Giá / Tin thủy sản

HTX Tân Hưng: Thành công từ đổi mới phương thức sản xuất

HTX Tân Hưng: Thành công từ đổi mới phương thức sản xuất
Tác giả: Mai Trường
Ngày đăng: 21/12/2017

Cách đây 1 năm, HTX Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vẫn còn khoảng 90% thành viên thiếu vốn sản xuất; thì sau vụ nuôi năm 2017, nhiều thành viên đã có trong tay bạc tỷ, nhờ hợp tác hỗ trợ nhau cùng áp dụng mô hình nuôi tôm tiên tiến.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên tôm nuôi mau lớn, kích cỡ đồng đều   Ảnh: MT

Thành công vượi trội

Ngày 19/11, HTX Tân Hưng đang thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng (TTCT) cuối cùng sử dụng sáng kiến lót lưới mành đáy ao của Giám đốc Huỳnh Xuân Diện. Dù thời gian nuôi (kể cả giai đoạn ương 20 ngày) chỉ mới 75 ngày, nhưng tôm đã đạt kích cỡ 54 con/kg, nhưng Giám đốc Diện vẫn còn thấy tiếc: “Do độ mặn hiện tại chỉ còn khoảng 4 - 5‰, nên buộc phải thu hoạch vì tôm bắt đầu chậm lớn, nếu không, chỉ khoảng 2 tuần nữa thôi là có thể thu tôm cỡ 30 con/kg”.

Thay vì nuôi bạt đáy như mọi năm, năm nay, anh Diện có sáng kiến thử nghiệm thay bạt đáy bằng loại lưới mành để giảm chi phí và cả 3 ao (1.600 m2/ao) đều thành công lớn. Anh Diện chia sẻ: “Nếu sử dụng bạt đáy, mỗi ao tốn khoảng 60 triệu đồng, còn sử dụng loại lưới mành này chỉ tốn 16 triệu đồng, nhưng mật độ thả nuôi, tốc độ tăng trưởng và năng suất thì vẫn như nhau”. Chỉ ao tôm đang thu hoạch, anh Diện cho biết: “Như ao này, mặc dù độ mặn xuống thấp, nhưng cũng chỉ 75 ngày tôm đã vào cỡ 54 con/kg, sản lượng ước tính nếu kéo hết cũng khoảng từ 4 tấn trở lên”.

Cũng theo anh Diện, HTX hiện có 60 thành viên, với 60 ha mặt nước nuôi TTCT thâm canh và bán thâm canh với mật độ thả nuôi 200 - 250 con/m2, nguồn con giống chủ yếu là của Công ty Nam Miền Trung và Công ty Nam Mỹ Quân, còn thức ăn là của Công ty Việt Hoa. Tất cả đều nuôi 2 giai đoạn, có ao ương riêng và sang ao bằng kỹ thuật sang khô. “Nhờ nuôi 2 giai đoạn, nên chỉ cần 75 ngày là tôm thu hoạch đạt cỡ 50 - 60 con/kg, do đó mỗi năm có thể thả nuôi đến 4 vụ. Theo tổng kết sơ bộ, năm nay hầu hết người nuôi đều có lời, người lời cao nhất trên 800 triệu đồng/vụ, còn người thấp nhất khoảng 200 triệu đồng/vụ” - anh Diện phấn khởi chia sẻ thêm.

Liên kết cùng phát triển

Khi thành lập vào tháng 10/2016, các thành viên HTX Tân Hưng đều là những người nuôi tôm có kinh nghiệm, kỹ thuật lâu năm, nên việc tiếp cận, cập nhật mô hình nuôi mới cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do từ năm 2015 trở về trước, tình hình nuôi không mấy khả quan, nên có nhiều thành viên HTX thiếu vốn, khiến cho việc huy động vốn làm dịch vụ còn khó. Mặt khác, nguồn điện ở đây rất kém, nên việc triển khai nuôi thâm canh, mật độ cao, nhất là nuôi theo công nghệ Biofloc còn khó và chi phí cao.

Điểm mới trong mô hình nuôi là HTX thử nghiệm thành công trên 3 ao nuôi bằng phương pháp lót lưới mành toàn bộ ao nuôi thay cho lót bạt. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí đầu tư theo anh Diện, hình thức nuôi này còn giúp cho ao không bị đục do tôm không thể sục xuống bùn đáy ao để tìm kiếm thức ăn. “Ngoài tiết kiệm chi phí, ao nuôi không bị đục, qua thử nghiệm 3 vụ nuôi, tôi thấy tôm cũng rất mau lớn và màu sắc đẹp, đại lý thu mua rất thích, sẵn sàng trả giá cao”. Mặt khác, do không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, nên giá bán tôm luôn cao hơn bên ngoài khoảng 3.000 đồng/kg.

Trong vụ nuôi vừa qua, dù nguồn vốn hạn chế, nhưng HTX cũng hỗ trợ được cho thành viên của mình mua con giống, thức ăn đến cuối vụ mới trả, nhưng vẫn rẻ hơn bên ngoài 1.000 đồng/kg đối với thức ăn và 10 - 15% đối với con giống. Ngoài ra, con giống cũng được phía doanh nghiệp cung ứng bảo hành trong 30 ngày, nếu có thiệt hại sẽ được phía doanh nghiệp hoàn trả 100%.

Trao đổi về tình hình liên kết trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc HTX Huỳnh Xuân Diện cho biết: “Cũng có nhiều doanh nghiệp tìm đến muốn liên kết với HTX, nhưng qua tìm hiểu, thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ. Do đó, HTX cũng có trao đổi với UBND tỉnh để tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX được liên kết với các doanh nghiệp lớn trong cung ứng đầu vào lẫn đầu ra trong thời gian tới”. Hiện nay, vụ nuôi năm 2017 đã kết thúc, các thành viên HTX tranh thủ cải tạo lại ao nuôi, chờ con nước có độ mặn cao tới là thả nuôi vụ mới.

>> Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX Tân Hưng: Trong vụ nuôi năm 2018, HTX đặt mục tiêu nâng số ao nuôi lót lưới mành lên 200 ao để giúp các thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả. Theo đó, nếu thuận lợi như năm nay, trong vụ nuôi tới, HTX sẽ có sản lượng tôm 2 - 3 nghìn tấn, đủ để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ.


Có thể bạn quan tâm

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE

Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng

21/12/2017
Tôm sinh thái nâng cao vị thế tôm Việt Tôm sinh thái nâng cao vị thế tôm Việt

Mô hình nuôi tôm sinh thái xuất hiện ở Cà Mau cách đây chỉ vài năm, nhưng đã nhận được hỗ trợ từ các dự án và các tổ chức quốc tế.

21/12/2017
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản Biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản

Ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, mùa mưa ngày càng đến trễ hơn, lượng mưa giảm trong khi mùa nóng ngày càng nóng hơn, độ mặn gia tăng

21/12/2017