Hỗ Trợ Sản Xuất Rau Sạch, Thịt Sạch
Trong dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, một trong những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu và thị trường sản xuất rau sạch và thịt sạch.
Dự thảo quy định doanh nghiệp sản xuất rau sạch và thịt sạch được hỗ trợ chi phí đóng nhãn mác và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn, với mức 200.000 đồng/tấn rau sạch, thịt sạch, thời gian hỗ trợ là 3 năm, tính từ năm nhận hỗ trợ.
Trong lộ trình từ nay đến hết năm 2015, tất cả địa điểm bán sản phẩm rau và thịt tại địa bàn thành phố chỉ cho phép bán các loại thịt sạch và rau sạch của các doanh nghiệp đã đăng ký nhãn mác và tiêu chuẩn sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền.
Thời điểm cụ thể bắt buộc cho mỗi điểm, địa bàn bán rau sạch và thịt sạch tại các chợ, siêu thị, cửa hàng… do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Nhà nước khuyến khích các địa phương thực hiện sớm lộ trình này.
Hỗ trợ các dự án chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn gốc thực phẩm sạch, dự thảo dự kiến hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước có dự án thuộc danh mục lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn chăn nuôi lợn có quy mô chuồng trại nuôi tập trung trên 1000 con/năm với mức 3 tỷ đồng/1.000 con/cơ sở.
Các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò thịt cao sản có quy mô trại nuôi tập trung quy mô trên 400 con được hỗ trợ là xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, xử lý môi trường, giao thông, chuồng trại được hỗ trợ tính theo quy mô là 2 tỷ đồng/400 con…
Đối với các dự án nuôi thủy, hải sản tại các vùng biển, các sông hồ lớn nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy, hải sản dự thảo dự kiến hỗ trợ chi phí lồng, bè đạt chuẩn với mức 30 triệu/100 m3 lồng đạt tiêu chuẩn, nuôi tại các vùng biển cách xa bờ 3 hải lý trở lên, diện tích mặt biển được thuê phù hợp với khả năng nuôi hải sản nhưng không quá 500 ha/dự án và thời gian thuê mặt biển không quá 50 năm. Còn các dự án nuôi trồng trên sông, hồ, vùng biển gần bờ hỗ trợ 5 triệu đồng/100 m3 lồng.
Đồng thời, dự thảo quy định, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung được hỗ trợ 3 tỷ đồng/quy mô khi có một trong các quy mô: Giết mổ trên 500 con gia súc/ngày; giết mổ trên 5000 con gia cầm/ngày hoặc giết mổ trên 250 con gia súc/ngày và trên 2500 con gia cầm/ngày.
Hiện ngành chăn nuôi đang đóng góp cho GDP nông nghiệp từ 25% đến 28% với khoảng 70% hộ nông dân liên quan đến chăn nuôi.
Trung bình một số năm vừa qua, sản lượng thịt trâu bò: khoảng trên 405.000 tấn/năm, sản lượng thịt lợn hơi: khoảng 3,2 triệu tấn/năm. Sản lượng thịt gia cầm: đạt trên 700.000 tấn/năm.
Tuy nhiên hiện nay xu hướng suy giảm về quy mô ngành chăn nuôi trong một số năm gần đây (đặc biệt là chăn nuôi lợn), tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn cung cấp lợn thịt làm thực phẩm cho tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Đó là khuyến cáo mới nhất của các nhà khoa học trước thực trạng, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Bắc đang có xu hướng mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, 63 tuổi ở xã Hộ Hải, (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3,5 sào đìa của gia đình.
Những năm trở lại đây, giống Cà tím Nhật đang được nhiều nông dân ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) trồng và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ nhanh, ngoài ra còn xuất khẩu sang Nhật.