Hiệu Quả Từ Mô Hình “Ruộng Lúa Bờ Hoa”
“Ruộng lúa bờ hoa” là cách gọi dân dã của nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền khi nói về mô hình trồng lúa theo Chương trình “Ứng dụng công nghệ sinh thái trong việc quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên cây lúa”. Mục đích của việc trồng hoa là thu hút thiên địch ký sinh và ăn mồi đến cư ngụ, chúng sẽ trực tiếp tấn công các loài sâu rầy hại lúa mà không cần phun thuốc hóa học.
Qua áp dụng thử nghiệm trên diện tích 10ha tại HTX An Nhứt, huyện Long Điền, cho thấy mô hình rất dễ thực hiện, hoa được trồng trên bờ chủ yếu là những loài cây có hoa, có mật ngọt, hương thơm, màu sắc sặc sỡ như: trâm ổi, sao nhái, lạc dại, mè, đậu bắp, đậu xanh... Đây đều là những giống cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc và cho nhiều hoa.
Sau 2 vụ triển khai, tại những diện tích trồng lúa ứng dụng mô hình này, các loại sâu bệnh, nhất là rầy nâu gây bệnh vàng lá, lùn xoắn lá giảm rõ rệt, nông dân giảm được 4 đến 5 lần phun thuốc trừ rầy và sâu cuốn lá nhưng lại đạt năng suất cao từ 5- 6 tấn/ha.
Bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Ở hai vụ lúa, những cánh đồng thực hiện mô hình ruộng lúa bờ hoa đều không phải sử dụng thuốc trừ sâu rầy nào hết. Nếu những cánh đồng không thực hiện mô hình thì bà con vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.”
Song song với việc giảm được sâu bệnh, việc ứng dụng công nghệ sinh thái còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các ruộng thông thường khoảng 800 ngàn đồng/ha/vụ, chủ yếu là do nông dân giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Việc trồng hoa trên bờ ruộng đã tạo được một hệ sinh thái ruộng lúa khỏe mạnh giúp dẫn dụ được thiên địch, tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái lúa. Từ kết quả khả quan đạt được, trong vụ hè thu sắp tới, việc áp dụng mô hình sẽ rộng rãi hơn tại các địa phương trong tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu.
Với các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa theo mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" này đã có từ lâu và bí quyết thành công tùy thuộc vào yếu tố hưởng ứng tham gia của cộng đồng vì khi triển khai mô hình đòi hỏi phải áp dụng trên một diện tích rộng, toàn bộ nông dân phải tham gia. Mô hình áp dụng tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là bước đột phá mới trong việc giúp nông dân áp dụng công nghệ sinh học trên đồng ruộng, tạo sự thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Dầu khoáng (dầu mỏ) là nguồn chủ yếu cung cấp năng lượng cho các ngành SX và sinh hoạt của con người. Do dầu khoáng có tác dụng diệt sâu tốt, không độc hại với người và môi trường, nên người ta còn sử dụng làm thuốc trừ sâu hại cây trồng.
Năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông Tuyên Quang đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học và áp dụng VietGAP tại 15 hộ nông dân thuộc xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn. Số lượng gà giống Ri Lai của mô hình là 3.200 con, bình quân mỗi hộ nuôi từ 150 đến 200 con, có hộ nuôi tới 300 con
Gần một năm nay, dựa vào cái nắng khá gay gắt ở vùng đất Tây Ninh này, anh Trần Văn Quân (34 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã cải thiện được kinh tế gia đình bằng nghề nuôi dông - một loài bò sát chỉ có ở các tỉnh miền Trung đầy cát và nắng gió.