Giá / Tin nông nghiệp

Ì ạch chuyển lúa sang màu: Dân ngóng chờ tiền hỗ trợ

Ì ạch chuyển lúa sang màu: Dân ngóng chờ tiền hỗ trợ
Tác giả: Huỳnh Xây
Ngày đăng: 04/01/2016

Người chờ, người chưa biết 

Theo QĐ 580, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khi chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác như ngô, đậu nành, mè, đậu lạc, dưa, rau các loại trong các vụ xuân hè, hè thu, thu đông 2014 và đông xuân 2014-2015 sẽ được hỗ trợ tiền mua hạt giống.

 Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, cuối tháng 12, tại các địa phương thuộc tỉnh Trà Vinh, nhiều hộ dân chưa biết đến chính sách này.

Ông Thạch Sol –Trưởng Ban nhân dân ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết, do khu vực ấp thường thiếu nước tưới nên từ năm 2013, người dân đã chuyển phần lớn diện tích lúa sang trồng màu, trong đó nhiều nhất là cây ngô lai.

“Đến nay, người dân trong ấp vẫn chưa chưa nghe có chính sách hỗ trợ  mua cây hay hạt giống.

Chúng tôi chưa nghe đến QĐ 580.

Thú thực là tôi tự hỏi, có chính sách hỗ trợ tiền mua giống để chuyển đổi từ lúa sang cây màu thật hay không?” - ông Thạch Sol thông tin.

Một số người dân biết về chính sách trên thì cho hay, ngành chức năng “mời gọi” họ thực hiện chuyển đổi, nhưng khi chuyển xong thì nói “chưa có tiền về”.

Ông Huỳnh Văn Hai, ngụ xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết, gia đình ông đã chuyển 5.000m2 đất sang trồng dưa hấu và rau từ năm 2014 đến nay, nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Không riêng gì tỉnh Trà Vinh, nhiều người dân ở các địa phương như Thới Lai, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền...thuộc TP.Cần Thơ cũng gặp tình trạng tương tự.

Có hộ dân biết về chính sách nhưng chưa nhận được tiền trong khi có hộ chưa hề biết về chính sách này.

Khi được hỏi về QĐ 580, ông Lê Văn Sơn - người dân chuyên canh tác đậu nành ở ấp Trường Phú A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, bất ngờ nói: “Tôi không nghe lãnh đạo xã và ấp nói về chính sách hỗ trợ giống khi chuyển từ lúa sang màu.

Nếu có chính sách này thì thật tốt cho người dân chúng tôi vì được khuyến khích sản xuất, đặc biệt là chuyển từ cây lúa kém hiệu quả sang màu”.

Theo ông Trần Văn Phương (phường Phước Thới, quận Ô Môn), chính quyền địa phương có thông tin sẽ hỗ trợ tiền nông dân mua hạt giống mè nhưng “chờ mãi không thấy”.

Cũng như ông Phương, nhiều hộ dân ở phường Phước Thới – nơi có nhiều diện tích lúa chuyển sang mè hoặc luân canh 1 vụ lúa 1 vụ mè đang mỏi mòn chờ đợi tiền hỗ trợ mặc dù số tiền này không lớn (quy định chung là không vượt 2 triệu đồng/ha).

Bao giờ vốn mới về?

Được biết, ngoài Trà Vinh và TP.Cần Thơ chưa nhận được tiền hỗ trợ theo QĐ 580, các địa phương khác như An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… cũng chỉ vừa mới nhận được kinh phí và phát cho dân khoảng 1 tháng trước, trong khi đó QĐ 580 có hiệu lực từ 22.4.2014. 

Ông Huỳnh Văn Thảo – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết, đến nay vốn của Nhà nước theo QĐ 580 chưa rót về nên huyện chưa chuyển lại cho người dân, mặc dù huyện đã lên danh sách số hộ nông dân được hưởng đã từ lâu.

Cũng như huyện Trà Cú, ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đã có nhiều đề xuất lên tỉnh về việc hỗ trợ nhưng chưa được đáp ứng nguồn vốn.

“Tôi đã đứng ra vận động người dân chuyển đổi để nâng cao năng suất, hưởng chế độ ưu đãi, nhưng lại chậm trong việc hỗ trợ.

Đã có nhiều người dân, lãnh đạo xã phản ánh việc này, nhưng cũng đành chịu” – ông Lê Văn Phi - Phó phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang nói.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Trường Chinh – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính (Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh) thông tin: “Theo QĐ 580 thì tiền hỗ trợ do Bộ Tài chính duyệt, chuyển về, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được số tiền trên.

Tỉnh chưa cấp vốn hỗ trợ cho người dân do chưa có  tiền.

Trước đó, UBND tỉnh đã lập văn bản gửi Bộ Tài chính theo quy định” .

Theo tìm hiểu của phóng viên, lãnh đạo nhiều địa phương ở TP.Cần Thơ cũng đang khẩn trương đề xuất được cấp vốn để hỗ trợ nhanh cho người dân như đã hứa.

Ông Nguyễn Văn Dân – Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt cho biết: “UBND quận vừa đề xuất lãnh đạo thành phố có phương án hỗ trợ cho người dân.

Người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích lúa rồi nhưng chưa được hỗ trợ, nhiều lần tiếp xúc cử tri người dân cũng đã phản ánh”.

Bà Nguyễn Thị  Kiều – Phó  Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do ngành chức năng các địa phương tổng hợp, gửi danh sách người dân được hưởng muộn.

Hiện Sở NNPTNT TP.Cần Thơ đang đề xuất với các cơ quan có liên quan, khẩn trương đưa nguồn vốn về dân. 


Có thể bạn quan tâm

Bí quyết nuôi vịt sạch bệnh, bỏ vốn ít thu lời nhiều Bí quyết nuôi vịt sạch bệnh, bỏ vốn ít thu lời nhiều

Ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh, thời gian nuôi rút ngắn nhưng vịt tăng trọng tốt, đẻ trứng to, bỏ vốn ít thu lời nhiều… Đó là những nhận định của người dân các phương thuộc tỉnh Vĩnh Long khi thực hiện mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ATSH).

04/01/2016
Tác giả chất làm chín trái cây Ethephon lên tiếng Tác giả chất làm chín trái cây Ethephon lên tiếng

“Ethephon không độc” – đó là khẳng định của TSKH Trần Hạnh Phúc – Viện sinh học Nhiệt đới, tác giả Dự án cấp Nhà nước: “Sản xuất thử nghiệm ethephon – Dự án cấp Viện KH&CN Việt Nam”.

04/01/2016
Nông dân dính đòn phân bón giả nhiều chiêu trốn tránh trách nhiệm Nông dân dính đòn phân bón giả nhiều chiêu trốn tránh trách nhiệm

Nếu siết chặt thực hiện các quy định tại Nghị định số 202/2013 về quản lý, sản xuất phân bón; nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón quy mô nhỏ, lẻ tại TP.HCM sẽ bị “khai tử” vào đầu năm 2016. Đây là mong ước của hàng triệu nông dân, nhưng ai sẽ làm cho họ có niềm tin vào điều này?

04/01/2016