Khai thác thủy sản chưa bền vững
* Sản lượng tăng trên 5%
Tại hội nghị Tổng kết khai thác cá vụ Nam 2015 diễn ra tại Thái Bình hôm 7/10, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập lớn và biện pháp giải quyết cho ngành thủy sản.
Tăng trưởng
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng khai thác vụ cá Nam 2015 đạt hơn 1,7 triệu tấn (tăng 5,39% so với vụ này năm trước), trong đó sản lượng khai thác biển đạt khoảng 1,6 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt 136 nghìn tấn (tăng 3%).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nêu rõ, hiện ngành thủy sản vẫn chưa công bố được trữ lượng nguồn lợi thủy sản và khả năng cho phép khai thác của từng vùng biển để phục vụ công tác quy hoạch, định hướng phát triển cơ cấu nghề nghiệp một cách hợp lý, bền vững.
Công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản còn bất cập, tàu cá nhỏ hoạt động ven bờ còn nhiều, việc quản lý hoạt động của tàu các theo vùng biển chưa được coi trọng, nhiều tàu lớn khai thác xa bờ vẫn tham gia khai thác ở vùng lộng và vùng biển ven bờ, nhất là các tàu lưới kéo (giã cào bay) nên làm gia tăng áp lực khai thác và suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng chưa được quan tâm một cách đúng mức, thời gian cá bị lưu giữ trên tàu dài ngày, việc sử dụng hóa chất bị cấm trong bảo quản vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đội tàu.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc đầu tư chắp vá, chưa đồng bộ dẫn đến việc tích lũy vốn để tái đầu tư cho nghề cá còn ít. Số lớn chủ tàu vay vốn đóng tàu, mua sắm ngư cụ và SX trả nợ dần. Khi hết nợ thì tàu thuyền ngư cụ cũng hết khấu hao và phải đầu tư mới.
Các chủ tàu rất khó tìm được lao động vào SX. Mặc dù chưa có điều tra chính thức, nhưng hiện có trên 40% lao động đánh bắt hải sản có kinh nghiệm đã chuyển lên bờ làm nghề khác...
Vi phạm vẫn tràn lan
Theo ông Nguyễn Trí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và BVNLTS Nghệ An, tình hình khai thác bất hợp pháp tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp.
Hoạt động đánh bắt sai vùng khai thác của các phương tiện; sử dụng mìn, kích điện để đánh bắt làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng hệ sinh thái vẫn còn ở một số nơi.
Một số phương tiện dùng giã kéo gắn với lưới bừa, lồng bẫy bát quái để khai thác vùng hải sản ven bờ, khiến nguồn lợi hải sản bị tận diệt.
"Trong vụ cá Nam 2015, các đội tàu kiểm ngư đã hoạt động kiểm tra, kiểm soát và đậu giám sát trên biển được 218 ngày, thì phát hiện 220 phương tiện vi phạm các quy định về khai thác thủy sản.
Lực lượng chức năng nhắc nhở 137 phương tiện, xử phạt 262,5 triệu đồng đối với 26 phương tiện vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản", ông Lương nói.
"Ngành thủy sản cần phải thay đổi tư duy, đó là thay vì quá chú tâm vào các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, cần chú trọng đầu tư vào khâu bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm", Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế cho rằng, để dự báo tốt trữ lượng và nguồn lợi hải sản của các vùng biển và ngư trường, chúng ta phải thu thập và xử lý nhật ký đi biển của các tàu.
Nhưng khi Sở đi thu thập được rồi lại thiếu các thiết bị, phần mềm chuyên dụng để phân tích, xử lý dữ liệu, vì thế nhật ký không phát huy được tác dụng.
Sở cũng đề nghị Bộ NN-PTNT quy định về trang bị tối thiểu cho một chiếc tàu khai thác hải sản, ví dụ như kho bảo quản đạt chuẩn, hệ thống đèn led… để đảm bảo hiệu quả của những chuyến đi biển của ngư dân.
Một vấn đề khác cũng đang nhức nhối ở Thừa Thiên - Huế, đó là việc quy định ranh giới khai thác thủy sản gần bờ.
“Nếu tàu thuyền cứ "càn quét" trong khu vực 1 - 2 hải lý ven biển thì cá con, cá giống, cá đẻ bị tiêu diệt hết. Thử hỏi, một con ghẹ chỉ bằng đầu ngón tay cái đã bị lôi lên bờ thì 10 năm sau còn gì cho chúng ta khai thác nữa”, ông Hùng bức xúc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định, việc khai thác vụ cá Nam năm 2015 được lồng ghép vào hoạt động triển khai quyết liệt Nghị định 67 và một số chính sách khác đã tạo động lực cho ngư dân yên tâm bám biển hơn.
Tuy nhiên, những khó khăn cơ bản của ngành thủy sản trong nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết, đó là chúng ta chưa có số liệu chính thức về dự báo trữ lượng và nguồn lợi hải sản tại các ngư trường và vùng biển.
Do đó, các cơ quan liên quan cần xúc tiến nhanh vấn đề này, sớm công bố để các tỉnh có cơ sở xây dựng chiến lược, sách lược phát triển ngành thủy sản, từ kiểm soát đóng mới tàu, chuyển đổi nghề khai thác thủy, hải sản phù hợp với trữ lượng và đối tượng hải sản; đồng thời có biện pháp bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả…
Có thể bạn quan tâm
Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk vừa tổ chức Đại hội đại biểu công nhân viên chức năm 2012. Trong năm qua, mặc dù gặp thời tiết bất lợi, vườn cây bị bệnh phấn trắng, giá cả vật tư tăng cao nhưng nhờ sự đoàn kết, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh nên Cty vẫn đạt được những thành tích cao.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNN, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sau khi giảm nhẹ trong tháng 1, vẫn tiếp tục ở xu hướng đi xuống trong tháng 2 này.
Sau khi NNVN đăng bài “Ứng xử ra sao với vacxin cúm gia cầm” của TS Bùi Quang Anh – nguyên Cục trưởng Thú y, nhiều lãnh đạo, chuyên gia trong ngành Thú y – chăn nuôi đã tiếp tục có ý kiến bày tỏ quan điểm về việc cần “ứng xử” và sử dụng vacxin như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay.