Giá / Tin nông nghiệp

Kỹ sư bỏ phố, về quê khởi nghiệp trồng nấm

Kỹ sư bỏ phố, về quê khởi nghiệp trồng nấm
Tác giả: Trường Kỳ
Ngày đăng: 01/07/2017

Học cùng khóa tại Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng), sau ngày ra trường, Trần Dương Tài, Tạ Quốc Việt và Hồ Thanh Vỹ lần lượt tìm được công việc riêng. Thế nhưng đam mê tự lập đã đưa cả ba kỹ sư này trở thành những nông dân trẻ khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm.

Anh Trần Dương Tài bên những túi phôi nấm bào ngư giống

Cách thị trấn Nam Phước (Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khoảng nửa giờ đồng hồ chạy xe máy, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thu Bồn nằm khuất trong một con hẻm nhỏ thuộc thôn Gia Hòa (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên). Đây là nơi nhóm bạn Trần Dương Tài, Tạ Quốc Việt và Hồ Thanh Vỹ cùng nhau khởi nghiệp với cây nấm.

Tài, Việt và Vỹ học cùng khóa tại Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng) nhưng tốt nghiệp khác ngành. Sau ngày ra trường, nhóm bạn lần lượt tìm được công việc riêng. Thế nhưng đam mê tự lập đã đưa cả ba trở thành những nông dân trẻ khởi nghiệp bằng chính đôi tay của mình.

Những kỹ sư khởi nghiệp trái nghề

Ý tưởng về một xưởng nấm sạch hình thành trong đầu Hỗ Thanh Vỹ hơn 2 năm trước. Sau khi quyết định tự lập, Vỹ khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất nấm sạch tại Khu công nghiệp công nghệ cao Củ Chi. Sau 2 tháng học hỏi, Vỹ rủ Việt và Tài góp vốn “khai mở” xưởng cung ứng phôi nấm sạch. Nguồn vốn ban đầu được các anh được huy động từ mỗi cá nhân, vay từ gia đình, bạn bè và các đoàn thể tại địa phương.

Sau khi xác định con đường khởi nghiệp với cây nấm, cả ba xin nghỉ hẳn công việc ở thành phố để tập trung xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị và làm thủ tục thành lập HTX tại miền quê Duy Hòa, huyện Duy Xuyên (quê nhà của Vỹ). Ban đầu, gia đình các anh nghe chuyện những bỏ việc ở phố về quê trồng nấm thì chẳng ai hài lòng, thậm chí phản đối. Nhưng áp lực đó không thắng được quyết tâm khởi nghiệp của nhóm bạn. “Mình quyết thì mình theo thôi, chẳng ai có thể can thiệp được lựa chọn của mình”, anh Vỹ cho biết.

Sau một thời gian xây dựng, đến cuối 2016, khu xưởng nấm theo hướng khép kín của nhóm bạn được cấp phép thành lập với tên gọi HTX nông nghiệp Thu Bồn. Trong khu xưởng trồng nấm rộng hơn 250 mét vuông, anh Trần Dương Tài hồ hởi giới thiệu về hoạt động của hợp tác xã. Anh cho biết, toàn bộ khu xưởng này gồm khu đóng phôi, phòng cấy, kho, trại ươm,… đều do cả nhóm tự tay thiết kế và xây dựng.

“Nhóm mình có người học cơ khí, người học điện tử,… và không ai học chuyên sâu về nông nghiệp cả. Việc trồng nấm đến lúc này hoàn toàn không thuộc về kiến thức ở nhà trường nên cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã theo nghiệp thì phải cố gắng”, anh Tài chia sẻ.

Những kiến thức học hỏi được từ bên ngoài và Internet được nhóm bạn vận dụng tối đa. Từ những khó khăn ban đầu, cả ba dần khắc phục, liên tục học hỏi để cho ra những mẻ phôi giống chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu của người trồng nấm.

Hiện tại, mặt hàng cung ứng chính của HTX Thu Bồn là nấm bào ngư tím. Quá trình sản xuất phôi giống nấm mất khoảng 1 tháng với nhiều công đoạn như: Chọn mùn cưa, rây lọc và ủ mùn cưa 15 ngày, trộn mùn cưa, đóng túi, hấp thanh trùng trong vòng 8 tiếng ở nhiệt độ 120ºC. Sau khi hấp, túi phôi được để nguội và cấy meo giống. Mọi công đoạn đều phải đảm bảo vô trùng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn giống.

Theo anh Vỹ, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất được khoảng 4000 túi phôi giống. Loại nấm bào ngư tím này được trồng theo kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ, không có chất hoá học nên đảm bảo an toàn với người sử dụng, do đó rất được thị trường ưa chuộng. Mỗi túi phôi bán ra có giá 6 nghìn đồng. Trong những tháng cao điểm, lợi nhuận thu về có HTX có thể lên tới từ 35-40 triệu đồng mỗi tháng.

