Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Heo Kết Hợp Làm Túi Ủ Biogas Ở Tổ Hợp Tác Chăn Nuôi Heo "Mai Vàng"
Được sự hỗ trợ vốn và tập huấn khoa học – kỹ thuật từ Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển huyện Long Phú (Sóc Trăng) do tổ chức Actionaid (AAV) tài trợ, có 15 thành viên là nữ chủ hộ ở Tổ hợp tác chăn nuôi heo "Mai Vàng", xã Tân Thạnh có điều kiện làm túi ủ biogas để xử lý các chất thải trong chăn nuôi, biến chúng thành khí gas phục vụ đun nấu cho gia đình.
Hiệu quả thiết thực từ biogas
Vào một ngày đầu tháng 3-2014, chúng tôi cùng cán bộ Dự án AAV huyện Long Phú đến thăm mô hình chăn nuôi heo kết hợp làm túi ủ biogas của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi heo "Mai Vàng"), ngụ tại ấp Cái Quanh, xã Tân Thạnh.
Mở đầu câu chuyện, chị Huyền chia sẻ: "Ngày trước khi chưa làm túi ủ biogas, lượng phân heo và nước thải được thải trực tiếp ra sông ngòi, kênh rạch, ao mương quanh nhà… mà không qua xử lý nên làm ô nhiễm môi trường, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình.
Trước thực trạng trên, gia đình tôi được Dự án AAV huyện hỗ trợ cho vay không lãi suất số tiền 1,5 triệu đồng và trả trong 6 tháng (250.000 đồng/tháng) để tiến hành làm túi ủ biogas với đường kính 2,4 mét, dài 7 mét, hiệu quả bước đầu hết sức khả quan”. Dẫn chúng tôi ra thăm khu chuồng trại chăn nuôi, chị Huyền cho biết thêm: "Hiện trong chuồng còn 2 heo nái và 3 heo con, hàng ngày thải ra đủ lượng phân để làm biogas.
Cạnh chuồng là túi ủ biogas được bịt kín miệng, có ống dẫn khí chạy vào bếp để làm chất đốt. Từ ngày làm túi ủ biogas, khu chuồng trại không còn bốc mùi hôi, bà con chòm xóm không phàn nàn như trước nữa".
Trước đây, do ngại tốn tiền mua gas, chị Huyền xài gas rất tiết kiệm, đồng thời kết hợp việc dùng củi để nấu nướng. Từ ngày làm túi ủ biogas, chị xài gas có phần thoải mái hơn và tiết kiệm tiền nhiên liệu hơn 7.000 đồng/ngày.
Anh Hồng Thanh Tâm - cán bộ Dự án AAV huyện Long Phú cho biết: "Công nghệ túi ủ biogas là một giải pháp hữu hiệu để giúp xử lý các chất thải, giảm thiểu mùi hôi khó chịu trong chăn nuôi và các chất gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Tùy theo quy mô và điều kiện diện tích chăn nuôi mà các hộ dân có thể chọn giải pháp làm hầm biogas hay túi ủ biogas".
Anh Bùi Thanh Toàn - cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Tân Thạnh góp lời: "Ngoài việc giảm thiểu mùi hôi khó chịu trong chăn nuôi, chất thải đầu ra từ túi ủ biogas còn là nguồn phân hữu cơ tốt cho việc trồng trọt. Sử dụng khí gas sinh học từ biogas cũng góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hạn chế sử dụng củi và các nhiên liệu hóa thạch".
Như vậy, với số lượng đàn heo từ 4 đến 10 con, các hộ gia đình chỉ cần đầu tư từ 1,5 đến 2 triệu đồng là có thể làm túi ủ biogas chiều dài 7 đến 10 mét, đảm bảo tốt việc cung cấp khí gas phục vụ đun nấu trong gia đình. Hiện giá gas trên thị trường ở mức trên 400.000 đồng/bình loại 12kg và thời gian sử dụng bình gas này tại nhiều hộ gia đình chỉ trong khoảng 2 đến 3 tháng.
Tính ra, chỉ cần trong khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khi đầu tư túi ủ biogas là các hộ gia đình có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của túi ủ biogas bình quân từ 3 đến 5 năm, thậm chí còn sử dụng lâu hơn nếu được che chắn, bảo vệ tốt.
Ngoài ra, khi sử dụng nguồn chất thải đầu ra của túi ủ biogas để làm phân bón cho nhiều loại cây trồng có thể giúp giảm được 60% chi phí phân bón, phục vụ nuôi các loại cá như: Sặc rằn, rô phi, hường, chép… có thể giúp giảm khoảng 40% chi phí thức ăn chăn nuôi.
