Huyện Điện Biên Đông Chăm Sóc Lúa Chiêm Xuân
Hiện nay, 80% diện tích lúa trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đang trong thời kỳ đẻ nhánh, diện tích còn lại trong giai đoạn tỉa giặm. Các cơ quan chức năng chỉ đạo nông dân tích cực chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh…
Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ chiêm xuân năm nay, Điện Biên Đông gieo cấy được 571ha (tăng 0,2% so với diện tích lúa chiêm xuân năm 2012). Vụ chiêm xuân năm nay, nông dân trên địa bàn được các cơ quan chức năng hỗ trợ trên 95% lúa giống phục vụ sản xuất. Trong đó, giống lúa cấp I (Bắc thơm số 7, IR64) được gieo trồng với diện tích lớn nhất (chiếm 70%); lúa lai Nhị ưu 838 (chiếm 5%)...
Sau thời gian gieo cấy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động và hướng dẫn nhân dân chăm bón, làm cỏ, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, điều tiết nước hợp lý. Những diện tích lúa sinh trưởng khá, có rễ trắng, lá lúa có màu xanh tươi, bắt đầu có lá mới và đẻ nhánh, nông dân thường xuyên giữ nước từ 2 - 3cm. Bón thúc kết hợp làm cỏ, sục bùn, phá váng làm cho mặt ruộng tơi xốp, thông thoáng, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển nhanh. Lượng phân bón cho loại lúa này là cân đối NPK (đạm, lân, ka ly) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với diện tích lúa sinh trưởng kém, nông dân bón bổ sung 5 - 7kg lân supe/360m2, kết hợp sử dụng các loại phân vi sinh trộn cát rắc xuống ruộng sau đó mới bón cân đối NPK. Do được gieo cấy đúng thời vụ, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, cùng với khí hậu ôn hòa, không có rét đậm, rét hại xảy ra, đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy nhiên hiện tại sâu bệnh, chuột đã bắt đầu hại lúa như: Bệnh vàng lá ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và phát triển 20ha lúa tại các bản: Pá Khôm, Pá Khoang (xã Luân Giói); bản La Nát, Pá Vạt (xã Mường Luân). Toàn huyện có trên 40ha lúa thiếu nước tập trung tại khu vực Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ.
Xác định, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị thế chủ đạo, do vậy trước khi bước vào sản xuất vụ chiêm xuân, UBND huyện Điện Biên Đông chỉ đạo cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn nhằm trang bị cho bà con cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, đặt các bẫy đèn theo dõi sự xuất hiện của sâu bệnh như: sâu cuốn lá, bọ xít, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng; cách phát hiện, bẫy chuột thủ công…
Đồng thời, hướng dẫn nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng cách, đảm bảo hiệu quả, an toàn. Cuối tháng 3 vừa qua, một số diện tích lúa ở địa bàn các xã: Na Son, Mường Luân, Luân Giói xuất hiện tuyến trùng rễ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nông dân trị bệnh, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây nên, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động sử dụng các nguồn vốn: vốn sự nghiệp thủy lợi; vốn Nghị quyết 30a/CP… tập trung kiên cố hóa kênh mương ở những vùng trọng điểm lúa. UBND huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa công trình Thuỷ lợi bản Chống Mông, xã Phì Nhừ; công trình thủy lợi bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân làm thủy lợi nội đồng; nạo vét hàng nghìn mét khối bùn, rác dưới lòng kênh mương… Hiện tại, gần 90% diện tích lúa chiêm xuân đảm bảo đủ nước tưới. Một số diện tích ruộng không đảm bảo nước cho lúa sinh trưởng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trạm Khuyến nông hỗ trợ nông dân giống cây màu các loại (ngô, đậu tương…) và kỹ thuật canh tác trên ruộng cạn góp phần ổn định cây lương thực có hạt.
Có thể bạn quan tâm
Ở giữa lòng thị trấn, nhưng chị Lê Thị Bích Ngọc, khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn (huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có một trại lợn rừng với số lượng gần 100 con và nuôi hoàn toàn theo quy trình bán hoang dã
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) thời gian qua đã nghiên cứu thành công nhiều giống cây trồng mới. NNVN giới thiệu 10 giống điển hình.
Anh Nguyễn Văn Thuyết là thầy giáo trẻ (35 tuổi, ở P.1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Do lương giáo viên thấp, không đủ trang trải chi phí gia đình nên anh tranh thủ thời gian nhàn rỗi, những buổi không đến lớp làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập. “Ban đầu tôi nuôi dê lấy thịt, sau đó nuôi nhím rồi chuyển sang nuôi chim bìm bịp để bán chim giống. Tuy nhiên, các vật nuôi trên chi phí cao và rủi ro cao, đặc biệt không hiệu quả kinh tế nên tôi bỏ nghề tay trái”, anh Thuyết cho biết.