Giá / Tin thủy sản

Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm

Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm
Tác giả: TTKN
Ngày đăng: 10/02/2022

Nguồn lươn giống bố trí vào mô hình nuôi tương đối đồng cỡ, khoẻ mạnh và không bị xây xát. Lươn giống đánh bắt ngoài tự nhiên bằng nhiều dụng cụ khác nhau như trúm, lợp, dớn….: Kích cỡ từ 20 – 50 g/con. Mật độ thả 40 – 60 con/m

Lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo: Kích thước lươn giống từ 5- 10 g/con. Mật độ thả: 60 – 80 con/m2.

Thuần dưỡng lươn

Đối với lươn giống sinh sản nhân tạo, chỉ cần thuần hóa lươn quen với điều kiện môi trường 3 – 4 giờ có thể bố trí vào bể nuôi. Đối với lươn giống tự nhiên cần trãi qua quá trình thuần dưỡng theo các bước sau:

– Bể thuần dưỡng để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp (đặt ở chỗ có bóng râm hoặc có mái che).

– Lươn thu gom về phải đưa qua nước muối 2 – 3%  để xử lý trước khi đưa vào bể thuần dưỡng.

– Mật độ thuần dưỡng 2 – 4 kg/m2

– Mực nước trong bể không quá 10 – 15cm.

– Nguồn nước không nhiễm thuốc BVTV, hóa chất công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

–  Điều kiện môi trường thích hợp: Nhiệt độ từ 23 độ C – 28 độ C;  pH từ 6,5 – 8,0.

– Tùy thuộc vào quá trình thuần dưỡng mà có biện pháp xử lý cụ thể, thay nước 1 – 2 lần/ngày (nước bị nhiễm bẩn nhiều hay ít do chất thải của lươn tiết ra). Ngoài bể nuôi nên có một bể chứa nước để thay lúc cần thiết.

– Sau 1 tháng, chọn lươn có kích cỡ tương đối đồng đều, bố trí lươn vào nhiều bể nuôi khác nhau.

Xây dựng bể nuôi

Có thể xây dựng bể đất lót bạt hoặc bể xi măng. Vị trí bể nuôi được đặt nơi đầy đủ ánh sáng, có lưới che mát. Đáy bể nuôi phải có độ dốc về phía cống thoát nước để tiện cho việc thay đổi nước. Nguồn nước phong phú, chất nước tốt, đáy bể có độ chênh nhất định, tiện cho việc tháo nước.

Nguồn nước sử dụng không bị ô nhiễm bởi các loại chất công nông nghiệp và kim loại nặng. Thiết kế cống thoát nước và ống chống tràn, thuận lợi cho việc thoát và phòng tránh lươn thoát ra ngoài. Bể nuôi có hình chữ nhật, tiện cho việc quản lý và chăm sóc mô hình. Diện tích bể từ từ 30 – 50m2, chiều dài gấp đôi chiều rộng, chiều cao 0,7- 0,8m. Dùng lưới rây khổ 1m giăng xung quanh bể để tránh lươn thoát ra ngoài. Đáy bể có thể phủ một lớp đất thịt pha sét (đất ruộng đang canh tác).

Điều kiện môi trường nuôi

Đặc điểm của lươn là sống chui rúc trong đất, nên cần bố trí đất hoặc các loại giá thể vào hệ thống nuôi, tạo nơi trú ẩn cho lươn sinh sống và phát triển.

Thức ăn và cách cho ăn:

Nguồn thức ăn sử dụng là các loại thức ăn tươi sống như cá tạp, hến, cua, ốc bươu vàng… và thức ăn công nghiệp 26 – 30% đạm. Sau khi bố trí lươn vào bể nuôi, phương pháp cho ăn tiến hành theo từng bước như sau:

– Lươn có tập tính ăn vào ban đêm, nên cho lươn ăn vào buổi tối và chọn loại thức ăn lươn ưa thích như giun đất hoặc trùn quế với khẩu phần ăn từ 1 – 2% trọng lượng lươn trong 10 – 15 ngày đầu.

– Theo dõi mức ăn của lươn để hạn chế thức ăn thừa, 1 – 2 giờ sau khi cho lươn ăn nên kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa.

– Sàn cho ăn bằng gỗ, tre, hoặc rổ thưa được treo nổi trên mặt nước.

– Thời gian nuôi thích hợp nhất từ tháng 6 – 12. Lươn bắt mồi khỏe và phát triển tốt nhất vào tháng 6 – 10. Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, phải nắm vững nguyên tắc “4 định” (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh lượng thức ăn một cách hợp lý:

– Ðịnh chất là thức ăn phải đảm bảo đủ chất, luôn tươi sống, tuyệt đối không cho ăn thức ăn hôi thiêu. Nên phối hợp thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp.

