Giá / Trồng lúa

Kỹ thuật thu hoạch và phơi sấy lúa Japonica nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch

Kỹ thuật thu hoạch và phơi sấy lúa Japonica nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch
Tác giả: Thu Huyền
Ngày đăng: 23/05/2020

Tổn thất sau thu hoạch của ngành lúa gạo khoảng 14% tương đương với hàng nghìn tỷ đồng bị mất mỗi năm, chủ yếu ở các khâu thu hoạch, phơi và sơ chế, bảo quản

Phơi lúa dày dưới nắng vừa phải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình bảo quản, sau một thời gian nhất định hạt thóc thường bị một số hiện tượng như nấm mốc, lên men, nhiễm sâu mọt…khiến chất lượng giảm do mất hàm lượng các chất dinh dưỡng bên trong, giá trị thương phẩm cũng bởi vậy mà giảm theo khá nhiều, thậm chí rất khó bán.

Thóc Nhật nhiều dinh dưỡng thì càng dễ bị tổn thất so với thóc thường. Vì vậy việc giảm tổn thất sau thu hoạch lúa là việc làm hết sức cần thiết, đó chính là chống mất mùa trong nhà, là nâng cao hiệu quả kinh tế mà không cần tăng diện tích trồng trọt.

Từ năm 2019 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã được phân công việc triển khai kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica (lúa Nhật) hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Ngoài chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì Hà Nội cũng đã chú trọng đến việc giảm tổn thất sau thu hoạch lúa Japonica bằng việc tuyên truyền, phổ biến về kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy lúa đúng cách, hỗ trợ các máy móc, thiết bị để hình thành nên các cơ sở sấy, sơ chế, bảo quản tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm giúp hạn chế tối đa tổn thất trong quá trình thu hoạch và bảo quản lúa.

Để khắc phục và giúp làm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, bảo quản và lưu thông thóc, gạo Japonica, bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật cơ bản sau để bảo quản lúa cho phù hợp với điều kiện của hộ gia đình mình. Có thể tóm tắt quy trình như sau: THU HOẠCH - PHƠI, SẤY - LÀM SẠCH - BẢO QUẢN

1. Thu hoạch

- Thời điểm thu hoạch

Bà con nông dân nên thu hoạch lúa đúng độ chín, khi quan sát đồng ruộng thấy chín từ 85 - 90% là có thể thu hoạch. Không nên để lúa quá chín mới gặt vì sẽ làm tăng tỷ lệ rơi rụng hạt. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để thu hoạch, tránh những thất thoát do điều kiện thời tiết bất lợi gây ra.

- Phương pháp thu hoạch:

Hiện nay đa số lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên giảm nhiều khâu so với phương pháp cổ truyền (cắt bằng tay), điều này cũng góp phần làm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch.

2. Phơi, sấy

Lúa mới thu hoạch có độ ẩm cao nên nếu không phơi, sấy kịp thời có thể nẩy mầm, lên men, nấm bệnh dễ phát triển làm hỏng hạt. Thông thường độ ẩm của lúa khi vừa thu hoạch từ 20- 25% nên sau khi thu hoạch cần phơi, sấy xuống độ ẩm 15% trong vòng 24h để đảm bảo chất lượng gạo.

Để bảo quản lúa từ 2- 3 tháng phải đảm bảo độ ẩm của lúa khi cất giữ là 14 – 15%, nếu bảo quản từ 3 tháng trở lên thì thì độ ẩm tốt nhất là ≤ 13%.

Quá trình làm khô hạt thóc bằng phương pháp sấy vừa đảm bảo độ đồng đều độ ẩm của hạt, vừa đảm bảo được chất lượng gạo do kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình sấy.

Tuy nhiên, do điều kiện đầu tư máy sấy chi phí cao nên phần lớn các hộ nông dân chủ yếu làm khô hạt lúa bằng cách phơi tự nhiên trên mặt sân, mặt đường nên tỷ lệ thất thoát khi phơi cũng khá cao, không đảm bảo được chất lượng hạt gạo.

Do vậy, nên lót các tấm bạt trên mặt sân nhằm hạn chế tối đa tình trạng rơi vãi, đồng thời nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa dông thì sẽ thu gom nhanh hơn. Không nên phơi lúa trên các trục đường nhựa để tránh ảnh hưởng đến giao thông, cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo.

3. Làm sạch

Sau khi phơi sấy về độ ẩm an toàn thì thóc cần được làm sạch để thuận lợi trong quá trình bảo quản. Cần loại bỏ các tạp chất như hạt lép, sạn, kim loại, rơm, mùn... Bà con có thể sử dụng các biện pháp sàng, lọc hay quạt gió để loại bỏ tạp chất.

Việc loại bỏ tạp chất chính là để loại bỏ những vật thể trung gian gây ra nấm mốc, sâu mọt có thể phát sinh trong quá trình bảo quản.

4. Bảo quản thóc

Đối với quy mô hộ gia đình thì việc bảo quản đơn giản: Lúa sau khi được phơi khô đến độ ẩm an toàn, bà con nên bảo quản trong các dụng cụ thích hợp chuyên dụng kín, cất giữ ở nơi cao ráo, tránh bị ẩm ướt, hạn chế tình trạng hút ẩm ngược từ không khí vào hạt cũng như hạn chế sự xâm nhập của các loại côn trùng, mối mọt và chuột cắn phá sẽ làm giảm thời gian bảo quản và ảnh hưởng đến chất lượng xay xát như tỷ lệ gạo gẫy cao, màu sắc và hương vị bị ảnh hưởng.

Khuyến cáo: Để hạn chế tối thiểu tổn thất sau thu hoạch và giữ được chất lượng, mùi thơm của sản phẩm thóc, gạo Japonica bà con nên thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, lúa sau khi thu hoạch đưa vào sấy ngay để giảm xuống độ ẩm 13% trong vòng 24 giờ. Sấy xong đưa vào bảo quản ở nhiệt độ 16 độ C.


Có thể bạn quan tâm

Ve đen hại lúa Ve đen hại lúa

Những năm qua, các vùng trồng lúa tại khu vực các tỉnh miền Bắc thường xuyên xuất hiện một loài ve đen gây hại, nông dân quen gọi là “ve đen 8 chấm”.

23/05/2020
Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm mặn Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm mặn

Tại vùng đất nhiễm mặn của ĐBSCL canh tác lúa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những năm gần đây biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, vụ hè thu càng thêm khó.

23/05/2020
Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm phèn Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm phèn

Cây lúa rất mẫn cảm với đất phèn. Vì vậy, khi trồng lúa trên nền đất phèn, nông dân phải có giải pháp canh tác thông minh trước khi xuống giống.

23/05/2020