Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn bằng chế phẩm sinh học
Gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân, thôn 6, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa đã mạnh dạn phát triển trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.
Một mô hình chăn nuôi lợn. Ảnh: Phương Anh/TTXVN
Sau khi đi tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất an toàn trong và ngoài tỉnh, gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân, thôn 6, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa đã mạnh dạn phát triển trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.
Với mô hình chăn nuôi khép kín hoàn toàn từ lúc lợn sinh ra cho đến khi lợn đạt hơn 1 tạ xuất ra thị trường, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông luôn duy trì khoảng 3.000 lợn thương phẩm và là 1 trong những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân hiện nay của gia đình ông sau khi trừ chi phí là trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2010, với hơn 200 triệu vay từ ngân hàng, bạn bè, người thân, ông Nhân mạnh dạn nhận thầu 3 ha đất nông nghiệp và xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn sạch. Để thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi dịch bệnh, ông xây dựng 4 khu chuồng trại riêng biệt bao gồm: khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn sữa, lợn hậu bị và lợn thương phẩm.
Các khu chuồng luôn được dọn rửa sạch sẽ, thoáng mát, trang bị hệ thống điện, nước, cống xả thải. Mỗi ô chuồng còn được đánh số thứ tự, có bảng ghi chi tiết lịch ăn, tiêm phòng, khối lượng thức ăn cho lợn...
Để tạo ra những sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, ông Nhân quyết định chuyển hướng chăn nuôi từ thức ăn công nghiệp sang chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Theo đó, lợn con 2 tháng đầu mới tách mẹ, sẽ được nuôi theo chế độ dinh dưỡng riêng nhằm tăng sức đề kháng. Sau đó, lợn sẽ được tách ra khu riêng để nuôi hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học đến khi xuất bán.
Theo ông Nhân quy trình trộn thức ăn cho lợn rất quan trọng quyết định sự sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh của đàn. Không áp dụng theo một công thức cứng nhắc, tùy theo từng thời điểm ông Nhân có cách phối trộn thức ăn riêng để đàn lợn đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt vừa hạ được giá thành thức ăn đầu vào.
Theo đó, có thời điểm ông trộn thức ăn theo tỷ lệ 30% cám trộn, 70% cám công nghiệp; có thời điểm trộn 50% cám trộn, 50% cám công nghiệp. Tuy nhiên, có thời điểm giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, gây thua lỗ nặng nề cho người chăn nuôi, để tiếp tục giữ đàn, duy trì sản xuất, toàn bộ lợn từ 35kg trở lên, ông nuôi hoàn toàn bằng cám trộn đến khi xuất bán.
Nhờ đó, trang trại chăn nuôi của ông vượt qua thời điểm khủng hoảng về giá để tiếp tục duy trì và phát triển. Việc chăn nuôi lợn bằng chế phẩm sinh học mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tận dụng sản phẩm từ nông nghiệp như: cám gạo, ngô, đậu, đỗ; bã bia, xác cá... tất cả xay, nghiền ngay tại nhà, sau đó được phối trộn cùng với chế phẩm sinh học để lên men... nên giảm chi phí thức ăn công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn từ nông nghiệp giảm lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi, tạo sản phẩm thịt sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng...
Theo tính toán của ông Nhân, chăn nuôi an toàn bằng thức ăn tự xay trộn giúp giảm chi phí 30 triệu đồng một tháng so với thức ăn công nghiệp. Nhờ đó, gia đình ông có thể duy trì sản xuất trong điều kiện nhiều trang trại phải phá sản, bỏ đàn do giá cả bấp bênh. Do sản xuất an toàn nên sản phẩm từ trang trại của gia đình ông Nhân được một số cửa hàng cung ứng thực phấm sạch trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và Hà Nội liên kết tiêu thụ.
Chị Mai Thị Thảo, Chủ cửa hàng thực phẩm sạch Billgreen, thành phố Thanh Hóa cho biết, cửa hàng đã liên kết với gia đình ông Nhân 4 năm nay, các sản phẩm thịt lợn được khách hàng đánh giá thơm ngon và được tin dùng.
Cùng với chăn nuôi lợn an toàn, trên diện tích 3 ha đất nông nghiệp, hiện ông Nhân trồng thêm gần 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, 500 gốc cam, 300 gốc bưởi, nuôi thêm gần 2.000 con gia cầm. Ông thực hiện chăm sóc đàn gia cầm giống như đàn lợn; chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế. Đối với cây trồng, để đảm bảo môi trường sống trong lành cho gia đình, ông tự chế thuốc trừ sâu bằng cách ngâm rượu với tỏi, gừng đậm đặc rồi phun cho cây...
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng cho biết: Mô hình trang trại sạch của ông Nhân không chỉ cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn mà còn thể hiện sự năng động, sáng tạo, biết gắn sản xuất với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người nông dân trong thời kỳ đổi mới.
Nhờ những nỗ lực vượt khó, năm 2016, ông Nhân vinh dự đại diện cho gần 500.000 hội viên nông dân tỉnh Thanh Hóa nhận Bằng khen Nông dân xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc do Chủ tịch nước trao tặng.
Có thể bạn quan tâm
Là quận phía Nam của Hà Nội, có dòng sông Hồng chảy qua, điều kiện đất đai, địa lý, thổ nhưỡng ưu ái giúp Hoàng Mai hình thành nhiều vùng trồng rau an toàn
Ông Lê Minh Thuận, sinh năm 1968 sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm SX, năm 2012 ông triển khai trồng dừa dứa.
Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho bản thân mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao