Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Nhện Ở Bình Dương
Nhắc đến tên của loài rắn này, không ít người nghĩ rằng đây là loài rắn độc, rất khó gần chứ nói gì đến việc thuần chủng, nuôi nhốt. Vậy mà hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (Bình Dương) đã chọn nuôi bởi lợi nhuận rất cao. Tính trung bình, người nuôi lãi ròng khoảng 1 triệu đồng/con/năm.
Lợi nhuận cao
Căn nhà khang trang của anh Nguyễn Văn Của nằm lọt giữa vườn cao su rộng. Với hơn 3 mẫu cao su đang khai thác, mỗi ngày anh Của thu về không dưới 1 triệu đồng, nhiều người nói anh “ngồi không cũng ăn không hết của”, vậy mà nghe đến lợi nhuận của loài rắn hổ nhện anh không thể làm ngơ. Anh cho biết, hiện ở Tây Ninh rất nhiều gia đình chọn vật nuôi này để phát triển kinh tế. Khoảng giữa năm 2011, khi lên tham quan, anh đã mua về 30 rắn con nuôi thử. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không thể tránh khỏi những hao hụt. Số rắn còn lại khoảng 20 con hiện phát triển rất tốt, đa phần đạt trọng lượng trên 2 kg/con. Với mức giá hiện tại là 900.000 đồng/kg, tổng số rắn của anh Của có giá khoảng 40 triệu đồng. Theo tính toán của anh, sau một năm đầu tư người nuôi lãi thấp nhất 1 triệu đồng/con.
Thấy lợi nhuận từ loài rắn này rất cao nên mới đây anh Của đã đầu tư 50 triệu đồng xây một trại rắn nhỏ, bên trong chia làm 14 lồng nuôi rắn khá kiên cố. Anh cho biết: “Diện tích mỗi lồng khoảng 2m, nuôi được 20 con. Như vậy, bỏ ra 50 triệu đồng tiền đầu tư chuồng trại, có thể nuôi được khoảng 300 con. Mô hình này thích hợp cho những gia đình có diện tích đất nhỏ. Tuy nhiên, trước khi nuôi phải được ngành chức năng cấp phép”. Cũng như bao người khác, khi lần đầu nghe đến tên của loài rắn này, anh Của cứ tưởng đây là loài rắn cực độc, nguy hiểm, nhưng thực ra không phải vậy. Hắn hổ nhện rất hiền, có thể dùng tay bắt, sờ. Lâu lâu mới bị cắn một lần, nhưng chúng không có độc tố nên không phải lo lắng.
Dễ nuôi
Anh Của tỏ ra khá am hiểu về loài rắn này. Anh cho biết, những người từng nuôi qua rắn hổ nhện không bao giờ chọn mua con non về nuôi, mà chủ động mua trứng về ấp. Cách làm này vừa tiết kiệm được tiền, vừa tránh những mầm bệnh có thể làm chết rắn trong quá trình nuôi. Bởi rắn con đem bán đa phần là rắn dạt từ các trại. Hiện tại, giá mua tại Tây Ninh khoảng 90.000 đồng/trứng. Cách ấp trứng khá dễ, người nuôi chỉ cần bỏ cát vào lu, sau đó cho trứng vào rồi khỏa lên một lớp cát mỏng. Khoảng hơn 2 tháng trứng sẽ tự nở, sau đó chọn những con mạnh khỏe để phát triển.
Rắn con mới nở thường ăn những thức ăn nhỏ như bù tọt, loại này dễ tiêu hóa. Sau một tuần tuổi, rắn có thể ăn các thức ăn lớn hơn như nhái, ếch con. Và khi đã trưởng thành đạt trên nửa ký/con, có thể mua gà con bị chết từ các trại gà về nhổ lông bỏ vào tủ lạnh rồi cho ăn dần. Trung bình, khoảng 2 ngày thì cho rắn ăn một lần. Nếu nguồn thức ăn dồi dào, có thể cho rắn ăn mỗi ngày một lần, ăn càng nhiều thì rắn càng nhanh lớn. Anh Của cho biết, khi xây dựng chuồng trại, người nuôi cần lưu ý phải đặt một mành tre giữa lòng để rắn trèo lên ngủ, sinh hoạt. Phải làm nắp đậy bằng lưới thép thông thoáng. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại để không phát sinh mầm bệnh. Sau một năm nuôi nhốt, rắn hổ nhện bắt đầu đẻ trứng, mỗi lần từ 10 - 20 trứng nên rất dễ nhân giống.
Để chủ động nguồn thức ăn cho rắn, anh Của đã đầu tư xây một dãy hồ để nuôi ếch, nhái cạnh trại rắn của mình. Ếch con chủ yếu để làm thức ăn cho rắn, ếch lớn đem bán ra thị trường. Với cách làm này, những tháng gần đây anh Của không tốn tiền mua thức ăn cho rắn, mà còn thu về khá tiền từ việc nuôi ếch. Mô hình đan xen giữa 2 loại vật nuôi này hứa hẹn sẽ đem về cho gia đình anh Của nguồn thu nhập khá cao.
Có thể bạn quan tâm
Khi mặt trời mới ló rạng ở đằng Đông, anh Hoàng Văn Thấu ở xóm Đồng Nghè 2, xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) đã thả đàn trâu vào rừng.
Trong khi giá lúa đang ở mức thấp khiến người trồng lúa không có lãi, thì các mặt hàng ngô (bắp), đậu tương (đậu nành) lại tiêu thụ khá tốt, giá cao vì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Ương giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu”, do thạc sĩ Phan Phương Loan, giảng viên Trường đại học An Giang làm chủ nhiệm.