Giá / Tin thủy sản

Hướng dẫn một số giải pháp nuôi tôm giảm giá thành

Hướng dẫn một số giải pháp nuôi tôm giảm giá thành
Tác giả: Hà Giang
Ngày đăng: 02/12/2019

Trong những tháng đầu năm 2018, giá tôm nguyên liệu đặc biệt tôm thẻ chân trắng ở Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung sụt giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn, thua lỗ ngay cả khi trúng mùa.

Những chi phí ảnh hưởng đến giá thành nuôi tôm. Ảnh: Tepbac

Một trong những nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp xuất khẩu bị cạnh tranh giá trên thị trường nên phải hạ giá thu mua tôm nguyên liệu gây ảnh hưởng đến người nuôi.

Một số giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm như sau:

Một là chi phí thức ăn: Chi phí thức ăn chiếm hơn 50% tổng giá thành ở tất cả mô hình nuôi từ bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh. Vì thế khuyến cáo bà con nuôi tôm cần quan tâm đến các vấn đề sau đây:

Nâng cao chất lượng thức ăn và giảm phụ thuộc vào thức ăn ngoài. Các hộ nuôi tôm cần phải liên kết lại với nhau thành lập các trang trại lớn hay Hợp tác xã để hợp đồng lấy thức ăn tại nhà máy mà không qua các đại lý, khi đó giá thành có thể giảm từ 10 - 30%; bà con nên chọn loại thức ăn đúng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng tốt; đồng thời, chọn cỡ thức ăn phải phù hợp với cỡ tôm, cân đối lượng thức ăn phải phù hợp với sản lượng tôm có trong ao nuôi để tận dụng hết nguồn thức ăn và ít tốn chi phí xử lý nước.

Quản lý thức ăn trong ao nuôi: Nếu quản lý ao nuôi tốt sẽ giảm lượng thức ăn thừa, FCR thấp, có thể tiết kiệm được 10-30% lượng thức ăn và cải thiện được chất lượng nước. Qua nghiên cứu cho thấy, để lượng thức ăn được sử dụng hiệu quả bà con nên chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần ăn trong ngày (6-7 lần/ngày) hoặc các hộ có đủ điều kiện nên lắp đặt hệ thống máy cho ăn. Nên nuôi chia 2-3 giai đoạn hoặc nuôi theo quy trình Biofloc,… sẽ tiết kiệm được lượng thức ăn đáng kể.

Quản lý chất lượng nước: Lượng oxy càng cao khả năng tiêu thụ thức ăn (khả năng bắt mồi) cao hơn so với oxy thấp. Do vậy, giải pháp cụ thể là lắp đặt hệ thống oxy trong ao thích hợp trong suốt thời gian cho ăn vẫn bảo đảm oxy cao bằng cách sục khí đáy đều trong ao sẽ giảm số máy quạt nước trong ao, tiết kiệm được điện năng.

Hai là chi phí tôm giống: Đối với nuôi thương phẩm chi phí giống chỉ chiếm 8-10% tổng giá thành sản xuất. Tuy nhiên, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của mô hình. Chất lượng tôm giống: bao gồm 02 vấn đề cần quan tâm đó là nhiễm mầm bệnh và tăng trưởng nhanh do yếu tố di truyền. Do đó các hộ nuôi cần phải đảm bảo tôm sạch mầm bệnh bằng kỹ thuật PCR và mô học kiểm tra trước khi thả giống.

Ba là chi phí hóa chất/thuốc bổ sung: Chi phí hóa chất, thuốc, chất bổ sung chiếm từ 5 -15% giá thành tôm sản xuất tùy thuộc vào mô hình nuôi. Do vậy, khuyến cáo người nuôi tôm nên liên hệ mua trực tiếp từ Công ty để nhận được giá rẻ. Chọn qui trình, công nghệ nuôi giảm sử dụng hóa chất xử lý, nên sử dụng chế phẩm sinh học và các hình thức xử lý khác như lọc sinh học và lọc cơ học,...

Bốn là chi phí năng lượng: Chọn các thiết bị phục vụ cho nuôi tôm tiêu thụ điện năng thấp và công suất phù hợp với điều kiện nuôi để tránh lảng phí điện năng. Chọn quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn là giải pháp tối ưu góp phần giảm chi phí năng lượng sử dụng. Đồng thời tận dụng nguồn năng lượng sinh học (như Biogas), năng lượng gió, năng lượng mặt trời…

Năm là chi phí lao động: Việc thay thế máy móc vào quy trình công nghệ thâm canh hóa sẽ giảm nhân công đáng kể. Người nuôi tôm cần có trình độ cao, do vậy khuyến cáo bà con phải thường xuyên tham gia các khóa đào tạo đủ về chất lượng.

Sáu là chi phí xây dựng: Xây dựng ao nuôi theo mô hình nuôi nhiều giai đoạn sẽ giảm chi phí xây dựng vì diện tích nhỏ năng suất cao, bền vững về môi trường và quản lý tốt hơn; Nên xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh che bằng lưới ít tốn kém, mang lại thành công hơn về mặt an toàn sinh học, năng suất, kiểm soát khí thải và kích thích được tảo phát triển, tôm thích ứng nhanh,…

Bảy là một số vấn đề khác góp phần giảm giá thành và hiệu quả kinh tế như:

Kích cỡ và tầng suất thu hoạch: Nên thu hoạch tôm ở kích cỡ lớn (30-40 con/kg đối với tôm thẻ) cùng với phương thức thu hoạch 3 lần (thu tỉa), cụ thể thu tỉa lần 1 ở kích cỡ tôm 80 con/kg 30% tổng sản lượng, tiếp tục thu tỉa lần 2 khi tôm đạt 40 - 45 con/kg 30% tổng sản lượng tôm và thu hoạch lần 3 (cuối cùng). Ưu điểm của phương thức thu hoạch này là tái tạo vòng quay vốn nhanh, hệ thống chuyển đổi thức ăn thấp, tôm tăng trưởng nhanh, ít chịu sức ép về môi trường và chi phí nhân công, chi phí thuốc hóa chất, năng lượng, chi phí thức ăn giảm đáng kể, giá bán cao và ít rủi ro.

Đầu tư về máy móc và thiết bị: Nên đầu tư thiết bị máy móc và công nghệ hơn là xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư máy móc cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải, cho ăn, giám sát hoạt động nuôi… tạo cho sự bền vững và ít phụ thuộc đến nhân công lao động phổ thông mang lại thành công cao hơn.

Chọn đối tượng nuôi phù hợp: Tôm sú là đối tượng nuôi về giá thành thương phẩm ít bị dao động và giá con giống rẻ hơn tôm thẻ chân trắng vì vậy tùy theo từng thời điểm và điều kiện có thể chuyển đổi đối tượng nuôi cho phù hợp với tình hình thị trường sẽ giảm bớt chi phí và lợi nhuận được cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân làm giàu từ mô hình nuôi tôm Combine Nông dân làm giàu từ mô hình nuôi tôm Combine

Mô hình giúp người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt được lợi nhuận lên tới 500 triệu đồng sau thu hoạch.

02/12/2019
Nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc Nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

Hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

02/12/2019
Nuôi cá lồng một vốn bốn lời Nuôi cá lồng một vốn bốn lời

Thương hiệu cá vùng thủy điện Sông Đà – Sơn La đã lan rộng uy tín, hình ảnh tới các tiểu thương khắp nơi như TP HCM, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai

02/12/2019