Giá / Tin thủy sản

Kỳ tích mới của cá tra Việt Nam

Kỳ tích mới của cá tra Việt Nam
Tác giả: Ngọc Trinh
Ngày đăng: 04/01/2019

2018 được nhận định là một năm thành công của ngành hàng cá tra, không chỉ giá cá tra nguyên liệu lập kỷ lục mà xuất khẩu cũng ghi dấu ấn đậm nét với tổng kim ngạch dự kiến vượt 2 tỷ USD.

Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 125 thị trường trên thế giới 

Sản xuất khởi sắc

Thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 10 tháng năm 2018 ước 1.106,4 nghìn tấn, tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp đạt 362,5 nghìn tấn, tăng 4,5%; An Giang 283,9 nghìn tấn, tăng 19,3%; Bến Tre 172 nghìn tấn, tăng 5,8%. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng mạnh tới 24% lên ngưỡng 1,8 tỷ USD; đặc biệt, Trung Quốc nổi lên là thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 437,9 triệu USD, tăng 30,6% so cùng kỳ năm 2017.

Hiện tại, xuất khẩu tăng mạnh trong khi nguồn cung cá tra nguyên liệu không đủ cầu đã đẩy giá cá nguyên liệu tăng trung bình 3.000 - 4.000 đồng/kg so đầu năm, người nuôi lãi 10.000 - 11.000 đồng/kg. Đặc biệt, cá tra quá lứa (4 - 5 kg/con) cũng tăng giá bất ngờ, có lúc lên 40.000 - 45.000 đồng/kg do thương lái Trung Quốc săn lùng. Đặc biệt, những tháng cuối năm là mùa xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam nên nhu cầu nhập khẩu cá tra của các nước sẽ tăng mạnh. 

Các cơ quan quản lý thủy sản địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi. Hiện, ĐBSCL có 4.860 ao nuôi đã được cấp mã số nhận diện, trong đó Đồng Tháp: 1.642 ao, Cần Thơ: 912 ao, An Giang: 791 ao, Vĩnh Long 680 ao, Bến Tre 611 ao, Tiền Giang 143 ao, Sóc Trăng 81 ao. Bên cạnh đó, NAQIAD cũng thực hiện kiểm tra, đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra fillet xuất khẩu và kiểm tra hồ sơ của cơ sở chế biến nhằm đảm bảo có thể truy xuất đến cơ sở nuôi đã được cấp mã số” ông Luân thông tin. Là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn tại ĐBSCL, diện tích nuôi cá tra của An Giang đạt tiêu chuẩn 408,7 ha, trong đó tiêu chuẩn ASC 101,66 ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 21,91, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 285,13 ha... Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp 121 giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra, với số ao nuôi cá tra của doanh nghiệp là 435 ao tương ứng diện tích 478 ha và số ao nuôi cá tra của nông hộ là 424 ao tương ứng diện tích 284,7 ha.

Cùng với đó, việc xây dựng Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững.

Triển vọng năm 2019

Cá tra được xem là sản phẩm lợi thế của Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường thế giới như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông; sự đa dạng về thị trường tiêu thụ thể hiện người tiêu dùng yêu thích về giá trị dinh dưỡng và văn hóa ẩm thực đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Mặt khác, thị trường cá tra toàn cầu còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong những năm tới, ít nhất đến năm 2025 cá tra được đưa vào làm nguyên liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, thực phẩm chức năng...

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết có nhiều ý kiến phân tích, dự đoán năm 2019 cá tra xuất khẩu về cơ bản gặp nhiều thuận lợi. Nhất là nếu mức thuế chống phá giá tại thị trường Mỹ (vào giữa năm tới công bố) vẫn duy trì mức thấp. Vừa qua, sau khi thông tin về việc công nhận cá tra Việt Nam tương đồng với cá da trơn tại Mỹ (theo đạo luật Nông trại Farm Bill) thị trường xuất sang Mỹ đang tăng trở lại. Các thị trường lớn khác như các nước EU đang tăng trở lại; Trung Quốc vẫn giữ nhịp tiêu thụ tốt. Theo đó, nên duy trì mức sản lượng 1,3 - 1,35 triệu tấn/năm. Tập trung nâng cao chất lượng đàn cá nuôi, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn nữa từ cá tra như: sản phẩm cá tra tinh chế, collagen, dầu cá, bột cá, xương cá… để tăng kim ngạch xuất sản phẩm thô.

Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố các mức thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam giảm so trước đó, cùng với việc Cục Kiểm tra ATTP (FSIS) công nhận Việt Nam đủ điều xuất khẩu cá và sản phẩm cá họ Silurifomes (trong đó có cá tra, basa) sang Mỹ theo Chương trình thanh tra cá da trơn, cũng là những điểm thuận lợi cho thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2019. Đại diện một số doanh nghiệp cá tra cho rằng, từ nay đến hết năm, giá xuất khẩu cá tra vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng cuối năm và sẽ cán đích với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so năm 2017.

Box: ĐBSCL hiện có 174 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu; trong đó, 170 doanh nghiệp chế biến cá tra đông lạnh, 3 doanh nghiệp chế biến đầu cá và 1 doanh nghiệp chế biến sản phẩm collagen. Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 125 thị trường trên thế giới. 


Có thể bạn quan tâm

Nuôi loài cá Nuôi loài cá "nhát chết", khó về con giống nhưng dễ bán giá cao

Cá bông lau là loài cá "nhát chết" nên rất hạn chế quăng chài thử cá. Mỗi khi ao nuôi có động tĩnh gì là loài cá này bỏ ăn vài ngày, thậm chí đến nửa tháng...

04/01/2019
Nuôi tốt không sợ mất giá Nuôi tốt không sợ mất giá

Mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hòa thu hoạch tôm vào thời điểm giá giảm sâu nhưng vẫn có được mức lãi 100 triệu đồng chỉ với 6.000 m2 ao nuôi.

04/01/2019
Khả năng mở rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP Khả năng mở rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân các địa phương tại Thanh Hóa.

04/01/2019