Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá Koi giống
Tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông Trịnh Xuân Hiền, phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá Koi giống, một loại cá cảnh có xuất xứ từ Nhật Bản.
Được du nhập vào Việt Nam cách đây khá lâu, nhưng vài năm trở lại đây thú nuôi cá Koi trong bể xi măng trong gia đình mới thực sự nở rộ. Không chỉ bắt mắt với màu sắc đẹp, cá Koi còn hấp dẫn bởi yếu tố phong thủy đem lại sự giàu sang, may mắn cho gia chủ.
Ông Hiền bộc bạch: “Nhận thầu hơn 3 ha đất vốn là diện tích sâu trũng, tôi cải tạo để phát triển mô hình cá - lúa, với các loại cá truyền thống như cá trắm, trôi, mè,... Tuy nhiên, nuôi cá nước ngọt thu nhập không ổn định, nên tôi đã quyết tâm tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình”. Năm 2014, khi đến tham quan cơ sở nuôi cá Koi giống, ông Hiền đã bị thu hút bởi màu sắc và hình dáng của đàn cá. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển, trong khi trên địa bàn tỉnh có rất ít địa chỉ cung cấp cá giống uy tín. Từ đó, ông Hiền đã quyết tâm đầu tư xây bể nuôi cá Koi giống.
Thời gian đầu nuôi thử nghiệm cá Koi, do chưa có kinh nghiệm nên cá chết nhiều, màu sắc của cá cũng như trọng lượng không đạt yêu cầu. Qua tìm hiểu, ông Hiền nhận thấy nguồn nước và nhiệt độ tại ao nuôi có sự chênh lệch khiến cá bị sốc, nên phải cho cá vào nhiều bể lọc nước khác nhau, điều chỉnh nhiệt độ của nước từ từ để cá thích nghi rồi mới đưa ra ngoài ao nuôi. Để cá có chất lượng bảo đảm, ông Hiền nhập giống tại TP Hải Phòng, chú ý một số đặc điểm như hình dáng, màu sắc, giống cá khỏe mạnh, bơi đẹp và không có dị tật; loại trung bình có giá từ 300 nghìn đồng/kg, loại cao cấp 1 triệu đồng/kg. Cá được nuôi tại ao lớn, sau vài tháng, sẽ chuyển vào các bể nhỏ để xử lý kháng sinh trước khi cung cấp ra thị trường. Lúc này, giá bán trung bình khoảng 400 nghìn đồng/kg và mỗi con cá đạt trọng lượng trên dưới 1 kg.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá Koi giống, ông Hiền cho biết: Đối với cá Koi, giá cả được quyết định vào vân hoa và màu sắc, nên để nuôi được cá có vẻ đẹp tự nhiên, tuổi thọ cao thì thức ăn, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống là yếu tố quyết định. Hồ nuôi cá phải rộng, độ sâu từ 0,8m đến 1,5m, nước trong, sạch, rong không quá nhiều; bởi nguồn nước có ảnh hưởng đến màu sắc của cá. Thức ăn cho cá Koi phải là loại thức ăn riêng biệt, được mua tại các cơ sở uy tín, có độ đạm cao; khẩu phần ăn chiếm khoảng 5% trọng lượng cơ thể. Trong quá trình nuôi, cần sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau, tránh gây sốc cá, không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh và phải chú ý vệ sinh môi trường nuôi thường xuyên bằng vôi bột tùy theo độ pH của nước ao... Đồng thời, luôn chú trọng khâu chữa bệnh và thuần dưỡng cá; khi giao bán cho khách, ông thường bảo hành chất lượng cá trong 1 tháng và đồng hành cùng khách hàng trong quá trình nuôi. Sau nhiều năm, ông Trịnh Xuân Hiền đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi ươm cá Koi giống và là địa chỉ tin cậy cho khách hàng có nhu cầu nuôi loại cá “khó tính” này. Hiện nay, mỗi tháng ông Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 3 tạ cá giống, thu nhập 20 triệu đồng trở lên. Từ thành công ban đầu, thời gian tới, ông Hiền sẽ mở rộng diện tích ao nuôi, đầu tư lắp đặt máy móc, cung cấp ra thị trường nhiều giống cá Koi có chất lượng và mẫu mã cao cấp hơn.
Hiện nay, mô hình nuôi cá Koi giống được xem là mô hình sản xuất mới trên địa bàn tỉnh; góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, người dân cần tham khảo, nghiên cứu về kỹ thuật, điều kiện tự nhiên để tránh đầu tư rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa mới công bố một tác nhân mới gây ra hội chứng hoại tử gan tụy (EMS) trên tôm nuôi.
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của nồng độ ammonia khi vượt quá ngưỡng cho phép đến sức khỏe của tôm ở cấp độ phân tử.
Để nâng cao năng suất, sản lượng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) vụ xuân hè, các địa phương trong tỉnh đã và đang áp dụng cách nuôi kết hợp