Giá / Tin thủy sản

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ đặc sản tiến Vua

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ đặc sản tiến Vua
Tác giả: Minh Hoàng
Ngày đăng: 20/07/2016

Nhím biển còn có tên gọi khác là cầu gai, được người dân Quảng Ngãi gọi với tên nhum biển, bên ngoài tua tủa gai nhưng trong thân lại là lớp thịt vàng ươm, gồm 12 múi cả trứng và thịt.

Nếu như ngư dân vùng biển Sa Huỳnh chia làm 4 loại gồm: Nhum đen, nhum giang, nhum bạc và nhum bắn thì ở huyện đảo Lý Sơn, ngư dân địa phương thường lặn bắt hai loại: Nhím biển và nhum đỏ.

Thuở xưa, mắm nhum vùng biển Sa Huỳnh từng vang danh là đặc sản "mắm tiến vua".

Lặn tìm nhum biển kiếm tiền triệu mỗi ngày

5h sáng, hàng trăm ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn và các vùng ven biển Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi) thức dậy, sẵn sàng lên thuyền rời bến đến các khu vực rạn đá gần bờ lặn bắt nhum biển.

15 năm trong nghề, anh Lê Văn Hiền (ngụ thôn Tây, huyện đảo Lý Sơn) cho hay, mùa lặn bắt nhum biển kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch hàng năm, khi tiết trời mùa hè biển lặng.

Theo ngư dân Hiền, dụng cụ để bắt loài thủy sản này khá đơn giản, gồm kính lặn, một móc sắt, thùng xốp có dây nối buộc ngang hông cho nổi trên mặt biển.

Anh và nhiều ngư dân khác thường lặn ngụp bắt nhum sống dưới kẽ đá ở vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn. Công việc lặn bắt nhum bắt đầu từ sáng sớm, đến trưa ăn uống, nghỉ ngơi trên thuyền, sau đó lặn bắt đến 15h thì trở về nhà.

"Nhum thường sống ẩn núp dưới rạn san hô nên chúng tôi phải lặn sâu 1 - 4m mới có thể bắt được", anh Hiền kể.

Anh cho biết, hàng ngày mỗi hộ gia đình có thể bắt được khoảng 300 đến 400 con nhum biển và một số loại ốc bán cho thương lái. Trừ chi phí thu nhập cũng hơn 1 triệu đồng.


Ngư dân lặn bắt nhum biển ở vùng biển gần đảo Bé Lý Sơn. Ảnh: M.Hoàng.

Ngư dân Võ Văn Hai (ngụ xã An Vĩnh) thổ lộ, nghề lặn bắt nhum biển phải dầm mình dưới nước, làm việc dưới trời nắng cả ngày nhưng bù lại thu nhập khá hơn một số nghề khác.

"Thời gian gần đây, gia đình tôi lặn bắt nhum biển bán trực tiếp cho các nhà hàng, quán ăn ở đảo Lý Sơn thu nhập mỗi ngày từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Du khách thích ăn món nhum biển tươi sống với mù tạt nên nhà hàng thu mua nguyên con với giá 12.000 đồng.con. Nhờ đó, thu nhập của tôi cao hơn nhiều so với những tháng trước", ông Hai hồ hởi.

400-600 kg nhum biển thương phẩm mỗi ngày

Theo ngư dân địa phương, huyện đảo Lý Sơn đang trong thời gian cao điểm du lịch với lượng khách tham quan, tắm biển ngày hè đông nên nhu cầu thưởng thức món ăn đặc sản được chế biến từ nhum biển rất lớn.

Bà Trần Thị Tuyết Mai (ngụ xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ), một đại lý thu mua nhum biển cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình bà thu mua khoảng 20kg nhum thịt của ngư dân địa phương. Nhu cầu của thực khách tăng cao nên giá thu mua mỗi kg nhum hiện tại hơn 300.000 đồng.

Nhum biển sẽ được chế biến thành các món ăn khoái khẩu phục vụ thực khách, với lựa chọn khá đa dạng: nhum xào, nấu cháo, đổ trứng, mắm nhum chấm thịt heo...


Thịt nhum biển vàng ươm trở thành món ăn bổ dưỡng ngày hè ở Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.

"Không chỉ thưởng thức món nhum tại chỗ, du khách còn mua đặc sản mắm nhum đóng chai (500ml) với giá 200.000 đồng về làm quà nên thu nhập cũng khá cao", chị Nguyễn Thị Hương - Chủ nhà hàng ở xã Phổ Châu phấn khởi.

Bà Mai cho biết, hai loài nhum đen và nhum giang là có thể làm được nhiều món ăn ngon và chế biến đặc sản mắm nhum.

Thống kê các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), khoảng 300 hộ dân thường xuyên hành nghề lặn bắt loài nhum. Ước tính mỗi ngày ngư dân nơi đây khai thác khoảng 400 đến 600 kg nhum thịt thương phẩm.

Theo các chuyên gia Viện Hải dương học, trên thế giới hiện có khoảng 800 loài nhum nhưng chỉ có một số loài ăn được và thực sự có giá trị kinh tế. Phần ăn được của nhum là tuyến sinh dục, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng phong phú.

Do nhu cầu tiêu thụ của các nước trên thế giới rất lớn, nên nhum thường được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Australia… Ở Việt Nam, do chưa tìm ra phương pháp sinh sản nhân tạo giống nhum nên người nuôi vẫn chủ yếu tìm mua giống tự nhiên.


Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản an toàn Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản an toàn

Nghệ An là tỉnh có diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn, với trên 35 nghìn ha. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 7 vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học (ATSH), với diện tích 240 ha.

20/07/2016
Ốc bươu vàng - từ phá hoại thành... nguồn lợi Ốc bươu vàng - từ phá hoại thành... nguồn lợi

Ốc bươu vàng là một đối tượng gây hại mùa màng, ốc bươu vàng từng một thời ám ảnh nhà nông miền Tây. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu sử dụng sinh vật ngoại lai này để chế biến thức ăn đang được ưa chuộng đã đem lại một nguồn thu nhập tương đối khá cho người dân nông thôn, cùng với đó là hạn chế sự phá hoại ruộng vườn.

20/07/2016
Hụt hơi tìm con giống tốt Hụt hơi tìm con giống tốt

Trong 11 kiến nghị gửi Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, các vấn đề nan giải được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra mới đây vẫn là con giống, quy trình nuôi trồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm.

20/07/2016