Giá / Tin thủy sản

Kinh nghiệm thực tế phòng bệnh cho nuôi tôm

Kinh nghiệm thực tế phòng bệnh cho nuôi tôm
Tác giả: Tích Chu
Ngày đăng: 07/10/2021

Một trong những điểm nổi bật của ngành tôm Sóc Trăng đó là các doanh nghiệp, trang trại nuôi tôm và nhà khoa học trong tỉnh đã tự tìm kiếm và sử dụng dòng vi sinh bản địa đối kháng vi khuẩn gây bệnh, cùng với đó là các loại thảo dược trong phòng trị bệnh cho tôm.

Công nghệ nhà màng, một trong những giải pháp khoa học công nghệ mang tính đột phá cho ngành tôm.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Phạm Đại Dương và đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội đều cho rằng, để phát triển ngành tôm theo hướng hiệu quả và bền vững cần có cuộc cách mạng khoa học cho ngành tôm, bao gồm cả nghiên cứu, ứng dụng và cả đúc kết những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả thành quy trình hoàn chỉnh để nhân rộng.

Sau thời gian dịch bệnh hoành hành, cùng với đó là những rào cản về dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm từ các nước nhập khẩu, khiến ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung dù có sự phục hồi và tăng tốc nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững.

Một trong những điểm nổi bật của ngành tôm Sóc Trăng đó là các doanh nghiệp, trang trại nuôi tôm và nhà khoa học trong tỉnh đã tự tìm kiếm và sử dụng dòng vi sinh bản địa đối kháng vi khuẩn gây bệnh, cùng với đó là các loại thảo dược trong phòng trị bệnh cho tôm. Chính sự sáng tạo này đã giúp cho ngành tôm của tỉnh gặt hái thành công liên tiếp trong các năm gần đây, con tôm Sóc Trăng ngày càng có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng các dòng vi sinh bản địa đối kháng vi khuẩn gây bệnh trong nuôi tôm phải kể đến trang trại nuôi tôm Tân Nam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta. Trong những năm gần đây, nhờ sử dụng dòng vi sinh bản địa do trang trại tự phân lập, nuôi cấy, trang trại Tân Nam luôn có được hiệu quả qua mỗi vụ nuôi. Ở vụ nuôi đầu tiên của năm 2017, trang trại thu hoạch trên 1.000 tấn tôm, lợi nhuận trên 50 tỉ đồng, còn vụ 2 tuy điều kiện thời tiết, môi trường khó khăn hơn, nhưng vẫn có lãi trên 16 tỉ đồng.

Việc sử dụng các loại thảo dược rẻ tiền cũng được người nuôi áp dụng trong phòng trị bệnh tôm, nhất là bệnh EMS. Đây được xem là sự sáng tạo rất có ý nghĩa mà Công ty TNHH Vĩnh Thuận (TX. Vĩnh Châu) đã dày công nghiên cứu, kiểm nghiệm từ thực tế. Các loại thảo dược được Công ty Vĩnh Thuận sử dụng chủ yếu là: lá ổi, trà xanh và cây mật gấu, nhưng lại rất hiệu nghiệm trong việc khống chế một dịch bệnh phổ biến trên tôm.

Một sáng tạo khác xuất phát từ kinh nghiệm thực tế rất thành công chính là việc sử dụng nguồn nước nuôi cá rô phi, cá chẽm… để ức chế được sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh trong nuôi tôm. Với những nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng thành công từ người nuôi tôm, theo ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có những công trình nghiên cứu khoa học một cách căn cơ để đúc kết thành quy trình, nhằm phổ biến rộng rãi cho người nuôi tôm.

Còn theo ông Trần Văn Phẩm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sóc Trăng (Stapimex), chất lượng con tôm của chúng ta hiện đã khá tốt, nên vấn đề hiện nay là cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh và giảm bớt lệ thuộc vào nguồn lao động phổ thông đang ngày càng thiếu hụt.

Do đó, để phát triển ngành tôm, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động một cách căn cơ, nhằm tạo một cuộc cách mạng khoa học công nghệ cho ngành tôm; trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi liên quan đến doanh nghiệp khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian, đáp ứng kịp thời yêu cầu cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Cùng quan tâm đến công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành tôm, ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Úc đề xuất 4 giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, gồm các ứng dụng: đo lường tự động để giúp thúc đẩy tăng tỷ lệ thành công; công nghệ xử lý nước; công nghệ nhà màng và cuối cùng là công nghệ thông tin. Riêng vấn đề sử dụng nguồn vi sinh bản địa vào sản xuất như Sóc Trăng đã và đang làm, theo ông Tuấn là hướng đi đúng đắn và phù hợp, góp phần khai thác có hiệu quả nguồn gien quý bản địa từ tự nhiên.


Có thể bạn quan tâm

Yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành floc Yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành floc

Công nghệ biofloc trong NTTS đang được nhân rộng và ứng dụng ở nhiều nơi. Mới đây, một nghiên cứu của Mugwanya và cộng sự đã cung cấp một cái nhìn tổng quan

07/10/2021
Chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa Chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa

Làm thế nào để gia tăng tỷ lệ sống cho tôm nuôi trong mùa mưa? (Vũ Tuấn Lợi, huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)

07/10/2021
Phòng bệnh đốm trắng cho tôm Phòng bệnh đốm trắng cho tôm

Làm thế nào để phòng bệnh đầy đủ cho tôm không bị đốm trắng hiệu quả, hạn chế thiệt hại? (Trương Văn Toàn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

07/10/2021