Hợp Lực Cứu Ngành Cá Tra
Doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu được xếp vào nhóm DN đang gặp khó khăn của TP Cần Thơ và đang cần sự hỗ trợ. Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng với DN mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, ngành cá tra đang trong tình trạng khủng hoảng thừa, và vấn đề này cần giải quyết từ gốc.
Khủng hoảng thừa
Tính đến cuối tháng 6-2012, diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố ước khoảng 2.352 ha (diện tích nuôi cá tra 786 ha), đạt 15,9% kế hoạch và giảm 60% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 75.980 tấn (sản lượng cá tra trên 66.330 tấn), đạt hơn 43,4% kế hoạch. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra đang gặp khó khăn do giá cá nguyên liệu liên tục lao dốc và thị trường tiêu thụ không ổn định. Giá cá tra đã chạm đáy nhưng làm sao để nông dân bán được cá là vấn đề lớn. Với đà này, khả năng mở rộng vùng nuôi trong thời gian tới rất mong manh”. Đầu năm 2012, giá cá tra nguyên liệu từ 26.000 - 27.000 đồng/kg, đến đầu tháng 6 giảm còn 22.000 đồng/kg và hiện tại là 18.000 - 19.000 đồng/kg. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá cá tra đã giảm khoảng 8.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi lỗ từ 400 - 500 triệu đồng/100 tấn cá tra.
Những tháng đầu năm 2012, các ngân hàng đồng loạt siết chặt tín dụng, trong khi DN “khát” vốn. Một số DN cho rằng, lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước quy định vẫn chưa tương xứng so với khả năng tạo ra đồng lời từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đó là chưa kể phần lớn các hợp đồng tín dụng mà DN vay trước thời điểm giảm lãi suất đã ở mức 20-22%/năm, DN đang trong tình trạng nợ đến hạn, quá hạn nên không thể tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, cho biết: “DN đang phải đối mặt một bên là ngân hàng giảm hạn mức và một bên là các đối tác, nông dân hối thúc thanh toán bằng tiền mặt. Thời điểm này nhu cầu nhập khẩu giảm, sức tiêu thụ đang ở mức thấp điểm nhất. Trong khi đó, các DN nhập khẩu lại tiếp tục áp dụng hình thức trả chậm đối với DN Việt Nam...”.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân đẩy con cá tra vào thế “túng quẫn” như hiện nay là do tình trạng DN “chiếm dụng” vốn của nông dân nuôi cá kéo dài trong nhiều năm qua. Thực tế, DN mua cá của nông dân chủ yếu thanh toán theo hình thức trả chậm. Trong khi người nuôi cá phải đi vay ngân hàng và cùng lúc phải gánh 2 đầu lãi suất (nợ cũ và nợ mới) khiến người nuôi cá lâm đường cùng.
Tìm “bệ đỡ”
Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn không mạnh dạn cho DN vay vốn là do tình hình tài chính của DN thiếu minh bạch và DN không đủ tài sản thế chấp. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: phương án kinh doanh không khả thi, thiếu vốn tự có tham gia dự án khi vay vốn và lãi suất quá cao là những cản ngại khiến DN khó vay vốn. Thời gian qua, vấn đề hạ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tháo gỡ quyết liệt thông qua việc ban hành các thông tư, chỉ thị, công văn... Ông Ngọc cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố thì ở góc độ địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN dễ dàng hơn trong khâu tiếp cận vốn, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trên thực tế, vốn đầu tư nuôi cá tra rất lớn, tình trạng phát triển quá “nóng” về diện tích nuôi cá tra nguyên liệu, rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá... đã tác động mạnh đến DN, lẫn người nuôi cá tra. Từ năm 2008 đến nay, ngành cá tra luôn đối mặt với khó khăn, thách thức, người nuôi và DN đều thiếu vốn tái đầu tư, tình trạng “tranh mua tranh bán” của một số DN chưa được kiểm soát và giải quyết dứt điểm đã trở thành lực cản lớn để vực dậy, phát triển ổn định ngành cá tra. Cùng ngần này thời gian với rất nhiều giải pháp được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, Hiệp hội đưa ra như dãn diện tích nuôi, số hóa vùng nuôi, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất... để kiểm soát chất lượng; áp dụng giá sàn đối với thị trường Nga để làm nền tảng cho các thị trường khác... nhưng dường như chưa thể giải quyết được “căn nguyên” của ngành cá tra.
Theo đề xuất của các địa phương vùng nuôi cá tra, cần nhanh chóng xây dựng được thương hiệu cho cá tra- sản phẩm độc quyền của Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi từ khâu quy hoạch đến khâu nuôi, chế biến; đồng thời đẩy mạnh cải tiến chất lượng nguồn giống cá. Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần có cơ chế quản lý thị trường cá tra theo hướng cạnh tranh lành mạnh, áp dụng giá sàn để loại bỏ dần cách làm ăn đơn lẻ, xử lý nghiêm tình trạng “tranh mua tranh bán” của một số ít DN... Có như vậy, sản phẩm cá tra Việt Nam mới mặc cả giá trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Giá cà phê và tiêu ở nhiều địa bàn như Lâm Đồng, Đăk Lăk Bình Phước… đang có chiều hướng giảm. Đi liền đó là hiện tượng không ít diện tích tiêu đang bị bệnh, năng suất giảm đáng kể khiến nông dân vô cùng sốt ruột.
Ngày 20.4, ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Bình Dương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, địa phương đang vào vụ thu hoạch ớt vụ đông xuân 2011- 2012.
Phần lớn lúa đông xuân niên vụ 2011-2012 đang còn ở trên đồng, nhưng nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã lại nôn nóng xuống giống lúa vụ xuân hè (hè thu sớm) trên diện tích lớn. Và một diện tích lớn vụ này đã sớm bị nhiễm rầy nâu.