Giá / Tin thủy sản

Inulin ngăn chặn dịch bệnh thủy sản

Inulin ngăn chặn dịch bệnh thủy sản
Tác giả: Tuấn Anh - Theo SGS Aquatic Health, Chile
Ngày đăng: 05/06/2017

Với chiết xuất từ cây rau diếp xoăn, inulin nguồn gốc thực vật trở thành một nguồn phụ gia thức ăn bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay nhờ khả năng cải thiện sức khỏe vật nuôi rất hiệu quả.

Sử dụng prebiotics là một trong những cách thức bổ sung thức ăn chức năng phổ biến trong ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay nhằm mục đích cải thiện sức khỏe vật nuôi như tôm hoặc cá; tăng cường hoạt động của các enzyme tiêu hóa và cuối cùng là duy trì năng suất ổn định.

Theo Gibson 2010, prebiotic là hợp chất tiền sinh học (một thành phần của thức ăn không tiêu hóa được), có tác dụng làm dày niêm mạc thành ruột và là nguồn thức ăn giúp các vi sinh vật có lợi phát triển trong đường ruột của vật chủ. Prebiotic được chia làm hai loại: Loại 1 có nguồn gốc từ động vật (GOS) như chiết xuất từ lactose trong sữa bò, dê. Loại thứ 2 có nguồn gốc thực vật (FOS) - cấu trúc hóa học là liên kết giữa glucose và fructose, được chia làm hai loại mạch ngắn (oligofructose) và mạch dài (inulin). Oligofructose và inulin cũng được nhiều hãng dinh dưỡng nghiên cứu và sử dụng thử nghiệm rộng rãi trên các đối tượng vật nuôi thủy sản gồm tôm và cá.

Prebiotic nuôi thủy sản

Beneo là một trong những hãng tiên phong sản xuất inulin và oligofructose chiết xuất từ rễ cây rau diếp xoăn (chicory root). Trước đây, inulin đã được sử dụng thành công trong chế biến thực phẩm cho con người và cả phụ gia thức ăn chăn nuôi nhưng inulin của hãng Beneo bền vững hơn vì có nguồn gốc thực vật. Inulin và oligofructose được lên men có chọn lọc (oligofructose được lên men tại dạ dày, inulin tại ruột sau) và tạo ra một sự dịch chuyển của thành phần vi sinh. Bổ sung inulin và oligofructose vào thức ăn sẽ thúc đẩy có chọn lọc tăng trưởng của một số “vi khuẩn thân thiện”.

Qua thử nghiệm trên tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, cá tầm Stellate và cá hồi vân, các nhà nghiên cứu tại Beneo đã quan sát thấy sự thay đổi rõ rệt trong hệ vi sinh vật đường ruột sau khi bổ sung inluin và oligofructose vào thức ăn. Các axit béo chuỗi ngắn (SCFA) do hệ vi sinh vật sản sinh ra sau khi chất xơ từ rễ cây rau diếp xoăn lên men đã kích thích sự phát triển của các lông ruột. Độ pH trong đường ruột giảm cũng tạo ra môi trường sống bất lợi đối với các mầm bệnh. 

Thử nghiệm trong nuôi cá hồi Atlantic non

Hãng Beneo đã tiến hành nhiều thí nghiệm bổ sung inulin vào thức ăn chăn nuôi nhằm chứng tỏ khả năng cải thiện năng suất, sức khỏe đường ruột, hệ miễn dịch của loại chất này đối với cá hồi Atlantic non. Cụ thể: Cá hồi Atlantic non, trọng lượng trung bình 71 g/con được cho ăn thử nghiệm trong 60 ngày theo hai chế độ ăn khác nhau. Chế độ ăn thứ nhất gồm thức ăn thông thường và chế độ ăn thử nghiệm (đối chứng) được bổ sung inulin theo hai hàm lượng khác nhau (0,2% và 0,5%).

Kết quả sau 60 ngày cho thấy, tốc độ tăng trưởng tương đối (SGP) cao nhất được phát hiện thấy ở nhóm cá bổ sung 0,5% inulin. Nhìn chung, nhóm cá cho ăn bổ sung inulin có SGP cao hơn nhóm cá ăn thức ăn thông thường. Ngoài ra, nhóm cá được cho ăn bổ sung 0,2% và 0,5% inulin có hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) có lợi hơn cho vật nuôi. Tỷ lệ cá giống chết ở nhóm cá đối chứng cũng cao hơn (55,6%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm cá cho ăn bổ sung 0,2% inulin và 0,5% inulin lần lượt là 43,8% và 32,5%.

Bổ sung các prebiotics chiết xuất thực vật (cây rau diếp xoăn) theo tỷ lệ inulin 0,2% và tỷ lệ đặc biệt 0,5% vào thức ăn sẽ giúp vật nuôi thủy sản cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng năng suất và tăng sức đề kháng trước các bệnh dễ lây nhiễm.

Theo Beneo, bổ sung prebiotic như inulin và oligofructose trong thức ăn thủy sản là một giải pháp rất hữu hiệu mang lại lợi nhuận cho nông dân vì nó giúp vật nuôi khỏe mạnh, tăng trưởng tốt hơn và cuối cùng là tăng năng suất. 


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm nhà kính, năng suất tăng gấp đôi Nuôi tôm nhà kính, năng suất tăng gấp đôi

Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nhiều hộ gia đình ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã nâng số vụ nuôi tôm từ 2 lên 3 – 4 vụ/năm, khắc phục những bất lợi

05/06/2017
Thêm nhiều chuẩn cho cá tra Thêm nhiều chuẩn cho cá tra

Năm 2016, tổng diện tích nuôi cá tra thương phẩm đạt khoảng 5.000 ha, sản lượng xấp xỉ 1,2 triệu tấn; giá trị xuất khẩu cả năm trên 1,7 tỷ USD

05/06/2017
Phát triển nghề nuôi biển ở Ecuador Phát triển nghề nuôi biển ở Ecuador

Nghề nuôi tôm đã để lại nhiều hệ lụy môi trường, nên nuôi biển được coi là một giải phát triển thủy sản bền vững hơn.

05/06/2017