Hiệu Quả Từ Phát Triển Kinh Tế Trang Trại
Bất cứ ai có dịp về thăm mô hình chăn nuôi lợn nái kết hợp trồng bưởi của gia đình chị Mầu Thị Yến - thôn Tam Hợp, xã Cát Quế (Hà Nội), đều không khỏi ngỡ ngàng trước hiệu quả trong phát triển. Đây là mô hình mẫu cho nhiều cá nhân trong và ngoài địa phương đến học tập.
Khởi nghiệp từ năm 2006 trên diện tích 200m2 chuồng trại, chị Yến đầu tư mua 20 con lợn nái với tổng nguồn vốn ban đầu 80 triệu đồng. Năm đầu tiên, đàn lợn nái của chị cho hơn 200 con giống nhưng hiệu quả thực sự lại chưa cao. Nhưng, chị Yến không nản chí, với sự động viên từ gia đình, chị không ngừng học hỏi từ các xã lân cận để tìm được hướng đi ổn định, hiệu quả.
Năm 2010, được sự hỗ trợ cho vay 300 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, chị đã mạnh dạn mở rộng diện tích chuồng trại, nhập thêm 60 con lợn giống. Đến nay, trang trại của chị Yến đã có quy mô trên 3.600m2 với tổng số hơn 1.000 con lợn, tương đương từ 15 - 20 tấn thịt, trong đó có 200 con lợn nái. Để đàn lợn phát triển đồng đều, chị chia chuồng trại làm 5 dãy khép kín với hệ thống điện nước đầy đủ.
Qua đó, mỗi năm gia đình chị xuất bán hơn 1.200 con lợn thương phẩm, trọng lượng từ 80 - 100kg/con và hơn 4.600 con lợn giống, mỗi con nặng từ 6 - 7kg. Với giá bán bình quân lợn thương phẩm từ 30.000 - 31.000 đồng/kg và 500.000 - 1.000.000 đồng/kg lợn giống, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị lãi từ 300 - 500 triệu đồng. Hiện, với việc xây dựng 2 hầm biogas (25 - 30m3/hầm), gia đình chị cũng là mô hình tiên phong trên địa bàn xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi.
Chất lượng thịt lợn được đảm bảo, phòng ngừa dịch bệnh, môi trường chăn nuôi được giám sát, gia đình chị còn sử dụng nước thải chăn nuôi qua xử lý để tưới cây và tận dụng nguồn phân hữu cơ để bán, với giá bán 10.000 đồng/bao. Ngoài ra, gia đình chị còn phát triển trồng bưởi Diễn trên diện tích 6.000m2 với trên 200 cây cho thu nhập hàng năm ước đạt gần 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế cho biết, toàn xã hiện có hơn 80 hộ chăn nuôi, trong đó có khoảng 15 hộ chăn nuôi hơn 50 con và gần 200 hộ trang trại trồng bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao, gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa truyền thống.
Tuy nhiên, hiện các mô hình trang trại trên địa bàn đều tự phát, nhỏ lẻ; thị trường chăn nuôi không ổn định khiến giá trị chăn nuôi giảm, thiếu vốn đầu tư chuồng trại khép kín khiến chất lượng không cao, môi trường bị ảnh hưởng đang là những khó khăn thường trực của các hộ dân. Nhằm khắc phục các trở ngại đó, xã tập trung tuyên truyền nhân rộng mô hình của chị Yến, phối hợp với các ban, ngành tạo điều kiện cho nhiều hộ trang trại trên địa bàn có cơ hội tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tăng cường trao đổi kinh nghiệm.
Đồng thời, xã mong muốn huyện và TP hỗ trợ nguồn lực giúp các hộ dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đưa những chính sách bền vững giúp người dân giữ được nghề nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bà con tập trung xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 5 đến ngày 25-5-2013 để né rầy, sâu bệnh và thời tiết. Nhưng thực tế, cho đến bây giờ, bà con ở Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm mới chỉ dọn đất và chờ “mưa già”, vì nước còn mặn.
Có thế mạnh trong xuất khẩu nông sản, song nhiều năm qua, ngành chăn nuôi nước ta lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... Ðây là một nghịch lý, khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước liên tục biến động, gây bất lợi cho người chăn nuôi. Bởi thế, việc chủ động sản xuất TĂCN từ nguyên liệu trong nước là giải pháp hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Ngày 26/7, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) phối hợp với UBND xã Tân Dân hợp đồng với Công ty TNHH Trường Thịnh thả hơn 3,3 triệu con sú giống cho 46 hộ dân.