Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ba Ba Ven Hồ Dầu Tiếng Ở Tây Ninh
Từ những hộ chuyên đánh bắt cá trong lòng hồ Dầu Tiếng, đời sống vốn rất bấp bênh, nhiều hộ tại xã Phước Ninh – huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã đi học hỏi kinh nghiệm và chuyển sang nuôi ba ba thương phẩm giúp cuộc sống ổn định hơn.
Được xem là hộ đầu tiên nuôi ba ba ở khu vực ven hồ Dầu Tiếng, đến nay gia đình ông Trần Văn Tư (ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) đã có một cơ sở chăn nuôi khá lớn, với mức thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm. “Ngày trước chỉ biết đánh bắt cá để kiếm cái ăn hằng ngày, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, cứ bấp bênh như chiếc thuyền trên mặt nước. Sau khi bàn bạc, suy nghĩ cần phải tận dụng lợi thế địa phương để chăn nuôi con gì đó, nên tôi và vài người bạn cất công đi tìm hiểu”, ông Tư kể lại. Đầu năm 2008, ông Tư theo chân những người bạn làm nghề đánh bắt cá đi tìm hướng làm ăn mới. Từ những kinh nghiệm học được, ông đã đầu tư xây hầm nuôi ba ba, cá lóc và cá sấu. Ông Trần Văn Tư cho biết: “Hồi đầu mới làm mà kết quả khả quan. Ba ba trên thị trường bán được giá, thương lái đến tranh giành mua nên thu nhập cũng khá tốt. Cá lóc nuôi có lãi nhưng không cao lắm, cũng là nguồn thu nhập đáng kể. Trong khi đó, nuôi cá sấu hiệu quả không cao, nên tôi không nuôi nữa. Nhiều hộ trong khu vực cũng đầu tư nuôi ba ba, nên cuộc sống đỡ vất vả hơn khi lênh đênh đánh bắt cá”.
Bước đầu thành công, nên Hội nông dân xã Phước Ninh tổ chức cho các hộ đi học học kinh nghiệm nhân giống ba ba ở các tỉnh, thành phố để mở rộng việc nuôi trồng, trong đó gia đình ông Tư được xem là “đầu tàu”. Sau khi nắm bắt được các kỹ thuật chăn nuôi, từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Tư đã tự nhân giống thành công 50.000 con ba ba. Do xã Phước Ninh nằm ven hồ Dầu Tiếng nên rất thuận lợi cho các hộ nuôi ba ba vì nguồn nước thuận lợi, thức ăn cho ba ba khá dồi dào. Tuy nhiên, vốn đầu tư các hầm nuôi khá cao (khoảng 15 triệu đồng/hầm 1.000 con), nên nhiều hộ muốn tham gia cũng rất khó. Từ đầu năm 2012, các hộ dân được Hội nông dân xã hỗ trợ cho vay dự án Quỹ hỗ trợ nông dân 500 triệu đồng nên quy mô “làng nghề” được mở rộng. Hiện đã có khoảng 30 hộ đầu tư vào chăn nuôi, trong đó đa phần nuôi ba ba.
Để tạo điều kiện cho các hộ làm ăn, thoát nghèo, gia đình ông Trần Văn Tư đã hỗ trợ bán con giống cho các hộ nghèo với gia 5.000 đồng/con (trên thị trường là 7.000 đồng/con) với phương thức trả chậm. Đến nay, gia đình ông đã bán hơn 30.000 con giống cho 22 lượt hộ trong và ngoài xã Phước Ninh, trong đó có 6 gia đình nghèo khó đã hoàn toàn thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Ông Tư chia sẻ: "Mình được xã tạo điều kiện cho đi học tập kinh nghiệm, tạo điều kiện cho làm ăn. Nên bây giờ, tôi muốn giúp đỡ người dân trong vùng làm kinh tế giống mình để có cuộc sống tốt hơn. Ngày xưa mình cũng từng nghèo khó mà".
Hiện “làng nghề” phát triển khá thuận lợi do đã ký kết với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh bao tiêu toàn bộ thương phẩm ba ba thịt, trong khi nguồn cung ba ba giống cũng ổn định từ các tỉnh miền Tây, nên nông dân yên tâm đầu tư. Nghề nuôi ba ba được mở rộng tại huyện Dương Minh Châu chủ yếu 2 năm gần đây.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 27.6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo công bố phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm do vi khuẩn riskettsia - like gây ra tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Đến ngày 14.6, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà – nơi nuôi tôm hùm nhiều nhất nước, giá tôm hùm thương phẩm loại 1 chỉ còn 800.000 đồng/kg, so với trước đây khoảng 2,8 triệu đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay.
Với sự siêng năng, cần cù, chịu khó, mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng (VACR) của ông Trần Văn Khải ngụ ấp Ông Gồng, xã Tân Đông (Tiền Giang) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm