Giá / Mô hình kinh tế

Kết Nối Cung Ứng Giống Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Nuôi Tôm Ở Hà Tĩnh

Kết Nối Cung Ứng Giống Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Nuôi Tôm Ở Hà Tĩnh
Tác giả: 
Ngày đăng: 24/05/2013

Ngày trước, người nuôi tôm trong tỉnh Hà Tĩnh phải “khăn gói” vượt hàng trăm cây số đi mua con giống về thả. Giờ chỉ cần đặt hàng, đúng hẹn là các doanh nghiệp (DN) sản xuất có uy tín sẵn sàng chở con giống đến tận ao nuôi... Sự kết nối của DN với người dân không chỉ giải bài toán thiếu hụt về nguồn giống tại chỗ mà còn là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.

Đặt hàng, giống về tận ao!

Ông Trần Bách Quyền (Xuân Phổ - Nghi Xuân) vừa cho tôm ăn vừa kể: “Ngày trước, nuôi tôm vất vả lắm, khổ nhất là đi tìm mua con giống. Trong tỉnh chưa sản xuất được tôm giống nên cứ đến vụ nuôi là mấy anh em nuôi tôm trong xã rủ nhau “khăn gói” đi mua. Mỗi lần đi cũng mất dăm bảy ngày. Thế mà nhiều khi còn mua phải tôm giống giá cao, chất lượng kém... Bây giờ, giống tôm được các DN từ Nam chí Bắc cung ứng vào địa bàn tỉnh khá dồi dào. “Công ty Sản xuất giống tôm UP vừa vận chuyển 70 vạn con giống đến tận ao nuôi để tui kịp xuống giống 3 ao vào lúc 5h sáng. Trước khi thả giống khoảng 1 tháng, người nuôi tôm chỉ cần gọi điện đặt hàng cho đại lý cung ứng với số lượng giống cần mua. Đến ngày thả giống, Công ty vận chuyển con giống về tận ao nuôi đảm bảo cả số lượng và chất lượng theo yêu cầu”.

Ông Thanh - một chủ hộ nuôi “thâm niên” ở Xuân Phổ, cho biết thêm: “Trước đây, tôi mua giống trôi nổi trên thị trường. Đường xa, để vận chuyển được con giống về cũng rất kỳ công. Bởi vậy, chất lượng tôm giống không đảm bảo. Vài năm gần đây, qua nhiều nguồn kênh, tôi chọn mua tôm giống của Công ty TNHH Việt - Úc bằng hình thức đăng ký với nhân viên thị trường tại Hà Tĩnh. Qua nhiều vụ nuôi, giống tôm này đạt chất lượng, cho năng suất, sản lượng khá cao. Người nuôi tôm bây giờ cứ đặt hàng là giống về tận nơi, đỡ mất công, đi lại tốn kém.

Dịch vụ cung ứng con giống của các DN sản xuất giống đã phần nào bù đắp được tình trạng thiếu hụt về nguồn giống tại chỗ trên địa bàn tỉnh và tạo thuận lợi hơn cho người dân khi bước vào vụ nuôi. Ông Nguyễn Hữu Minh - cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: 2 năm trở lại đây, người dân nuôi tôm ở Cẩm Xuyên chủ yếu mua tôm giống của các “thương hiệu” như: Việt - Úc, CP, UP... Đây là những cơ sở cung ứng giống có uy tín trên thị trường trong cả nước. Mới đây, giống tôm của Công ty Thông Thuận trong tỉnh cũng được người dân nuôi tôm quan tâm, đặt hàng. Trên địa bàn Cẩm Xuyên, vụ tôm đầu năm nay, người dân đăng ký mua các loại con giống tại các cơ sở trên chiếm khoảng 80% diện tích nuôi của toàn huyện.

Lợi ích từ sự liên kết

Nhằm khẳng định thương hiệu, các DN sản xuất giống đều có chiến lược khẳng định uy tín trên thị trường; đặc biệt là tạo sự liên kết với người nuôi tôm để có cùng một lợi ích hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bước vào vụ nuôi, nhân viên thị trường của các công ty cung ứng giống trực tiếp đến tận các ao nuôi quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm tôm giống cho người nuôi tôm trên địa bàn khắp cả tỉnh. Cùng đó, thắt chặt mối liên kết bằng việc tổ chức những đợt tập huấn, hội thảo về kỹ thuật; đưa người dân đi tham quan các mô hình nuôi tôm bền vững. Đặc biệt, thường xuyên tư vấn cho các hộ nuôi tôm về những tiến bộ KHKT được áp dụng mang lại hiệu quả cao cho tôm nuôi...

Anh Nguyễn Văn Hùng - nhân viên thị trường tôm giống Việt - Úc cho biết: Công ty Sản xuất giống Việt - Úc có 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên cung ứng các loại tôm giống trên địa bàn cả nước. Công ty thường xuyên khuyến mãi cho khách hàng mua tôm giống; hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng tôm giống cho đến khi bắt đầu thả nuôi. Khi đặt hàng mua giống, người dân cần cung cấp thông tin về diện tích ao nuôi, màu nước cũng như độ pH để công ty tư vấn kỹ thuật nhằm thả giống an toàn, đảm bảo năng suất, sản lượng cho vụ nuôi. Với cách thức dịch vụ trên, Công ty Giống tôm Việt - Úc tuy mới “nhảy” vào thị trường Hà Tĩnh nhưng đến nay đã chiếm khoảng 50% thị phần nhu cầu tôm giống cả tỉnh.

Còn với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, DN chỉ cung ứng tôm giống với điều kiện ao đầm của người dân phải đảm bảo về quy trình cải tạo, môi trường ao nuôi. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, Công ty mới cung ứng con giống đến tận nơi, đồng thời trừ chiết khấu hao hụt cho người mua trong quá trình vận chuyển.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho rằng: Không chỉ đáp ứng được nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh, sự liên kết này góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng những vụ nuôi. Sự kết nối ngày càng bền chặt giữa các DN cung ứng tôm giống với người dân đang tạo động lực mới để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Tích Cực Phòng, Chống Bệnh Chổi Rồng Trên Cây Nhãn Ở Sóc Trăng Tích Cực Phòng, Chống Bệnh Chổi Rồng Trên Cây Nhãn Ở Sóc Trăng

Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.

24/05/2013
Nông Dân Tiền Phong Mất Mùa Đỗ Vì Mưa Nông Dân Tiền Phong Mất Mùa Đỗ Vì Mưa

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.

24/05/2013
Một Nông Dân Thuần Hóa Gà Rừng Một Nông Dân Thuần Hóa Gà Rừng

Ông Toái cho biết, 1 năm trước, thấy có người bán trứng gà rừng, ông mua về cho gà ri ấp. Chẳng bao lâu, gà rừng con nở và ông phát triển đàn từ đó. Sau khi bán hơn một nửa, hiện nay, đàn gà rừng của ông có hơn 40 con. Theo ông Toái, cùng một lứa, khi gà trống biết gáy (6 tháng), tháng sau gà mái cũng vào tuổi sinh sản. Gà rừng mái thường đẻ trứng ngoài bụi cây, lùm cỏ, ông Toái theo dõi, nhặt trứng về, rồi làm tổ, ép cho gà ri mẹ ấp.

24/05/2013