Khảo Sát Tình Trạng Nghêu Chết Và Kiến Nghị Hỗ Trợ Người Nuôi Ở Tiền Giang
Ngày 27-3, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cùng đại diện các sở, ngành có liên quan của tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Đông đã đến khảo sát vùng nuôi nghêu cồn Ông Mão, cồn Vạn Liễu thuộc khu vực nuôi 350 ha của Ban Quản lý cồn bãi của huyện.
Báo cáo với đoàn, ông Huỳnh Văn Vinh, Trưởng Ban Quản lý cồn bãi huyện cho biết: Những năm trước nghêu chết từ tháng 3, là nghêu thương phẩm; nghêu con không chết hoặc rất ít, nên lượng giống ít bị hao hụt.
Nhưng năm nay thời điểm nghêu chết sớm hơn, diễn ra từ tháng 2 với tần suất ngày càng nhiều, từ 1, 2 con/1m2, tùy theo khu vực; nặng nhất là vào ngày 11 đến 13-3 nghêu chết đều trên cả 3 khu vực, mật độ dày từ 15 - 20 con/m2, không chỉ nghêu sắp thu hoạch mà nghêu giống mới thả khoảng 1 - 2 tháng chết khoảng 80%, trong khi đó nguồn nghêu giống địa phương không đủ để cung cấp cho người nuôi trong vùng.
Cụ thể vừa qua, đơn vị thả khoảng 43 tấn nghêu giống loại từ 2000 - 2500 con/kg, trị giá khoảng 5 tỷ đồng; trong thời điểm nghêu chết, nghêu con đã phát triển được 1.000 - 1.500 con/kg, diện tích thả giống phân bổ trên 10 ha, ước tính sản lượng khoảng 100 tấn nghêu, mức độ thiệt hại của nghêu giống khoảng 60-70%. Riêng nghêu thịt chết trong khu vực quản lý từ 50 - 70%, ước thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 1.311 ha nghêu/183 hộ (trong đó có 786 ha/103 hộ có ký hợp đồng thuê đất với UBND huyện) bị thiệt hại từ 60 - 80%, ước khoảng 300 tỷ đồng. Trước thiệt hại quá lớn của người dân và việc tái sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn, UBND huyện kiến nghị Ngân hàng khoanh nợ, cho hộ nuôi vay tiếp để tái sản xuất trong mùa vụ 2013. UBND huyện sẽ kiến nghị với UBND tỉnh trong việc miễn giảm tiền thuê đất cho người dân.
Phát biểu qua buổi khảo sát, ông Nguyễn Thanh Cẩn cho biết, Sở NN&PTNT đã báo cáo Bộ NN&PTNT và các cơ quan Trung ương đến khảo sát, năm 2010 xác định nguyên nhân nghêu chết do vi khuẩn Perkinsus sp, kết hợp độ mặn cao, nắng nóng.
Riêng năm nay qua phân tích thì vi khuẩn Perkinsus sp hiện diện không nhiều trên các bãi nghêu, điều đó chứng tỏ rằng nguyên nhân nghêu chết còn nhiều uẩn khúc, đặc biệt là môi trường biển, không loại trừ yếu tố thay đổi nguồn nước, dòng chảy…
Trước tình hình nghêu chết chưa rõ nguyên nhân, ông Nguyễn Thanh Cẩn khuyến cáo người nuôi nghêu ương nghêu đến cở giống thích hợp, thả nuôi và thu hoạch trước tháng 2 hàng năm để đạt hiệu quả hơn và giảm thiệt hại.
Riêng về chính sách hỗ trợ người dân, ông cũng cho biết, qua thống kê đã báo cáo về Bộ NN&PTNT, tuy nhiên do quy định hiện nay thì chưa lọt vào khung xem xét hỗ trợ nhưng Sở vẫn kiến nghị với Bộ; một mặt địa phương trong điều kiện cho phép có thể miễn giảm tiền thuê đất để phần nào giảm thiệt hại cho dân.
Có thể bạn quan tâm
Hội ND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến ngày 20.6, 123/141 cơ sở (trên 87% số cơ sở ) hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017. 5 huyện, thị (Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông và thị xã Quảng Trị) 100% cơ sở đã tổ chức đại hội.
Đến thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư, Thái Bình), ai cũng biết anh Nguyễn Văn Trọng, bởi anh là chủ vườn có tiếng với nhiều loại cây quý và đẹp.
Trước đây, với 9 sào đất, anh Đồng Chí Nghị ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 1994, anh quyết định cưa bỏ cây ăn quả để chuyển qua sản xuất rau màu. Do đất đai không bằng phẳng, có khoảnh cao, khoảnh thấp, anh Nghị đã tính toán bố trí cây trồng hợp lý. Với gần 4 sào đất cao được trồng bắp, đậu, 5 sào còn lại nằm vị trí thấp, anh trồng luân canh khổ qua, dưa leo, đậu ve và bắp trắng.