“Không Tiêm Là Không Ổn!"

Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của ông Nguyễn Văn Quynh - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương – một địa phương đang có dịch CGC diễn biến rất phức tạp.
Ông Quynh khẳng định: Việc tạm ngừng tiêm phòng vacxin CGC năm 2011, Hải Dương chỉ nhận được thông báo là do nhánh virus ở Hải Dương đã biến đổi nên không tiêm nữa, chứ cụ thể biến đổi thế nào thì chúng tôi cũng không rõ. Ngay như tới thời điểm hiện tại, Hải Dương đã gửi mẫu tới các đơn vị xét nghiệm virus của Cục Thú y, và nhận được kết quả là bị dịch CGC, chứ cụ thể dịch do chủng, hay do nhánh virus nào lưu hành trên địa bàn tỉnh gây ra, thì chúng tôi làm sao mà biết được? Việc đó các cơ quan Thú y cấp trên mới rõ.
PV: Vừa rồi Hải Dương được hỗ trợ 200 nghìn liều vacxin CGC Re-5 để chống dịch. Căn cứ vào đâu, tỉnh xin loại vacxin đó?
Hiện Hải Dương có dịch thì chúng tôi cứ xin vacxin thôi, Trung ương cấp cho vacxin nào thì nhận vacxin đó! Chỉ nghe đâu cơ quan Thú y ở TƯ nói, nếu kháng nguyên của vacxin trúng chủng với virus thì tốt, còn nếu không trúng, thì tỉ lệ bảo hộ đạt 50 - 70% cũng tốt rồi, cứ tiêm!
PV: Theo nhận định của ông, việc ngừng tiêm phòng năm 2011 có phải là nguyên nhân khiến dịch tái bùng phát ở Hải Dương vừa qua không?
Nói chung là chưa hẳn thế, bởi hiện chưa xác định được cụ thể dịch vừa qua là do nhánh virus nào gây ra, nên nếu có tiêm phòng thì cũng khó mà xác định được hiệu quả của vacxin bảo hộ thế nào, và việc không tiêm có phải là nguyên nhân làm dịch tái bùng phát hay không. Chúng tôi chỉ biết là trên thực tế, các vùng tiêm phòng thì đều không xẩy ra dịch, còn các ổ dịch xẩy ra vừa qua thì đều là không tiêm phòng. Còn đợt hỗ trợ vacxin chống dịch vừa rồi, hiện Hải Dương mới tiêm được một tuần nên chưa có kết quả chính xác.
PV: Vậy theo ông thì sắp tới, có nên tiêm phòng nữa không? Nếu tiêm thì tiêm thế nào?
Theo tôi, cứ phải tiêm phòng tiếp. Phòng bệnh thì tiêm phòng là tốt nhất, nếu chăn nuôi mà không tiêm phòng thì không được. Vấn đề là tiêm loại gì, chủng gì cho trúng với virus để phát huy hiệu quả. Việc đó ngành Thú y ở TƯ bao nhiêu năm rồi có nghiên cứu được đâu? Còn vacxin thì cứ toàn phải đi nhập khẩu, rất là bị động.
Chăn nuôi gia cầm thì việc tiêm phòng là biện pháp chủ động nhất, hiệu quả tối ưu nhất. Còn vệ sinh môi trường, con giống, thức ăn… chỉ quyết định một phần. Việc tiêm phòng trước mắt cần ưu tiên cho đàn vịt. Bởi chúng sống dưới nước hay thả rông ngoài đồng, dễ phát sinh và lây lan dịch. Đặc biệt, Hải Dương có nhiều trang trại nuôi vịt thả rông, vịt đi khắp nơi.
Có thể bạn quan tâm

Nếu có dịp tham quan Vịnh Hạ Long, du khách hãy thử một lần theo tàu ra thăm ngư trường nuôi trai cấy ngọc trên biển Hạ Long (nằm ở khu vực gần hang Bồ Hòn), chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thích thú bởi không chỉ vì cảnh đẹp nơi này mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về công việc nuôi trai cấy ngọc...

Hiện giá lợn hơi chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trung bình người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với gà lông, giá cũng giảm từ 10.000 đồng tới 12.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan từ 5000 - 6000 đ/kg; Trung Quốc gần 10.000 đ/kg.

Mô hình nuôi sò huyết luân canh trong vuông tôm được ông Lâm Văn Liêm, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) áp dụng thành công. Từ mô hình này, nhiều hộ dân tham quan học hỏi và áp dụng.