Làm Giàu Từ Mô Hình Trồng Lạc Xen Chuối Tiêu Hồng
Từ nhiều năm nay, cây chuối tiêu hồng được người dân Khoái Châu (Hưng Yên) đem về trồng xen thêm các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, lạc, đậu, gừng… trên đất ruộng, trong đó chủ yếu là trồng lạc xen chuối. Cách làm này vừa tận dụng được diện tích đất nông nghiệp vừa phát huy tối đa hiệu quả cây trồng nên mang lại thu nhập cao cho người dân.
Hiện nay, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có trên 500 ha chuối tiêu hồng, trong đó diện tích chuối tiêu hồng có trồng xen lạc chiếm 40- 50%. Với lợi thế là vùng bãi ven đê, chủ yếu là đất cát pha, có thành phần cơ giới nhẹ, tơi, xốp rất thích hợp cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, nhất là cây chuối tiêu hồng và cây lạc nên từ lâu nông dân các xã Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập, Đông Ninh, Bình Kiều, Liên Khê… đã áp dụng mô hình lạc trồng xen chuối tiêu hồng để thu hiệu quả kinh tế cao.
Cây lạc được trồng cùng với cây chuối tiêu hồng vào tháng 1, tháng 2 dương lịch, đến tháng 4, tháng 5 khi thời tiết nắng nóng, lá lạc phát triển che phủ kín mặt đất sẽ hạn chế được sự bốc hơi nước để giữ ẩm cho cây chuối, hạn chế cỏ dại, giúp cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt, không bị cháy lá, táp lá hoặc bị chết. Không những vậy, việc trồng xen còn có tác dụng khi chăm sóc cho lạc thì cây chuối cũng được chăm bón. Lạc là cây họ đậu nên trong rễ, thân, lá có chứa vi khuẩn cố định đạm có thể bổ sung lượng đạm cho cây chuối.
Các giống lạc trồng xen thường là các giống mới như L18, L14 cho năng suất cao thay thế các giống lạc cũ năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh. Lạc trồng xen nếu được chăm sóc tốt thì cho năng suất cao không thua kém lạc trồng thâm canh. Vụ xuân năm nay, lạc trồng xen chuối tiêu hồng cho năng suất khoảng 2,5- 3 tạ củ tươi/sào, với giá bán hiện nay là 10.000 đồng/kg, mỗi sào trồng lạc cho thu nhập 2,5- 3 triệu đồng.
Mỗi sào trồng được 90- 95 cây, cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến trỗ vào trung tuần tháng 8 âm lịch nên sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Giá bán chuối tiêu hồng trong những dịp tết gần đây dao động ở mức 120- 150.000 đồng/buồng, cho thu 11 - 13,5 triệu đồng/sào. Như vậy, 1 sào lạc trồng xen chuối tiêu hồng có thể cho tổng thu nhập là 13,5- 16,5 triệu đồng.
Anh Ngô Văn Đám ở thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, một trong những người tiên phong đưa mô hình trồng lạc xen chuối tiêu hồng về vùng đất bãi nhớ lại: “Cây lạc, cây chuối tiêu hồng đều là những loại cây quen thuộc với bà con vùng đất bãi, nhưng nếu chỉ trồng thâm canh những loại cây này thì bà con quanh năm đầu tắt mặt tối, lao động vất vả thu nhập cũng không được bao nhiêu. Thấy cây chuối lúc mới trồng còn nhỏ, diện tích đất trống còn nhiều nên tôi trồng xen thêm cây lạc, không ngờ cách làm này mang lại lợi kép. Với 2 mẫu trồng lạc xen chuối tiêu hồng, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch đều khoảng 4 tấn lạc và 1800 buồng chuối, cho thu nhập từ 250- 300 triệu đồng”.
Gia đình anh Lê Văn Nông, ở xã Tân Châu là một trong những hộ áp dụng thành công mô hình trồng lạc xen chuối tiêu hồng. Nói về hiệu quả từ mô hình này mang lại, anh Nông cho biết: “Chuối và lạc đều là những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc lại rất hợp với thổ nhưỡng của vùng đất bãi như Tân Châu. Trước đây gia đình tôi chỉ trồng thâm canh một loại cây như lạc, đỗ tương, cây thuốc bắc cho hiệu quả kinh tế thấp.
Qua sách báo và tham quan một số mô hình trồng lạc xen cây chuối tiêu hồng của các hộ nông dân trong huyện, thấy được hiệu quả kinh tế cao nên từ hơn 10 năm nay gia đình tôi chuyển sang trồng lạc xen chuối tiêu hồng trên 5 mẫu đất ruộng. Không những mang lại thu nhập cho nông dân mà lạc trồng xen chuối còn tận dụng được diện tích đất trống lại vừa giữ ẩm, giữ chất dinh dưỡng giúp chuối phát triển tốt. Từ 5 mẫu trồng lạc xen chuối tiêu hồng, mỗi năm gia đình tôi thu nhập được khoảng 650 - 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí cho lãi từ 250 - 300 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đưa mô hình trồng lạc xen chuối tiêu hồng vào áp dụng trên vùng đất bãi là hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Trong những năm qua, phòng luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giống các loại cây này và chuyển giao KHKT cho bà con nông dân.
Đến nay huyện đã hình thành được những vùng xen canh trồng lạc và chuối tiêu hồng có quy mô, diện tích tương đối ổn định. Để mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Chúng tôi khuyến cáo bà con sau khi thu hoạch lạc nên ủ dây lạc làm phân xanh bón lại cho chuối nhằm vừa hoàn trả chất dinh dưỡng cho đất, vừa tận dụng phân bón thân thiện với môi trường”.
Việc tìm ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện thổ những, khí hậu và tập quán canh tác của bà con từng địa phương luôn là bài toán khó. Mô hình trồng lạc xen chuối tiêu hồng không chỉ tận dụng được quỹ đất mà còn giúp người nông dân tận dụng được nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho chuối, tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây trồng. Nếu các địa phương biết áp dụng các biện pháp xen canh hợp lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Năm 2013, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ngành thủy sản khuyến cáo không mở rộng diện tích nuôi tôm sú mà chỉ giữ diện tích nuôi tương đương với năm 2012 là 580.000 ha. Vùng nuôi tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; trong đó, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi lớn nhất với 265.650 ha.
"Giá heo hơi liên tục sụt giảm, giá bán ra không bằng giá thành sản xuất nên người chăn nuôi đang lỗ nặng. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì nguy cơ giảm tổng đàn thiếu nguồn cung là không tránh khỏi”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định.