Giá / Tin nông nghiệp

Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh hiệu quả

Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh hiệu quả
Tác giả: Thanh Đồng
Ngày đăng: 10/08/2018

Gia đình ông Nguyễn Văn Sốt (Ba Sốt) ở ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc là một trong những hộ trồng bưởi da xanh lớn của xã, với gần 450 gốc bưởi, trên tổng diện tích gần 8 công đất. Đặc biệt, bưởi da xanh nhà ông có chất lượng trái ngon, đồng đều, được thương lái mua giá cao hơn nhiều vườn khác. Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi da xanh chất lượng, ông Sốt cho biết: “Nhờ phối hợp hợp lý giữa phân hóa học, phân hữu cơ với phụ phẩm khí sinh học từ bể biogas nên vườn bưởi nhà tôi cho trái ngon, mẫu mã đẹp, cây khỏe”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ khuyến nông xã Tân Thành Bình giới thiệu hệ thống xử lý chất thải biogas. Ảnh: Thanh Đồng

Dùng bã cặn bón cho cây bưởi

Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ khuyến nông xã Tân Thành Bình cho biết, Tân Thành Bình là xã nông thôn mới của huyện Mỏ Cày Bắc, tiêu chí môi trường đã được bà con tập trung xây dựng sớm đạt, đến nay tiếp tục duy trì, nâng chất.

Hộ nhà ông Ba Sốt là một trong những hộ lắp đặt hệ thống biogas khá sớm, từ tháng 10-2014, bể chứa có dung tích 16m3. Trước đây, có lúc nuôi nhiều, ông nuôi hơn 100 con heo, chất thải đàn heo được dẫn xuống bể, xử lý thành khí biogas, sử dụng làm nhiên liệu đốt trong sinh hoạt gia đình. Còn phần phụ phẩm khí sinh học gồm nước xả, bã cặn được sử dụng phối hợp với phân hóa học, phân hữu cơ khác để bón cho cây bưởi.

Qua nghiên cứu cho thấy sự kết hợp này có thể bù trừ cho sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu của các loại cây trồng kịp thời. Ngoài ra, còn có thể làm tăng tốc độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất. Đồng thời hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hệ số sử dụng, tăng hiệu suất sử dụng phân bón và giảm chi phí phân hóa học. Phụ phẩm khí sinh học có tác dụng cải thiện khả năng canh tác của đất, tăng hoạt động của hệ vi sinh vật đất, nhất là vi sinh vật hảo khí, làm thúc đẩy quá trình phân giải chất hữu cơ, tăng cường và duy trì độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ nước.

“Tôi lấy nước xả tưới cho cây bưởi, còn phần bã cặn được hút lên phơi khô rồi bón cho cây. Mùa mưa tưới ít, mùa nắng tưới nhiều hơn. Kết quả cho thấy cây bưởi cho trái năng suất cao, trái bưởi đẹp, ngon ngọt, không bị chai”, ông Ba Sốt nói.

Liều lượng phù hợp

Hộ ông Nguyễn Văn Sốt là thành viên của Hợp tác xã Bưởi da xanh Tân Thành Bình. Hợp tác xã vừa được thành lập năm 2017, hiện có gần 50 thành viên, phát triển lên từ tổ hợp tác và trước đó là câu lạc bộ bưởi da xanh. Ông Ba Sốt tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập chỉ với trên dưới 10 thành viên. Nhà ông ngày trước trồng cam rồi chuyển sang bưởi Năm Roi, sau đó mới đổi sang trồng bưởi da xanh gần 10 năm nay. Gắn bó với loại cây có múi lâu năm, nhất là cây bưởi da xanh, ông rút ra được nhiều kinh nghiệm. “Trồng cây có múi nếu chỉ bón phân hóa học thì cây cho trái không bền, đất mau bạc màu”.

Trồng bưởi đòi hỏi nắm vững kỹ thuật, chăm sóc để cây bưởi cho trái lâu dài, năng suất cao. Ông Ba Sốt cho biết: “Đối với bưởi mới đặt thì chỉ bón phân hữu cơ và phân dưỡng lá, dưỡng rễ, sử dụng từ 4 - 10kg phân hữu cơ/gốc. Bưởi từ 4 - 5 năm tuổi trở lên, sử dụng từ 20 - 30kg phân hữu cơ/gốc/năm, kết hợp thêm phân hóa học các loại chỉ 10kg/gốc/năm, chia làm nhiều lần trong năm. Vườn mình càng trồng lâu năm thì càng phải chú trọng cải tạo đất để tăng chất dinh dưỡng cho đất”.

Theo cách làm của ông, phân chuồng được mua về và xử lý tại vườn nhà, bã cặn khí sinh học được bơm hút lên khỏi bể, phơi khô, trộn với phân chuồng, nấm Tricoderma và ủ hoai trong thời gian 20 ngày. Phân hữu cơ được bón 2 lần trong năm vào đầu và cuối mùa mưa. Còn nước xả được bơm hút kết hợp tưới quanh gốc.

Anh Nguyễn Bé Hậu, con trai ông Ba Sốt, người đang trực tiếp thay ông Ba chăm sóc vườn bưởi cho biết: “Bón phân hóa học có thể cho hiệu quả tức thời nhưng chất lượng, năng suất trái bưởi không lâu dài, còn bón phân hữu cơ thì đất tốt, cây khỏe, cho năng suất cao. Tuy nhiên, việc tưới, bón phân cho cây cần có sự kết hợp, cân đối phân hữu cơ, phân hóa học và phụ phẩm khí sinh học để đạt kết quả tốt nhất.


Có thể bạn quan tâm

Diệt ốc bươu vàng Diệt ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng (OBV) có khả năng thích nghi rộng và sống được trong điều kiện khắc nghiệt. Gặp khô hạn chúng chui sâu vào bùn khô và sống tới 6 tháng.

10/08/2018
Bùng phát dịch bệnh trên cây có múi Bùng phát dịch bệnh trên cây có múi

Nhiều vườn cây có múi ở ĐBSCL đang bùng phát dịch bệnh, nhà vườn phải đốn bỏ để trồng các loại cây khác.

10/08/2018
Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép, lãi từ 500 – 800 triệu đồng/ha Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép, lãi từ 500 – 800 triệu đồng/ha

Vụ sầu riêng năm nay, nông dân huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) vô cùng phấn khởi vì được mùa, được giá.

10/08/2018