Giá / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Trên Vùng Sỏi Đá

Làm Giàu Trên Vùng Sỏi Đá
Tác giả: 
Ngày đăng: 29/07/2013

Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.

Trao đổi với Phạm Văn Tiến bên vườn nho dại chuẩn bị ghép gốc NH 01-48, chúng tôi được biết quê gốc của anh ở phường Bảo An, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Năm 1976, ba mẹ anh lên Nhị Hà lập nghiệp sinh trưởng công dân Phạm Văn Tiến. Gia đình đông con, kinh tế khó khăn, anh học hết lớp bảy rồi xếp bút nghiên ở nhà phụ giúp ba mẹ làm thuê kiếm sống. Năm 22 tuổi, anh lập gia đình với cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngọc Hồng. Thôn Nhị Hà 1 không còn đất thổ cư, anh đưa vợ ra gộp đá đầu làng che lên căn nhà chòi vách đất ở tạm.

Vợ chồng hôm sớm chăm lo làm ăn với ý chí vươn lên làm giàu, anh đã biến vùng sỏi đá tục danh Xóm Chùa thành những thửa đất xanh biếc vườn nho, ruộng lúa. Phạm Văn Tiến được bầu chọn nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Anh là tuyên truyền viên khuyến nông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con thôn xóm vươn lên làm ăn chung tay xây dựng nông thôn mới.

Buổi đầu khởi nghiệp không có “cục đất chọi chim”, Phạm Văn Tiến đã lần hồi khai hoang san ủi những gộp đá quanh nhà. Làm ăn tích lũy vốn liếng, anh thuê máy đào đá, chở đất san lấp cải tạo thành đất sản xuất. Sau 15 năm kiên trì quyết chí “khai hoang” gộp đá, anh là ông chủ của trên 1 ha đất chuyên trồng cây nho xanh và các loại hoa màu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh đào 5 sào ao chứa nước và hệ thống kênh mương chủ động bơm tưới cho đất canh tác. Khi mới vào nghề trồng nho, anh tìm gặp cán bộ khuyến nông học hỏi kỹ thuật tiên tiến và lặn lội đến những chủ vườn tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc phòng trừ bệnh hại theo hướng sinh học. Từ 3 sào đất trồng nho đầu tiên năm 2003, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 7 sào. Cây nho sau 6-7 năm tuổi là già cỗi, anh đào gốc trồng mới nho tơ ít sâu bệnh hại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh canh tác cây nho theo hướng sinh học đạt năng suất 1,5- 2 tấn/vụ/sào. Trừ hết chi phí đầu tư sản xuất, anh còn lãi ròng mỗi năm trên 200 triệu đồng. Anh vừa xây dựng nhà ở mới khang trang có diện tích sử dụng 120 mét vuông trị giá 240 triệu đồng nhưng anh vẫn giữ căn chòi vách đất thuở khởi nghiệp để làm…kỷ niệm.

Phạm Văn Tiến đưa chúng tôi ra đồng “tận mục sở thị” hệ thống thủy lợi do anh tự bỏ vốn đầu tư chủ động bơm tưới cho những vườn nho, ruộng lúa. “Em tiếp tục thuê xe đào san bằng gộp đá này tốn khoảng 50 triệu đồng. Đất khai hoang từ sỏi đá rất thông thoáng cây nho sinh trưởng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Làm theo lời Bác Hồ dạy thanh niên không có việc gì khó nên em quyết tâm vươn lên làm giàu trên vùng sỏi đá xã Nhị Hà”, chỉ tay vào gộp đá rộng khoảng 300 mét vuông bên ruộng lúa vụ đông xuân xanh biếc, Phạm Văn Tiến bộc bạch niềm vui.


Có thể bạn quan tâm

BRF-02-AQUAKIT Tại Quy Nhơn BRF-02-AQUAKIT Tại Quy Nhơn

Đầu tháng 3/2000, Phòng NN - PTNN Thành phố phối hợp với Tổng đại lý phân phối BRF-02 AQUAKIT đã tổ chức hội thảo với hơn 80 hộ nuôi tôm ở Quy Nhơn về các mô hình nuôi tôm thí điểm dùng chế phẩm BRF-02 AQUAKIT. Đa số những người tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng với chế phẩm BRF-02 AQUAKIT, nghề nuôi tôm ở Quy Nhơn đang có một triển vọng rất khả quan.

29/07/2013
Làm Giàu Từ Vùng Chiêm Trũng Làm Giàu Từ Vùng Chiêm Trũng

Trên khu đồng trũng, cấy lúa quanh năm mất mùa, gia đình anh Nguyễn Văn Trực và chị Vũ Thị Vụ, thôn 3, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã mạnh dạn nhận xin dồn đổi ruộng làm trang trại. Đến nay, trang trại nuôi vịt, lợn kết hợp thả cá của gia đình anh Trực cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng mỗi năm.

29/07/2013
Tôm Càng Xanh Đang Vào Thời Điểm Thu Hoạch Rộ Ở Đồng Tháp Tôm Càng Xanh Đang Vào Thời Điểm Thu Hoạch Rộ Ở Đồng Tháp

Mùa lũ năm nay, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có tổng diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa khoảng 170 ha, tập trung ở các xã: Tân Hội, Bình Thạnh và An Bình B. Trong đó, địa phương thả nuôi nhiều nhất là xã Bình Thạnh, với trên 100 ha. Thời điểm này, các hộ nuôi đang bước vào thu hoạch rộ.

29/07/2013