Làm Giàu Nhờ Bồ Câu
Với bản tính cần cù, chịu khó, cựu chiến binh Ngô Đình Sáu (thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi bồ câu thương phẩm.
Trở về từ chiến trường K (Campuchia) năm 1983, ông Sáu bắt đầu nuôi gà, tuy nhiên khi khởi nghiệp mô hình này không suôn sẻ. Ông cho biết: “Nuôi gà gặp rất nhiều khó khăn. Hồi đó kỹ thuật chưa có, chủ yếu là tự thân vận động, bằng những phương pháp truyền thống nên gà hay bị dịch bệnh, có năm mất trắng…”.
Nuôi gà không hiệu quả, ông quyết tìm con đường khác để mưu sinh. Biết đồng đội của mình đang thành công với mô hình nuôi bồ câu ở tận miền Tây, ông tìm đến tham khảo. Năm 2000, ông trở về địa phương và bắt đầu nuôi thử nghiệm. Lúc đầu, ông tự đan, hàn, thiết kế những chiếc lồng để nuôi theo cặp (mỗi cặp nhốt trong một lồng, có 1 con trống và 1 con mái).
Năm năm sau, vừa nuôi nhân giống, vừa bán thịt, số lượng bồ câu của ông lên đến 1.000 cặp. “Nuôi bồ câu rất khó. Người nuôi cần phải chăm sóc thật kỹ, mới có thể thu lợi được. Nếu đặt hàng làm những chiếc lồng để nuôi thì chi phí sẽ rất cao, lợi nhuận thu được cũng bị giảm đi.
Chính vì vậy, bằng những kinh nghiệm học được và với những gì đã trải qua, tôi tự thiết kế những chiếc lồng để nuôi. Bồ câu là loại ít xảy ra dịch bệnh, nhưng không phải không có, cần phải thiết kế chuồng trại hợp lý, sạch sẽ, khô thoáng mới đạt được hiệu quả cao. Hơn nữa, nếu không cho nó uống nước đúng giờ, đảm bảo độ ấm… thì bồ câu sẽ không đẻ được. Nói chung, người nuôi phải có đủ độ kiên nhẫn mới thành công” - ông Sáu nói.
Từ 15 cặp bồ câu đầu tiên, đến nay trang trại của ông đã có gần 2.000 cặp, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Trung bình mỗi cặp bồ câu một tháng rưỡi sinh sản một lần, mỗi lần 2 con, 20 ngày sau có thể bán thịt; còn bồ câu giống thì khoảng 2 tháng xuất chuồng. Bồ câu bán thịt giá thị trường hiện khoảng 80 – 110 nghìn đồng/cặp, bồ câu giống khoảng 220 nghìn đồng/cặp.
Mỗi lần xuất chuồng 1.000 cặp, gia đình ông thu về trên dưới 100 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ trại bồ câu lồng của gia đình hơn 150 triệu đồng. Kinh tế gia đình cũng được nâng lên. “Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ nguồn lợi thu được tôi tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, phát triển trang trại nuôi bồ câu ngày một rộng thêm. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tìm tòi để có thể mở rộng cơ sở một cách có hiệu quả hơn nữa…” - ông Sáu tâm sự.
Ông Sáu đã xây dựng hẳn một trại gây giống bồ câu với số lượng vài trăm con, chuyên cung ứng bồ câu giống cho một số tỉnh, thành trong nước. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu “Sáu bồ câu” được đông đảo khách hàng gần xa biết đến. Không ít doanh nghiệp tìm đến ông đặt mua con giống và bồ câu thịt để xuất khẩu với số lượng cả nghìn con mỗi năm.
Ông Nguyễn Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết: “Trang trại nuôi bồ câu thương phẩm của anh Ngô Đình Sáu là mô hình kinh tế hộ điển hình mang lại lợi ích kinh tế rất cao, từ đó có thể nhân rộng. Xã Điện Phong đang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, những tấm gương điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi như vậy cần nhiều hơn nữa, để tạo được một phong trào thi đua đạt hiệu quả cao”.
Nhiều năm liền, ông Ngô Đình Sáu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh... Đó là phần thưởng xứng đáng cho người cựu chiến binh biết cách vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu. Giờ đây, ông chỉ mong muốn tự dựng “thương hiệu” cho mô hình nuôi bồ câu. “Phải định hướng như vậy mới có thể phát triển mạnh mẽ được. Ở Quảng Nam mình, người nông dân đã làm được thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý thì giờ đây tôi vẫn muốn phát triển bồ câu của địa phương theo hướng như thế” - ông nói.
Có thể bạn quan tâm
Tuy là phận nữ nhi, nhưng chị Đoàn Thị Hoa (36 tuổi) ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, không kém cánh mày râu, đã năng động, mày mò xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, để hàng tháng thu lãi từ rau cải khoảng 15 triệu đồng.
Tôm chết kéo dài, không còn vốn tái sản xuất, kinh tế gia đình gặp khó khăn, nhưng người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) vẫn phải mỏi mòn chờ số tiền được chi trả theo hợp đồng bảo hiểm. Nó giống như một món nợ xấu mà trước nay nông dân mới lần đầu gặp phải.
Chỉ còn hơn một tháng nữa, vụ nuôi tôm thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ bước vào thu hoạch. Tuy vậy, suốt gần một tuần qua, mưa lớn kéo dài đang khiến cho người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) như ngồi trên đống lửa, bởi mưa lớn bất thường kèm bão sẽ làm thay đổi nguồn nước nuôi tôm, khả năng thất bát là rất lớn.