Cần khuyến khích người dân
Công nghệ khí sinh học biogas là một trong những giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi cũng như chất thải sinh hoạt tại nông thôn. Ngoài việc tạo ra nguồn năng lượng tái sinh rẻ và sạch, giảm ô nhiễm môi trường, công nghệ biogas còn góp phần giải phóng sức lao động của phụ nữ trong công việc nội trợ.
Hiện chính quyền tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tích cực khuyến cáo các hộ chăn nuôi heo phát triển làm hầm biogas hay túi ủ biogas. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tranh thủ nguồn tài trợ từ các chương trình, dự án quốc tế để hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình biogas.
Chị Nguyễn Thị Tua - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo "Mai Vàng" cho biết: "Hiện Tổ hợp tác chăn nuôi heo Mai Vàng có 26 thành viên và có 15 thành viên đã được Dự án hỗ trợ vốn để đầu tư làm túi ủ biogas với số tiền 1,5 triệu đồng/hộ. Sau thời gian sử dụng, ngoài việc làm sạch môi trường cho chuồng trại, mỗi tháng túi ủ biogas còn giúp gia đình các chị em tiết kiệm từ 150.000 đến 200.000 đồng mua than củi.
Chưa kể do đun nấu bằng bếp gas nên góc nội trợ của gia đình vừa sạch sẽ, không hề có khói, số tiền tiết kiệm được để đầu tư mở rộng chăn nuôi".
Về nguyên nhân thúc đẩy việc áp dụng mô hình biogas, theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển huyện Long Phú thì mô hình chăn nuôi heo chiếm khoảng 80% trên tổng số 701 thành viên của 33 nhóm phát triển cộng đồng do Dự án AAV hỗ trợ trên địa bàn huyện Long Phú.
Trong quá trình triển khai, Ban Quản lý Dự án kết hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng tổ chức hội thảo chia sẻ về lợi ích của việc chăn nuôi heo kết hợp với mô hình biogas và hỗ trợ kỹ thuật hướng dẫn người dân thực hiện mô hình tại gia đình. Sau đó hỗ trợ một số hộ chăn nuôi heo xây hệ thống biogas thông qua hình thức vốn quay vòng với mức chi phí thấp tương đương 1,5 triệu đồng để trang bị 2 túi: 1 túi để chứa phân và 1 túi chứa khí, nguyên liệu đầu vào là phân chuồng.
Kết quả bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Phân chuồng được gom và dùng cho việc tạo khí đốt giúp làm giảm ô nhiễm môi trường nước và không khí. Các chất thải chăn nuôi được thu gom vào túi ủ và sau thời gian phân hủy tạo khí đốt phục vụ cho sinh hoạt của gia đình; đồng thời hạn chế một số bệnh như: Sốt xuất huyết, các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da...
Cũng theo ông Thuận, lợi ích thu được góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập gia đình. Tận dụng chất đốt từ biogas, mỗi năm các hộ tiết kiệm trung bình khoảng 1,5 triệu vốn dùng để mua gas hay nhiên liệu đun nấu. Số tiền tiết kiệm này được dùng để mở rộng chăn nuôi - sản xuất, giúp hộ tăng thu nhập. Ngoài ra, khi làm biogas, mối quan hệ hàng xóm được thắt chặt hơn do giảm những mâu thuẫn vì ô nhiễm gây ra.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khí sinh học biogas, tiềm năng phát triển sản xuất khí gas từ túi ủ biogas tại các hộ gia đình ở nông thôn rất lớn. Cùng với các nguồn chất thải trong chăn nuôi gia súc gia cầm và sinh hoạt gia đình, các hộ gia đình còn có thể sử dụng các nguồn thực vật như: Cỏ, lục bình, bèo tai tượng… để làm túi ủ biogas.
Túi ủ biogas có nhược điểm so với làm hầm biogas ở chỗ đòi hỏi phải có mặt bằng rộng để đặt túi ủ. Tuy nhiên, làm túi ủ biogas có ưu điểm là chi phí đầu tư ban đầu thấp và vận hành cũng đơn giản và dễ khắc phục khi có sự cố, hiện nay các túi ủ biogas đã được cải tiến rất nhiều so với các túi thế hệ cũ.
Với kết quả bước đầu mang lại có thể khẳng định “Tổ hợp chăn nuôi heo, kết hợp túi ủ biogas” ở Tân Thạnh vẫn là hướng đi đúng, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và cần được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
UBND huyện Tuy An và Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên đã tiến hành quy hoạch 40ha trên đầm Ô Loan để thực hiện mô hình thả nuôi sò huyết.
Việc thí điểm phát triển chăn nuôi (PTCN) bò sữa theo vùng (từ năm 2008 đến 2010) tại Hà Nội thành công đã khẳng định với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Nội thì PTCN theo vùng, quy mô lớn ngoài khu dân cư là hướng đi tốt. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tham mưu đề xuất Chương trình PTCN theo vùng, xã trọng điểm và PTCN quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND thành phố phê duyệt.
Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín