Khởi nghiệp với mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics
“Tôi nghĩ người giàu có thật sự không phải là về tiền bạc mà là sức khỏe, sự trải nghiệm và không ngừng hoàn thiện. Riêng cá nhân mình, niềm vui chỉ trọn vẹn khi bản thân nuôi trồng thành công các sản phẩm nông sản. Khi mình thực hiện được ước mơ và hoài bão trong công việc thì cũng góp phần phát triển bền vững cho quê hương”- đó là tâm sự của anh Nguyễn Tiến Thành (SN 1979) - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA (ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò).
Anh Nguyễn Tiến Thành (người ngồi trước) rất tâm huyết với mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics
Từ quyết tâm vươn lên vượt khó
Anh Nguyễn Tiến Thành được biết đến là người có ý chí vươn lên, vượt khó thoát nghèo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi học hết lớp 7, anh Thành nghỉ học đi làm thuê đủ nghề từ Bắc vào Nam. Sau nhiều năm làm thuê dành dụm được ít vốn, anh quyết định về quê nhà Lấp Vò lập nghiệp.
Anh Thành tâm sự: “Ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics xuất phát từ thực trạng người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm bởi rau phun thuốc nhiễm hóa chất ngày càng tăng. Nhận thấy hiện nay nhu cầu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch cho bữa ăn hằng ngày trong gia đình ngày càng nhiều. Vì vậy, mình nảy sinh ý tưởng áp dụng sản xuất hệ thống hợp canh, vừa trồng rau thủy canh, vừa nuôi cá theo hướng hữu cơ trên mảnh đất quê hương”.
Nghĩ là làm, cuối năm 2017, anh Nguyễn Tiến Thành bắt đầu lên mạng tham khảo kiến thức và đi nhiều nơi tìm hiểu kinh nghiệm canh tác nông nghiệp tiên tiến. Sau thời gian nghiên cứu, anh Thành nhận thấy mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ (Aquaponics) phù hợp với nhu cầu cho bữa ăn sạch của người tiêu dùng. Anh tiếp tục nghiên cứu, tìm các vật liệu phù hợp để lắp ghép tạo nên mô hình hoàn chỉnh cho nhu cầu sản xuất.
Khi bắt tay vào thực hiện, điều khó khăn đầu tiên anh gặp phải là mô hình nuôi cá Aquaponics ở các nước phát triển có kích thước rất lớn, anh Thành phải tìm cách cải tiến sao cho phù hợp. Khi mô hình hoàn chỉnh bước đầu, anh lại gặp trở ngại khi nhiều lần thử nghiệm không thành công, hạt gieo vào không nảy mầm, hạt nảy mầm thì phát triển còi cọc, nước ở hồ cá có mùi lạ... Không nản chí, anh kiểm tra lại tất cả các quy trình công đoạn, xem gặp vấn đề ở chỗ nào rồi tiến hành giải quyết. Nhiều hôm anh làm việc cả ngày lẫn đêm.
Sau nhiều tháng “chiến đấu” với đống vật liệu, cuối cùng mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ (Aquaponics) của anh Nguyễn Tiến Thành đã hoàn thành và thử nghiệm rất hiệu quả, rau phát triển xanh tốt, cá lớn nhanh. Anh Thành tự tin tiến hành nhân rộng và thương mại hóa sản phẩm.
Đến hệ sinh thái hướng đến cộng đồng
Anh Nguyễn Tiến Thành lý giải, Aquaponics là thuật ngữ kết hợp giữa Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh). Hệ thống này là biện pháp canh tác không dùng đất, bộ rễ cây trồng được nuôi dưỡng phát triển trong nước có bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Có một sự khác biệt giữa phương pháp canh tác thổ canh (trồng trong đất) và thủy canh là trong hệ thống thủy canh không có sự tham gia của các vi sinh vật phân giải như trong đất.
Sự tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi trồng thủy sản và thủy canh mang lại lợi ích thiết thực và tính độc đáo của mô hình Aquaponics. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, mô hình này sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi nó bị mất do bay hơi.
Bên cạnh đó, mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ là giải pháp lý tưởng cho việc xử lý chất thải giàu dinh dưỡng từ một hồ cá và tái sử dụng nó để cung cấp cho đời sống thực vật với các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển một cách bền vững. Thức ăn cho cá là các đầu vào chính của một hệ thống Aquaponics, cá ăn các thức ăn và sau đó bài tiết các chất thải. Trong quá trình dị dưỡng vi khuẩn này tiêu thụ chất thải của cá, các vật chất thực vật và thực phẩm vẫn còn và chuyển đổi chúng thành các hợp chất amoniac và khác.
“Đây là hệ thống tuần hoàn tận dụng lợi ích của nhau một cách hoàn hảo. Ưu điểm của phương pháp này là người trồng tiết kiệm được hơn 40 - 50% chi phí sản xuất. Việc quan trọng nhất của mô hình là mật độ cá nuôi và cây trồng phải cân bằng nên tôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây trồng, sau đó mới quyết định có nên tăng giảm mật độ cá nuôi. Cá nuôi trong hệ thống bắt buộc phải là cá nước ngọt. Nếu nuôi tôm sẽ phải nắm bắt một số kỹ thuật cơ bản mới có thể chăm sóc tôm” - anh Thành cho biết thêm.
Hiện nay, với diện tích hơn 1.500m2, anh Thành đang trồng các loại rau như: cải thảo, xà lách, tía tô, cải bẹ xanh... song song đó là các loại cá mang giá trị kinh tế cao như: cá chạch lấu, cá chình... Tuy anh Thành chỉ mới thực hiện mô hình nhưng đã có nhiều nhà phân phối, siêu thị lớn đã tìm đến đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm rau thủy canh của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA.
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Để cung cấp đến thị trường những sản phẩm tốt nhất, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn quy trình sản xuất; đồng thời mở rộng thêm qui mô canh tác với nhiều sản phẩm rau, cá khác. Bên cạnh canh tác rau xanh, cá, trong khuôn viên sản xuất, tôi cũng xây dựng thêm không gian phục vụ du lịch trải nghiệm cho du khách gần xa...”.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu năn... gây hại ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh.
Trong đó, điển hình là mô hình trồng nấm rơm dạng trụ của hộ anh Dương Văn Tài, nông dân ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Hội thảo được tổ chức nhằm xác định tiềm năng, thế mạnh, hướng khai thác, phát triển các vùng, vườn cây ăn quả theo chuỗi giá trị