Hòa An Đẩy Mạnh Cơ Giới Hóa Sản Xuất Nông Nghiệp
Để khai thác hiệu quả hơn 6.900 ha đất canh tác, tăng hệ số quay vòng đất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, mấy năm gần đây, huyện Hòa An đã huy động vốn từ các chương trình, dự án và nhân dân mua các loại thiết bị, máy móc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.
Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể hướng dẫn nhân dân vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện gần 10 tỷ đồng, huy động từ Chương trình 135 hơn 1 tỷ đồng, nhân dân tự bỏ vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng mua máy, nâng tổng số máy cày bừa toàn huyện lên 5.056 chiếc. Nông dân vùng đồng sử dụng máy cày bừa phục vụ sản xuất đạt trên 85%, vùng khó khăn 70%. Ngoài ra, Hòa An hiện có 4.720 máy tuốt lúa, 6 máy gặt đập liên hợp.
Đồng chí Lưu Văn Bách, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An cho biết: Từ việc huy động các nguồn vốn lồng ghép và dân tự đầu tư mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, toàn huyện đã cơ bản cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Người dân sử dụng máy đã tăng năng xuất lao động, tiết kiệm được nhiều thời gian để đầu tư cho việc thâm canh, tăng năng suất cây trồng, thúc đẩy chương trình sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp của huyện.
Thực tiễn cho thấy, chương trình sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp của huyện Hòa An bước đầu đã tạo ra một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại thu nhập cho nông dân khá cao và ổn định, như: Vùng sản xuất thuốc lá nguyên liệu tại các xã: Nam Tuấn, Đức Long, Dân Chủ; vùng trồng ớt xuất khẩu tại các xã: Hồng Việt, Bình Long, Đức Long; vùng sản xuất khoai tây tại các xã: Bế Triều, Hoàng Tung; vùng sản xuất sắn nguyên liệu tại các xã: Hồng Nam, Hà Trì, Quang Trung; vùng sản xuất ngô, lúa tập trung tại vùng lòng máng sông Bằng..., đưa giá trị sản xuất trên lên 50 - 100 triệu đồng/ha, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ, quảng canh, năng suất thấp thành sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, năng suất cao, có lợi thế cạnh tranh với các vùng khác, tăng thu nhập cho các hộ nông dân.
Huyện đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hợp đồng bao tiêu sản phẩn hàng hóa nông, lâm nghiệp. Đã có 9 doanh nghiệp đầu tư thu mua, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá lá nguyên liệu, 2 doanh nghiệp đầu tư thu mua ớt xuất khẩu, khoai tây, góp phần khuyến khích nhân dân yên tâm sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, huyện Hòa An tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương tích cực chủ động thâm canh tăng năng suất cây trồng; coi trọng việc đầu tư thiết bị máy móc đưa vào sản suất nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tăng vòng quay của đất.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen hiệu quả trong vườn dừa, với việc lựa chọn cây trồng xen, vật nuôi xen thích hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh.
Đến thăm nhà anh Ba Kiên (Võ Trung Kiên), 58 tuổi, ở xã Phước Vinh, chúng tôi ghi nhận mô hình làm ăn mới của nông dân thời hội nhập. Anh tổ chức sản xuất nề nếp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững. Anh là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu trên đồng đất Bảo Vinh.
Những ngày đầu tháng 10, trong chuyến công tác tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), tôi đến thăm mô hình nuôi cá tầm của HTX Hạnh Lợi ở bản Nặm Uôn, xã Chiềng Ơn. Thật bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy những con cá tầm, loài cá chỉ thích nghi ở vùng nước lạnh lại sống khỏe mạnh, phát triển tốt ngay trên hồ thủy điện Sơn La.