Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Rau Áp Dụng Phương Pháp Ủ Phân Hữu Cơ Vi Sinh
Phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh hại, phân bón còn có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường.
Nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn và phát triển bền vững, Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố đã thực hiện chuyển giao mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh có sử dụng nấm Trichoderma cho các hộ trồng rau màu tại xã An Hải, huyện Ninh Phước. Là loại nấm sống chủ yếu trong đất, Trichoderma lấy dinh dưỡng để phát triển bằng cách phân hủy chất hữu cơ, ức chế và tiêu diệt nấm, vi khuẩn gây bệnh.
Việc bón phân hữu cơ vi sinh có sử dụng nấm Trichoderma tạo sản phẩm rất an toàn, đất không bị ô nhiễm, khả năng giữ ẩm tốt hơn, tăng cường khả năng cải tạo đất do các hệ sinh vật có ích hoạt động mạnh làm cho đất tơi xốp hơn, cây dễ hút thu dinh dưỡng hơn. Mô hình này tận dụng nguồn phân chuồng và phế phẩm nông nghiệp để chế biến phân bón hữu cơ, thời gian ủ phân 2 tháng.
Tại thôn Hòa Thạnh, xã An Hải, có 3 hộ sản xuất rau được Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố triển khai thực hiện thí điểm. Hộ anh Nguyễn Văn Hưng là một trong 3 hộ được chuyển giao mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh. Anh Hưng cho biết, trước đây gia đình anh trồng rau thường bón phân chuồng không qua quá trình ủ. Sau khi trồng thử nghiệm 1 sào hành ta bón phân hữu cơ vi sinh có sử dụng nấm Trichoderma cho thấy bộ rễ hành làm củ sớm hơn từ 5-10 ngày, sản lượng tăng 30-40%.
Anh Nguyễn Văn Lai phấn khởi nói gia đình anh trồng 4 sào dưa hấu có bón phân hữu cơ vi sinh. Kết quả cho thấy cây dưa phát triển nhanh, dây tốt, lá xanh, trái đẹp và đều. Trước đây, khi bón phân chuồng không qua quá trình ủ, gia đình anh phải chạy thuốc dưới rãnh và phun thuốc trừ nấm, diệt cỏ.
Nhưng khi sử dụng loại phân hữu cơ vi sinh này, cây dưa không còn bị nấm, cỏ cũng giảm đến 80%. Sản lượng dưa cũng tăng lên gấp đôi, nếu như trước đây sản lượng đạt khoảng 4 tấn/sào thì nay tăng lên khoảng 10 tấn/sào.
Với giá bán 4.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/sào, còn lại anh lãi ròng hàng chục triệu đồng. Trong thời gian tới, anh Lai tiếp tục áp dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh vào trồng trọt. Anh mong muốn mô hình này được nhân rộng để bà con nông dân áp dụng đạt được hiệu quả cao trong sản xuất.
Không chỉ góp phần tăng năng suất, việc áp dụng quy trình ủ phân hữu cơ sinh học vào sản xuất rau màu còn tạo ra được sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Mô hình này cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch) là vào mùa thu hoạch đu đủ ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Những ngày này, nông dân trong xã tấp nập thu hái đu đủ và đưa sản phẩm đến bán ở các điểm thu mua của thương lái dọc theo quốc lộ 1A trên địa bàn xã.
Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo khởi động dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau.
Heo, gà, vịt, cá tra… kéo nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL rơi vào cảnh lao đao. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, do đó “cứu” ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra.