Khảo Nghiệm, Cung Ứng Nhiều Giống Vật Nuôi Mới
Trạm Giống gia súc Long Mỹ (TGGSLM - tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã chọn lọc, nhân giống và bảo tồn đàn giống vật nuôi gốc của tỉnh; tổ chức du nhập, nuôi khảo nghiệm, cung ứng các giống vật nuôi mới, năng suất cao, cùng với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Được nhập từ Trạm Giống và dịch vụ chăn nuôi Phước An và Trạm Thực nghiệm gia súc lớn và đồng cỏ Long Mỹ, TGGSLM (thuộc Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định) đã được đầu tư 30 tỉ đồng để xây dựng cơ sở chăn nuôi heo giống hiện đại, rộng 3ha, có hệ thống làm lạnh với 8 dãy chuồng nuôi quy mô 300 nái, hàng năm cung ứng cho thị trường trên 2.000 con heo giống bố mẹ. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành thi công các hạng mục chuồng trại và đang tiến hành nuôi khảo nghiệm trên 100 con heo giống ngoại gồm Landrace, Yorkshire, Pidu, Pitren…
Số heo giống trên được đơn vị nhập từ Trung tâm Giống vật nuôi Bình Thắng thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia. Qua theo dõi, các giống heo du nhập nuôi tại trạm thích ứng tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trong tỉnh. Trạm đang tiến hành nhân giống để kịp chuyển giao cho người chăn nuôi trong tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu nuôi bò thịt của người chăn nuôi trong tỉnh, Trạm cũng vừa du nhập 5 con bò giống Drough Master từ Úc về nuôi khảo nghiệm. Đây là giống bò thịt chất lượng cao, có trọng lượng trung bình từ 600 - 1.000kg/con, cao hơn gấp 4 - 5 lần so với giống bò tại tỉnh ta, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, qua nuôi khảo nghiệm, giống bò Drough Master tỏ ra khá thích hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, khả năng phát triển tốt, điều kiện chăm sóc khá đơn giản, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân địa phương. TGGSLM đang tiến hành phối giống để chuyển giao con giống và kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.
Thạc sĩ Huỳnh Việt Hùng, Trạm trưởng TGGSLM, cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã du nhập nuôi khảo nghiệm thành công và chuyển giao các giống vật nuôi khác như dê Boer có nguồn gốc từ Mỹ, thỏ New Zeland, thỏ Califonia, heo rừng Thái Lan… Đàn dê giống cao sản Boer nuôi tại trạm có 80 con, hàng năm cung ứng cho người chăn nuôi hàng trăm con giống.
Ưu điểm nổi bật của giống dê Boer là tỉ trọng tăng trưởng khá cao, kháng dịch bệnh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, dê Boer có thể chăm sóc, nuôi dưỡng theo phương pháp thâm canh, cho ăn bằng thức ăn tinh và cỏ trồng sẵn, không phải chăn thả rông”.
Ngoài ra, các giống thỏ ngoại cao sản như thỏ New Zeland, thỏ California cũng được Trạm tổ chức nuôi khảo nghiệm và chuyển giao con giống cho người chăn nuôi rất hiệu quả. Đàn thỏ bố mẹ hiện được nuôi giữ tại Trạm khoảng 400 con, hàng năm chuyển giao gần 2.000 con giống. Mỗi cặp thỏ giống có thể đẻ 6 - 7 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 7 con.
Với trọng lượng con giống ban đầu từ 1,5 - 2 kg/con, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con thỏ New Zealand hoặc California đạt từ 3,5 - 4 kg/con, lợi nhuận bình quân trên 300 ngàn đồng/con. Đặc biệt, hiện nay thị trường tiêu thụ thịt thỏ tại các tỉnh phía Nam khá cao nên chăn nuôi thỏ rất có hiệu quả.
Trạm còn tổ chức du nhập nuôi đàn heo rừng giống 140 con, gồm giống heo rừng thuần Thái Lan, Lào và các giống heo rừng lai F2, F3. Kỹ thuật chăn nuôi heo rừng khá đơn giản, heo ít bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại rau, chuối, cám, các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn nên chi phí chăn nuôi thấp, được người chăn nuôi nhân rộng…
Có thể bạn quan tâm
Với tổng giá trị đầu tư gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro, dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) đã được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2-8.
Trong chuyến công tác về xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh, Quảng Trị), tình cờ chúng tôi được gặp những người nông dân trong Hiệp hội nuôi tôm Quảng Xá. Hầu hết những nông dân này đều ở độ tuổi 7X, là những người cần cù, năng động và có nhiều sáng tạo trong làm ăn. Tuy nhiên, do rủi ro trong sản xuất dẫn đến nhiều người phải trắng tay, nợ ngân hàng và điều quan trọng hơn đó là họ chưa có định hướng mới trong sản xuất với những ao hồ nuôi tôm kém hiệu quả như hiện nay.
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang dao động ở mức rất thấp, từ 18.500 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành cá tra mà dân nuôi từ 23.000 - 24.500 đồng/kg. Như vậy, người nuôi cầm chắc lỗ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg...