Giá / Tin thủy sản

Hiệu quả nuôi cá lòng hồ thủy điện tại Quảng Ngãi

Hiệu quả nuôi cá lòng hồ thủy điện tại Quảng Ngãi
Tác giả: Chấn Phong
Ngày đăng: 22/02/2020

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 50% diện tích mặt nước ở các huyện miền núi được người dân khai thác, nuôi cá nước ngọt; thời gian qua mô hình này mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp người nuôi thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi mang lại kinh tế cao cho bà con miền núi Quảng Ngãi - Ảnh: Chấn Phong 

Tận dụng nguồn nước trong lòng hồ, nguồn thức ăn phong phú cho cá phát triển tốt, anh Phạm Văn Khanh, ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ đã triển khai mô hình nuôi cá ở hồ thủy lợi Suối Loa. Ban đầu từ 2 lồng nuôi cá điêu hồng, đến nay anh Khanh đã có 8 lồng nuôi, chủ yếu là 3 loại cá lăng nha, thát lát và điêu hồng. Qua hai năm nuôi cá đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống. Anh Khanh cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, vụ này anh nuôi chủ yếu cá thát lát với số lượng là 10.000 con; sau gần 5 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng tốt, trọng lượng bình quân trên 100 g/con, tỷ lệ sống đạt trên 90%. 

Mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ thủy lợi bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều hộ dân tự làm lồng bè nuôi cá; do đó, chính quyền huyện Ba Tơ đã có những chính sách hỗ trợ người dân vay vốn không lãi suất để mở rộng mô hình nuôi cá nước ngọt. Mấy năm nay, người dân các xã Ba Động, Ba Dinh, Ba Liên, huyện Ba Tơ có thu nhập ổn định từ mô hình này. Nhiều xã đã thành lập tổ hợp tác liên kết nuôi cá theo chuỗi mang lại giá trị kinh tế cao như: Tổ hợp tác nuôi cá ở xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, mỗi năm bình quân thu gần 90 tấn cá, bán khoảng 1 tỷ đồng. Theo các hộ nuôi, thời điểm thả nuôi bắt đầu từ tháng Giêng trong năm; sau 5 tháng chăm sóc, các thành viên trong tổ có thể thu hoạch cá. Mỗi thành viên thu nhập 30 triệu đồng/tháng.

Năm qua, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ triển khai mô hình thử nghiệm nuôi cá thát lát thương phẩm trong lồng trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn và thuốc, hóa chất. Khi bắt đầu thả nuôi, tuần đầu tiên, cán bộ và người nuôi cá phải túc trực thường xuyên tại bè để kiểm tra dịch bệnh, giúp cá thích hợp với môi trường mới; sau đó, người dân làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. 

Ông Ngô Hữu Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ cho biết, để giúp nông dân nắm vững về quy trình, kỹ thuật nuôi cá thát lát thương phẩm trong lồng, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 50 lượt nông dân trong và ngoài mô hình. “Chúng ta phải chọn cá đồng đều, nguồn cá giống uy tín, để đảm bảo kiểm soát được nguồn dịch bệnh. Bởi, nếu chọn được giống cá tốt thì có tới hơn 35% thắng lợi khi nuôi” - ông Ngô Hữu Tường thông tin.

“Nói chung, mô hình nuôi cá lồng bè này đạt, có lợi nhuận. Trang trại tôi cũng có nuôi thêm các loại cá như thát lát cườm, điêu hồng. Đơn cử, với khoảng 1.000 cá lăng nha, sau 7 tháng nuôi, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng” - anh Khanh tâm sự.


Có thể bạn quan tâm

Shinshu Salmon - top thương hiệu cá hồi tại Nhật Bản Shinshu Salmon - top thương hiệu cá hồi tại Nhật Bản

Cá hồi Shinshu được nuôi tại quận Nagano - địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng thương hiệu riêng cho cá hồi trên khắp Nhật Bản bất chấp địa hình nội lục

22/02/2020
Cung ứng gần 4 triệu con giống tôm càng xanh toàn đực cho vùng lúa - tôm tại Cà Mau Cung ứng gần 4 triệu con giống tôm càng xanh toàn đực cho vùng lúa - tôm tại Cà Mau

Năm 2019, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã cung ứng số lượng rất lớn giống tôm càng xanh toàn đực cho vùng nuôi tôm - lúa, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

22/02/2020
Khoáng vi lượng tối ưu cho ấu trùng cá biển Khoáng vi lượng tối ưu cho ấu trùng cá biển

Biến dạng xương là một trong những mối lo ngại lớn nhất khi nuôi cá biển; tuy nhiên, dị tật này có thể được giảm thiểu bằng cách tăng cường yếu tố vi lượng

22/02/2020