còn bị thu hẹp về diện tích. Từ 10ha ban đầu, hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt chỉ còn 1ha áp dụng mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”. Nguyên nhân chính là do mùa khô các năm 2013 - 2014, lượng nước về ruộng thiếu, đất khô cằn, khiến hoa chết. Bên cạnh đó, nhiều người vô ý thức đã lùa trâu bò dẫm đạp, ăn hết hoa.
Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt đang có kế hoạch khôi phục lại mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” nhằm phục vụ cho việc trồng lúa sạch. Ông Huỳnh Trung Đông cho biết thêm, HTX hiện có 20ha lúa đạt chuẩn VietGAP. Trong các tiêu chí của chuẩn VietGAP, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong canh tác được đặc biệt coi trọng. Chính vì vậy, việc duy trì và nhân rộng mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” sẽ giúp giảm lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng lúa. HTX đang xây dựng kế hoạch khôi phục lại mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” nhằm tăng diện tích lúa đạt chuẩn VietGAP. HTX đang vận động bà con xã viên tiến hành trồng hoa trên các bờ ruộng nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên, hạn chế sâu rầy tấn công ruộng lúa.
“Từ khi có nguồn nước từ hồ sông Ray, mùa khô không sợ thiếu nước như trước nữa, hoa trên các bờ ruộng cũng dễ chăm sóc hơn. HTX cũng sẽ vận động nông dân chăn thả gia súc đúng quy định, không phá hoại các hoa trồng trên bờ ruộng”, ông Huỳnh Trung Đông nói.
Có thể bạn quan tâm
AgraBurst PRO tăng năng suất đáng kể khi thử nghiệm trên đồng. Sản lượng tăng từ 15 – 40% tuỳ theo cây trồng và đất đai. Công nghệ mới kích tăng năng suất
Nhà nông Tiêu Văn Phước ở xã Nam Hà, Lâm Hà với tinh thần dám nghĩ, dám làm trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao, trong đó có nhiều giống bơ “thượng hạng”
Hạn chế về tài chính và kỹ thuật nên gần như không tự xây dựng về MRL được cho các nông sản xuất khẩu chủ lực (như gạo, thanh long, trà…)