Giá / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Trên Quê Hương Biên Giới

Làm Giàu Trên Quê Hương Biên Giới
Tác giả: 
Ngày đăng: 28/06/2013

Vài năm trở lại đây, kinh tế xã hội của xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã có những bước phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay giảm còn hơn 30%, trở thành xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành tựu đó là nhờ phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình mạnh mẽ trên địa bàn xã đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và trở nên khá giả. Trong đó, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, ở bản Mường Nhé là một điển hình trong phát triển kinh tế hộ.

Quê hương ở vùng đất trung du Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình chị Hoa rất nghèo, tất cả chỉ trông vào mấy sào ruộng, dù năm nào được mùa đến mấy cũng chỉ đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Bằng phẩm chất cần cù, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thoát nghèo, năm 2006 qua người thân giới thiệu, vợ chồng, con cái nhà chị Hoa dắt díu nhau lên mảnh đất biên giới Mường Nhé lập nghiệp.

Sau gần 9 năm chịu thương chịu khó đến nay gia đình chị đã có một cơ ngơi đàng hoàng, con cái đều trưởng thành. Tất cả đều nhờ vào mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch và trồng rau sạch. Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: Khi mới lên đây lập nghiệp, mảnh đất này còn hoang vu lắm. Khu đất gia đình chị mua chỉ toàn tre nứa và đá, sỏi. Phải mất rất nhiều công sức cộng với sự cần cù, chịu khó gia đình chị mới tạo dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Trang trại của gia đình chị Hoa nằm ven tỉnh lộ Mường Nhé đi Điện Biên. Hiện khu chăn nuôi của chị có 6 con lợn nái và trên 100 con lợn thịt. Thức ăn của lợn được gia đình tự chế biến từ nông sản thu mua của dân sở tại. Nhờ vậy chi phí chăn nuôi thấp, thịt lại đảm bảo chất lượng. Do chủ động được nguồn giống và tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình nên từ trước đến nay trang trại của gia đình chị Hoa chưa từng xảy ra dịch bệnh. Mô hình trang trại được đầu tư xây dựng quy củ và sạch sẽ. Vấn đề xử lý chất thải và vệ sinh luôn được chú trọng, vì vậy môi trường không bị ô nhiễm.

Mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đinh chị thu lãi trên 150 triệu đồng. Bên cạnh việc chăn nuôi lợn, gia đình chị Hoa còn tận dụng chất thải của chăn nuôi để trồng hơn 10.000m2 các loại rau, màu cung cấp cho thị trường trong huyện. Vườn rau của gia đình chị nhờ được chăm sóc tốt nên lúc nào cũng có nguồn rau xanh cung cấp ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu hoạch từ trồng rau mỗi năm cũng đạt vài chục triệu đồng.

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Hoa luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con nông dân ở địa phương về con giống, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế. Mô hình kinh tế của gia đình chị luôn là điểm đến của bà con trong xã và các khu vực lân cận để học tập kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo.


Có thể bạn quan tâm

Về Ia Kly Gặp “Đại Gia” Sầu Riêng Về Ia Kly Gặp “Đại Gia” Sầu Riêng

(GLO)- Một lần ra chợ chọn mua quả sầu riêng đẹp, tôi được người bán hàng nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là sầu riêng vườn ông Ri nên anh cứ yên tâm về chất lượng”. Tính tò mò đã dẫn tôi đến làng Klã, xã Ia Kly, huyện Chư Prông “mục sở thị” nhân vật có tên Ri và vườn sầu riêng mang tên anh.

28/06/2013
Xây Dựng Mô Hình Nuôi Rắn Mối Đầu Tiên Của Tỉnh Thừa Thiên Huế Xây Dựng Mô Hình Nuôi Rắn Mối Đầu Tiên Của Tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội nông dân TX Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vừa triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi rắn mối thương phẩm cho nông dân phường Hương Văn”.

28/06/2013
Xuất Hiện Chủng Virus Cúm Gia Cầm Mới Xuất Hiện Chủng Virus Cúm Gia Cầm Mới

Tại cuộc họp diễn ra chiều 2/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết: Virus cúm gia cầm đã xuất hiện chủng mới H7N9 gây tử vong 2 người ở Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta qua đường gia cầm nhập lậu.

28/06/2013