– Ðịnh lượng là vừa đủ no, không để thức ăn thừa (lươn rất tham ăn dễ bị bội thực). Trong phạm vi nhiệt độ thích hợp, khẩu phần ăn lươn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của lươn: Dao động  2 – 8% tổng trọng lượng lươn nuôi.

– Ðịnh thời gian: Chọn thời gian thích hợp cho lươn ăn từ 15 – 17 giờ chiều, sau khi lươn đã quen có thể cho ăn sớm dần và có thói quen cho ăn ban ngày.

– Ðịnh vị: Vị trí đạt sàn ăn phải cố định.

Quản lý hệ thống nuôi 

– Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi như pH, Oxy, NH3… trước và sau mỗi kỳ thay nước bể nuôi.

– Khi hàm lượng NH3 vượt qua ngưỡng cho phép (> 2 mg/lít), nửa thân trước của lươn thẳng đứng, đầu nhô lên mặt nước. Biện pháp khắc phục: Từng bước thay đổi nước, hạn chế tránh gây sốc cho lươn. Ðể phòng tránh hiện tượng trên cần có kế hoạch như sau: Định kỳ thay nước từ 2 – 3  ngày/lần nếu bể nuôi có đất. Thay nước mỗi ngày nếu bố trí các loại giá thể khác. Sau khi cho lươn ăn khoảng 2 giờ nên kiểm tra lượng mồi trong sàn để vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn trong bể nuôi.

– Giữ nhiệt độ ổn định: Cù lao đất là nơi giữ nhiệt độ ổn định cho môi trường nuôi; đối với các loại giá thể khác nên lưu ý nhiệt độ trong bể vào thời điểm khí hậu thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lươn.

– Bể nuôi phải được thiết kế đúng theo yêu cầu kỹ thuật sao cho lươn không thoát ra ngoài.

– Quản lý dịch bệnh trong bể nuôi là một việc làm cần được lưu ý. Trong quá trình nuôi thường xảy ra một số bệnh như bệnh sốc môi trường, bệnh Nấm thủy mi, Hội chứng lỡ loét và bệnh nội ngoại ký sinh.

Thu hoạch

Với kích cỡ lươn thả 14 – 20 g/con, thời gian nuôi từ 7 – 8 tháng, lươn có thể đạt được 150 – 220 g/con; năng suất 6 – 12 kg/m2. Công việc thu hoạch cần tiến hành theo các bước như sau:

– Chuẩn bị đầy đủ nhân lực và dụng cụ thu hoạch lươn: Vợt, thùng chứa, sọt…

– Phương tiện vận chuyển lươn: Thùng hoặc bạt lót có nước sạch đặt trên ô tô hoặc ghe …

– Rút cạn nước, dọn sạch cây cỏ thủy sinh trong bể nuôi; chuyển bớt đất trong bể ra ngoài, sau đó tiếp tục chuyển đất sang một gốc bể; lươn gom về gốc bể trống và tiến hành thu  gom.

Cách tiến hành thu hoạch và vận chuyển:

– Chọn thời điểm thu hoạch vào lúc sáng sớm hay chiều mát.

– Nên bắt từng mẽ và thu gọn, vận chuyển nhanh.

– Rửa sạch bùn đất bám trên da và mang lươn trong bể chứa tạm trước khi vận chuyển đến nơi  tiêu thụ.

– Không chuyển lươn với mật độ quá cao làm lớp lươn bên dưới bị ngộp và chết.

– Năng suất: Lươn nuôi trong bể năng suất đạt từ 6 – 12 kg/m2/vụ. Hiện nay chưa có đề tài nghiên cứu chuyên sâu về hệ số chuyển hóa thức ăn của lươn. Theo kinh nghiệm của dân gian, hệ số chuyển hóa thức ăn tùy thuộc vào loại thức ăn: Ốc  bươu vàng (FCR: 8); thức ăn công nghiệp (FCR: 2,5); thức ăn phối hợp (thức ăn công nghiệp và ốc bươu vàng) (FCR: 5- 6).


Có thể bạn quan tâm

Cải tiến quy trình nuôi lươn thương phẩm Cải tiến quy trình nuôi lươn thương phẩm

Những năm gần đây, kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm không ngừng cải tiến, giúp giảm giá thành sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

10/02/2022
Kỹ thuật ương cá bột Kỹ thuật ương cá bột

Sau khi nở kích thước cá bột còn nhỏ, hoạt động rất yếu, phạm vi ăn hẹp, khả năng hấp thụ thức ăn kém. Vì vậy, giai đoạn này không thể thả nuôi ngay

10/02/2022
Phòng trị bệnh cho lươn Phòng trị bệnh cho lươn

Lươn là một trong những loài thủy sản có sức chịu đựng cao, nhưng khi thu gom giống và vận chuyển không đúng theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên lươn dễ bị sốc

10/02/2022