Giá / Tin nông nghiệp

Kinh nghiệm phòng bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi

Kinh nghiệm phòng bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi
Tác giả: Trần Thị Hoài Phương - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
Ngày đăng: 26/04/2018

Bệnh vàng lá gân xanh (Greening) do vi khuẩn Liberobacter asiaticum sống trong mạch dẫn libe của cây, do rầy chổng cánh (Diaphorina citri) làm vật trung gian lây truyền bệnh, ngoài ra bệnh còn lây lan qua mắt ghép. Bệnh làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng làm thiệt hại đến sinh trưởng phát triển của cây.

Mô hình quýt và cây có múi cho hiệu quả cao của bà Hồ Thị Thanh ở xóm 4, xã Nghĩa Tiến (Nghĩa Đàn)

Trong những năm gần đây bệnh vàng lá gân xanh phát triển đã làm giảm năng suất, chất lượng của các loại cây có múi trên toàn tỉnh. Chính vì vậy mà ảnh hưởng đến tâm lý các nhà vườn trong quá trình sản xuất thâm canh cây ăn quả có múi. Để phòng trừ tốt bệnh vàng lá gân xanh chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm để bà con nông dân áp dụng như: 

Cần chú ý phân biệt bệnh vàng lá do cây thiếu kẽm với bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn: bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn thì thịt lá màu vàng, gân lá màu xanh, trên một cây có nhánh nặng, nhánh nhẹ và có nhánh không bị bệnh. Diễn biến bệnh tương đối nhanh nên cây chết rất nhanh từ nhánh bị nặng đến nhánh nhẹ. Trên quả đặc biệt là quýt đường,  biểu hiện đầu tiên là trái có quầng đỏ từ dưới đít trái lên trên đến khoảng nửa trái thì rụng, khi bổ ra sẽ thấy tâm lệch qua một bên và hạt bị thối. Bệnh vàng lá do cây thiếu kẽm thì lá và gân chuyển màu vàng, biểu hiện đồng loạt trên tất cả các cây hay ở một hướng hoặc một thửa nào đó trong vườn, triệu chứng giống nhau, không có nhánh bị nặng hay nhẹ. Mức độ diễn biến rất chậm, có thể kéo dài trong nhiều năm sau cây mới chết tuỳ theo điều kiện chăm sóc.

Phòng trừ bệnh vàng lá, gân xanh trên cây có múi (Bưởi, cam, chanh, quýt…) bà con nông dân cần phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp đồng bộ mới đem lại hiệu quả.

+ Không nên sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc;

Chọn giống

+ Chọn cây giống trồng phải là cây sạch bệnh sản xuất qua vi ghép đỉnh sinh trưởng, được nhân trong nhà lưới hai cửa và phải được chứng nhận. Tuy nhiên đây chỉ là cây sạch bệnh, chứ không phải là cây kháng bệnh, nên ta phải thực hiện các biện pháp khác sau đây thì mới mang lại hiệu quả.

+ Không trồng cây sạch bệnh trong ổ dịch không được cách ly;

Biện pháp cơ giới và canh tác:

+ Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sự gây hại của bệnh;

+ Đốn bỏ cây bệnh để loại bỏ mầm bệnh trong vườn. Phun thuốc trừ rầy trước khi nhổ bỏ những cây có triệu chứng bệnh và những cây bị nhiễm qua giám định, tiêu hủy để loại trừ nguồn bệnh lây sang cây khỏe;

+ Đối với gốc ghép mạnh, đọt non có thể ra nhiều, cần tỉa bớt đọt non, chỉ chừa lại 2 - 3 chồi;

+ Khử trùng các dụng cụ cắt tỉa  trước khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh sự lây nhiễm.

+ Tỉa cắt cành, bón phân giúp điều khiển các đợt ra đọt non tập trung từ 3 - 4 đợt/năm để có thể quản lý sự xuất hiện của rầy trong vườn;

+ Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để hạn chế sự tái xâm nhiễm của rầy chổng cánh từ nơi khác đến;

+ Không nên trồng các loại cây hấp dẫn họ cam quýt như nguyệt quế, cần thăng, kim quýt gần vườn cam quýt, nhất là vườn ươm sản xuất cây giống;

+ Trồng xen: Nên trồng ổi xen trong vườn cam, ổi trồng trước cam sành 6 tháng nhằm xua đuổi rầy chổng cánh ngay khi cây cam mới được trồng.

+ Bón phân cân đối tăng sức đề kháng và chống chịu sâu bệnh của cây.

Những diện tích cam mới trồng ở Yên Khê cũng bị nắng nóng làm héo ngọn, vàng lá.

Biện pháp sinh học

+ Bảo vệ và phát triển thiên địch của rầy chổng cánh: các loài ong kí sinh (Tamarixia radiata vàDiaphorencyrtus aligarhensis), kiến vàng, bọ rùa cần được bảo vệ. Khi mật số thiên địch trong vườn cao sẽ làm giảm mật số của rầy chổng cánh. Luân phiên sử dụng thuốc hóa học, phun thuốc đúng cách để bảo vệ thiên địch. Nếu có điều kiện, nuôi và phóng thích các loài thiên địch trong vườn;

+ Trồng cây "bẫy": Rầy chổng cánh có ký chủ ưa thích nhất là cây nguyệt quế (Murraya paniculata), do đó có thể trồng cây này ở các góc vườn để làm bẫy cây thu hút rầy và dùng thuốc xịt trên cây để phòng trị rầy.

Biện pháp hóa học

- Phòng trừ môi giới truyền bệnh (rầy chổng cánh): rầy chổng cánh là côn trùng truyền bệnh Vàng lá greening

- Phòng trừ rầy bằng thuốc hóa học, ngăn chặn khả năng truyền bệnh của rầy. Sử dụng một số loại thuốc như Trebon 0,15 - 0,2%, Sherpa 0,1 - 0,2%, Sherzol 0,1 - 0,2%, Bassa, confidor… phun 500 - 600 lít nước thuốc đã pha/ha. Phun định kỳ bảo vệ các đợt cây ra lá non, nhất là vào mùa xuân, hay đầu mùa mưa, vì rầy luôn chọn các đọt non để đẻ trứng.

- Đối với những cây có biểu hiện bệnh thì tiêm thuốc kháng sinh trừ vi khuẩn gây bệnh Greening như sau: Sử dụng kháng sinh Tetracyclin, để tiêm áp lực vào thân (đường kính thân cách mặt đất 20 - 25 cm tối thiểu phải trên 10 cm). Nồng độ sử dụng: 1 - 2g/lít nước. Liều lượng dùng 0,5 lít/lần tiêm. Thực hiện tiêm kháng sinh vào thân cây 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày. Sau 4 - 8 tháng tiêm thuốc tỷ lệ ra chồi phục hồi có thể đạt 90%.


Có thể bạn quan tâm

Trồng mùi xen mướp đắng thu 140 triệu/ha Trồng mùi xen mướp đắng thu 140 triệu/ha

Nghệ An là địa phương có truyền thống sản xuất cây vụ đông. Năm nay, xã tiến hành trồng rau mùi xen mướp đắng, đạt giá trị từ 3 - 4 triệu đồng/sào.

26/04/2018
Trái vú sữa Tiền Giang trước cơ hội vàng Trái vú sữa Tiền Giang trước cơ hội vàng

Lần đầu tiên sau hơn 10 năm đàm phán, mới đây trái vú sữa Việt Nam được chấp nhận cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

26/04/2018
Thoát nghèo nhờ trồng chuối tiêu Thoát nghèo nhờ trồng chuối tiêu

Những năm gần đây, trên địa bàn xã Chà Vàl (Nam Giang), nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ trồng cây chuối tiêu bản địa.

26/04/2018