Khát vọng đóng góp cho quê hương

Song song với việc cung ứng phôi nấm cho các cơ sở trồng nấm trên địa bàn, HTX cũng thu mua nấm thương phẩm từ chính các cơ sở này để kinh doanh ra thị trường. Theo anh Tài, các cơ sở này đóng vai trò là trại nấm vệ tinh. Bản thân mỗi cơ sở được yêu cầu ký hợp đồng cam kết sản xuất nấm sạch theo đúng quy trình; được HTX hỗ trợ đầy đủ về kỹ thuật nuôi trồng nấm, cách xử lý và phòng ngừa sâu bệnh cho nấm. Việc bao tiêu sản phẩm theo giá cả thị trường cũng là để bà con yên tâm sản xuất. Hiện tại, HTX đã có 4 trại vệ tinh trong vùng và đang xúc tiến mở rộng thêm trong tương lai gần.

Phôi nấm được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Những người có nhu cầu mở trại nấm khi tìm đến HTX đều sẽ được hướng dẫn tận tình các quy trình canh tác và sản xuất loại thực phẩm này. Theo Vỹ, việc anh cùng các bạn “bỏ phố về quê” trồng nấm và mở các trại nấm vệ tinh không đơn thuần là khởi nghiệp hay thu về lợi nhuận cho cá nhân. Anh xem đó là cơ hội để những người dân trong và ngoài huyện Duy Xuyên có thêm một cơ hội vươn lên làm giàu, góp phần “thay da đổi thịt” vùng đất quê hương.

Mới đây nhất, HTX đã có thêm một trại nấm vệ tinh do anh Nguyễn Sơn Tùng - Bí thư Đoàn xã Duy Hòa - làm chủ. Sau hơn một tuần chuyển nấm về trại trồng, những túi nấm của anh Tùng đã cho ra kết quả như ý: Cây nấm đẹp, tai nấm dày, thân nấm to. Theo anh Tùng, trước mắt anh sẽ nỗ lực nhân rộng mô hình trồng nấm đến các Đoàn viên thanh niên tại địa phương, giúp bản thân họ có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công với một mô hình khởi nghiệp nào đó. Số người thành công nhờ khởi nghiệp cũng nhiều mà thất bại cũng không ít. Nhiều dự án có xuất phát điểm rất tốt nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên đều phải dừng lại. Đó là bài học mà nhóm bạn rút ra được trên con đường khởi nghiệp của mình.

“Khởi nghiệp từ trồng nấm nói riêng và làm nông nghiệp nói chung đều phải có đam mê và phải chịu khó. Người trồng nấm là người làm chủ, là người chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình. Nếu không gắng sức, không chịu được cực nhọc thì không nên dấn thân vào việc này”, anh Vỹ chia sẻ.

“Nhiều người nghĩ trồng nấm là mau giàu, thu về lợi nhuận cao nhưng thật sự điều này không hề đơn giản. Bởi phải nhiều lần thử nghiệm trầy trật mãi mới ra được sản phẩm như ý”, anh Tài vừa nói vừa chỉ tay vào những túi meo nấm đã bị hỏng, có lúc tỉ lệ hỏng lên đến 50%. Chính vì vậy, HTX phải liên tục tìm hiểu, đổi mới cơ cấu sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng nấm giống trước khi cung ứng cho thị trường. Trước mắt là thay thế các dây treo túi nấm bằng kệ chứa nhằm tiết kiệm thời gian sản xuất và diện tích nhà xưởng.

Không dừng lại ở nấm bào ngư tím, trong tương lai gần HTX sẽ nghiên cứu sản xuất thêm các loại nấm có giá trị khác như: Linh chi, lim xanh,… Với những chàng kỹ sư “can đảm bỏ phố về quê trồng nấm”, mọi thứ chỉ mới bắt đầu.


Có thể bạn quan tâm

Bí quyết kỹ thuật trồng lúa nàng Nhen thơm Bảy Núi Bí quyết kỹ thuật trồng lúa nàng Nhen thơm Bảy Núi

Để có được hạt gạo nàng Nhen thơm ngon, người nông dân đã phải bỏ ra không ít công sức, mồ hôi và nước mắt để thực hiện các công đoạn từ gieo trồng, bón phân

01/07/2017
Những yếu tố tạo nên chất lượng hảo hạng của Bưởi Đoan Hùng Những yếu tố tạo nên chất lượng hảo hạng của Bưởi Đoan Hùng

Để tạo ra sản phẩm Bưởi Đoan Hùng tuyệt hảo và chất lượng cần rất nhiều yếu tố. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu được các yếu tố tác động đến chất lượng

01/07/2017
Hướng dẫn cách nhân giống và trồng vải thiều Thanh Hà Hướng dẫn cách nhân giống và trồng vải thiều Thanh Hà

Làm đất thích hợp để trồng cây và trồng cây với mật độ vừa phải là những bước căn bản để hoàn thành công đoạn nhân giống và trồng vải thiều Thanh Hà.

01/07/2017