Làm Gì Để Thúc Đẩy Sản Xuất Nông Nghiệp “Mũi Nhọn”?
Điện Biên được đánh giá có tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thì tỉnh ta còn có nguồn nhân lực dồi dào. Song, giải pháp nào để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp “mũi nhọn” cho địa phương - ngành “trụ cột” của tỉnh nhà là bài toán nan giải…
Khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm trong công cuộc lựa chọn cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Song thực tế cho thấy, vẫn chưa tạo được dấu ấn đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Minh chứng cho điều đó là người dân vẫn chưa tìm được lối ra khi thực tế gạo đặc sản Điện Biên, cà phê Mường ảng, chè shan tuyết Tủa Chùa vẫn chưa có “thương hiệu” theo đúng nghĩa.
Và tình trạng vẫn thường xảy ra đó là nông sản “được mùa mất giá”. Người nông dân “năm nắng mười mưa” mới làm ra hạt thóc, hạt cà phê, song giá cả lại phụ thuộc vào thị trường. Điều đó thực sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người nông dân chiếm trên 80% số dân của tỉnh. Vụ lúa đông xuân năm 2012 – 2013 vùng lòng chảo Điện Biên không chỉ giảm năng suất mà còn mất giá, tư thương vắng bóng thu mua là nỗi buồn không chỉ cho người trồng lúa Điện Biên mà còn là trăn trở cho gạo đặc sản tỉnh ta.
Vụ trước khi giá thóc bắc thơm số 7 trung bình từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, thì vụ này chính vụ rồi cuối vụ giá cũng chỉ đạt 8.500 – 9.000 đồng/kg. Không những thế, người làm ra hạt thóc lại khó bán nông sản. Lý giải nguyên nhân thì không ít, nhưng tựu trung vẫn chỉ là phụ thuộc vào yếu tố thị trường, tư thương dưới xuôi không thu mua thì chỉ còn cách bán lẻ, bán dạo…
Tương tự như vậy, khai thông thị trường tiêu thụ nông sản đang là nhu cầu bức thiết đặt ra với sản phẩm cà phê Mường ảng, chè Shan tuyết Tủa Chùa. Khi tình trạng nông dân bị tư thương ép giá xảy ra không ít, chè Shan tuyết Tủa Chùa vào chính vụ thu hái không kịp chế biến đã từng xảy ra.
Dù cà phê, chè có được mùa mà vắng tư thương, doanh nghiệp thu mua thì người trồng chè, người trồng cà phê cũng chẳng thể dùng thay gạo, thay ngô cho hết. Chung quy, thua thiệt vẫn thuộc về nông dân. Chính vì vậy, khai thông thị trường nông sản được xem là vấn đề mấu chốt hiện nay trong giải bài toán thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp
Dù được xác định có tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Song trên thực tế theo đánh giá của cơ quan chức năng, Điện Biên không chỉ hạn chế về tỷ lệ che phủ rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng mà tiến độ giao rừng cũng rất chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, chính sách cho đầu tư khai thác chế biến gỗ chưa đủ mạnh… chưa thực sự hấp dẫn, khuyến khích doanh nghiệp.
Chính vì vậy, đến nay dù tỉnh đã cấp 18 giấy phép đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng và trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy khai thác chế biến gỗ với công suất khá lớn, thu mua sản phẩm cho người dân (đó là Nhà máy ván sàn tre và ghép thanh của Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên và Nhà máy ván dăm của Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc); thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, chủ yếu sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới... Nhưng đến nay chưa có vùng nguyên liệu để đáp ứng công suất hoạt động của nhà máy nên nhà đầu tư chưa khai thác tối đa công suất lắp đặt cũng như sinh lời từ nguồn vốn bỏ ra khi đầu tư.
Trong khi, 18 doanh nghiệp được cấp phép để trồng rừng vì nhiều nguyên nhân nên đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện dự án. Ví như, tại huyện Điện Biên Đông hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất song đến nay chưa thực hiện được do chưa hoàn thiện việc giao đất giao rừng cho các hộ, nhóm hộ; vướng mắc trong việc quy hoạch giao đất, giao rừng. Do đó các nhà đầu tư được cấp phép về dự án trồng rừng khó thực hiện…
Đánh giá tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, trong chuyến công tác kiểm tra, đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh ta tháng 3/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Việc cần làm ngay đối với tỉnh Điện Biên đó chính là ưu tiên rà soát lại các nguồn lực đầu tư phát triển rừng, chú trọng theo hướng sản xuất gỗ lớn, phát triển rừng gần các tuyến giao thông thuận tiện cho quá trình chăm sóc, vận chuyển và khai thác.
Cùng với đó là tập trung trồng vùng nguyên liệu để đáp ứng sản phẩm cho 2 nhà máy chế biến gỗ, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và khai thông thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông sản, đặc biệt là nông sản thế mạnh, đặc sản. Làm được như vậy, cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ngoài hơn 50ha quýt đường của gần 100 hộ dân được trồng xen với cây lá dừa nước của hợp tác xã Thuận Phú (ấp Long Trị, xã Bình Phú, Càng Long) đã “ăn nên làm ra” (bình quân 01ha, nhà vườn thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm) thì địa bàn huyện Càng Long còn khoảng 200ha vườn cây có múi được trồng rải rác (chanh, bưởi, quýt, cam...các loại) ở các xã trong huyện. Đặc biệt, do những năm qua, một số trái cây: Xoài, dừa, chanh… giá không ổn định, nhà vườn Càng Long có hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bưởi da xanh được chọn làm cây trồng chủ lực. Từ đó, bưởi da xanh “đứng đầu bảng” về giá (đối với cây có múi), nhưng năm nay, dịch bệnh đã tấn công mạnh, làm cho nhiều nhà vườn lúng túng, không chống chọi nổi, đang rất cần nhà khoa học vào cuộc.
Mới đây, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang diễn ra Hội nghị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 - 2015). Hiệp hội ra đời vào thời điểm ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, từ người nuôi đến doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý đều mong mỏi Hiệp hội sẽ là cầu nối vững chắc để sắp xếp, ổn định lại trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia.