Giá / Mô hình kinh tế

“Kiện Tướng” Trồng Cam Sành Vụ Nghịch

“Kiện Tướng” Trồng Cam Sành Vụ Nghịch
Tác giả: 
Ngày đăng: 12/06/2013

Anh Lại Văn Khanh được mọi người gọi là “kiện tướng” trồng cam sành vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tân Hội, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với diện tích 18.000 m2 cam chuyên canh sành trong đó có 10.000 m2 với 1.300 gốc cam cho trái vụ nghịch, dự kiến trong vụ cam nghịch năm nay anh thu hoạch gần 50 tấn trái, thu nhập từ 700 – 750 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao và rất ít hộ nhà vườn trồng cam sành đạt được.

Thực hiện chuyển đổi diện tích 2.000 m2 đất gò triền trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành vào năm 2000, anh Khanh chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây có múi, nhất là đối với cây cam sành chỉ mới được trồng thử nghiệm trên vùng đất Tân Hội. Được Hội Nông dân thành phố Vĩnh Long hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, anh Khanh mạnh dạn đầu tư lên liếp lập vườn và thực hiện kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng xen từ 2-3 loại hoa màu như dưa leo, hành lá, bí đao… dưới chân mô cam khi cây cam còn nhỏ để tăng thu nhập trong thời gian kiến thiết lập vườn.

Anh Khanh thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chọn mua cây giống sạch bệnh, thiết kế vườn, đắp mô, lên liếp, sử dụng phân hữu cơ để tạo độ tơi xốp cho đất trồng, bố trí cây trồng với khoảng cách cây, khoảng cách hàng hợp lý, không trồng quá dày khiến cây không đủ đất, mau già cỗi. Khi cây cam lớn, tạo tán, ra hoa, anh không trồng xen hoa màu nữa mà trồng cỏ giữ ẩm cho cây. Đầu năm 2003, anh thu hoạch vụ cam đầu được 4 tấn, thu nhập 24 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, trả vốn vay ngân hàng, anh còn trên 6 triệu đồng tích lũy đầu tư cho vụ cam sau.

Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây có múi kết hợp với học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn chuyên canh cam sành ở huyện Tam Bình, các nhà vườn ở Tiền Giang, anh Khanh nhận thấy rằng muốn đạt thu nhập cao thì phải xử lý cho trái vụ nghịch để tránh cảnh thu hoạch rộ rớt giá. Anh thực hiện chặt chẽ các khâu xử lý cam cho trái vụ nghịch, sử dụng phân, thuốc đúng liều lượng, kỹ thuật xiết nước, nuôi kiến vàng để phòng trừ các loại sâu bệnh và thực hiện tỉa trái đảm bảo sản lượng trái khi thu hoạch cho kích cỡ đều.

Năm 2004, anh Khanh thành công với sản lượng cam vụ nghịch 6 tấn/1.000m2, thu nhập trên 96 triệu đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với trồng cam cho trái vụ thuận. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật xử lý ra hoa vụ nghịch nên vườn cam sành của anh Khanh cho trái có kích cỡ đồng đều, mỗi vụ trong tổng số sản lượng thu hoạch có đến 80% cam đạt loại 1 (trọng lượng 300 g/quả), vỏ xanh và bóng, không tỳ vết đồng thời thường cho thu hoạch vào tháng 5 – tháng 6 âm lịch là thời điểm thị trường tiêu thụ cam sành rất hút hàng, giá bán cam sành trên thị trường cao nhất trong năm: từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, thương lái đến tận vườn mua cam với giá bình quân từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Với hiệu quả 7 năm trồng cam cho trái vụ nghịch, từ 2.000m2 đất vườn, anh Khanh đã tích luỹ mua thêm đất, đến nay anh có 18.000 m2 trồng cam sành, thu nhập từ mô hình chuyên canh cam sành đã giúp anh vượt khó thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang.

Hiệu quả từ vườn chuyên canh cam sành của anh Lại Văn Khanh đã khuyến khích nhiều hộ nông dân ở ấp Tân Bình, xã Tân Hòa thực hiện cải tạo vườn tạp lên liếp trồng cam. Anh Khanh tận tình hướng dẫn kinh nghiệm xử lý cam cho trái vụ nghịch cho các hộ nông dân mới chuyển đổi trồng cam sành theo phương châm “vừa và đủ”, không trồng cam quá dày, chỉ làm 1 vụ nghịch trong năm để đảm bảo đạt hiệu quả cao.

Hiện nay trong 18.000m2 đất vườn trồng cam, anh Khanh chỉ xử lý cho trái vụ nghịch 10.000 m2, diện tích còn lại anh trồng cam sành cho trái vụ thuận. Anh định hướng sau thời gian 10 năm xử lý cam cho trái vụ nghịch, anh đốn bỏ vườn cam và chuyển sang trồng ổi xá lỵ để cho thu hoạch nhanh và giúp cải tạo đất, cắt mầm bệnh trước khi trồng lại cam sành và trong thời gian này anh tiếp tục chuyển diện tích 8.000 m2 đang trồng cam vụ thuận sang xử lý cho trái vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Có Vốn, Có Thêm Trâu Bò Có Vốn, Có Thêm Trâu Bò

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Hòa Bình đang thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi. Từ nguồn vốn của quỹ, nhiều hộ dân đã gia tăng được đàn trâu, bò.

12/06/2013
Hiệu Quả Từ Dự Án Hỗ Trợ Sản Xuất Giống Nấm Ở Ninh Bình Hiệu Quả Từ Dự Án Hỗ Trợ Sản Xuất Giống Nấm Ở Ninh Bình

Những năm qua, nghề trồng nấm ở tỉnh Ninh Bình phát triển khá mạnh, nhất là ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. Nhờ trồng nấm nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu.

12/06/2013
Cứu Ngành Sản Xuất Cá Tra, Ba Sa Cứu Ngành Sản Xuất Cá Tra, Ba Sa

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính cần hỗ trợ khoảng 10.000 tỷ đồng để thu mua hết cá tra nguyên liệu của nông dân, trong đó 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nhà máy chế biến nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân và cứu người nuôi cá.

12/06/2013